Tăng cường lực lượng Công an cho đơn vị trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở

Thứ Hai, 19/04/2021, 19:32
Ngày 19/4, tại TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Bộ Công an tổ chức Hội nghị chuyên đề bàn giải pháp làm giảm tội phạm.


Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và Công an 26 tỉnh, thành phố.

Trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng CAND làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp các giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Số vụ phạm tội về TTXH hàng năm cơ bản được kéo giảm, tỷ lệ điều tra khám phá án liên tục tăng.

Cụ thể, đến năm 2020, số vụ phạm tội về TTXH giảm 5,43% và tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 83,5%. Hiệu quả phát hiện, điều tra xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao được nâng lên. Thông qua đó góp phần giữ vững ANTT, tạo chuyển biến tích cực về TTATXH, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ trưởng Lê Quý Vương phát biểu tại Hội nghị.

Tuy nhiên, qua phân tích đánh giá, năm 2020, số vụ phạm pháp hình sự cả nước có giảm, nhưng vẫn có nhiều địa phương tăng, địa phương giảm nhưng chưa đạt chỉ tiêu. Đáng chú ý, tình hình tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực với nhiều phương thức, thủ đoạn tội phạm mới.

Năm 2021, Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương tiếp tục đề ra chỉ tiêu phấn đấu làm giảm ít nhất 5% số vụ phạm pháp hình sự, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Chỉ đạo tại Hội nghị, các đồng chí Thứ trưởng Lê Quý Vương và Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu các địa phương tập trung thảo luận phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tội phạm, nhất là các vấn đề nổi lên cần tập trung giải quyết. Đánh giá kết quả việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm thời gian qua và những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Phân tích làm rõ những giải pháp mang lại hiệu quả và cần bổ sung giải pháp để đạt mục tiêu đề ra…

Tham gia thảo luận tại Hội nghị, đại diện Công an TP Hà Nội phân tích cho thấy tội phạm hiện nay có xu hướng hoạt động theo mùa, từng khu vực lại có những đặc trưng riêng. 

Theo đó cần đưa ra các giải pháp phù hợp từng thời điểm và phải gắn trách nhiệm người đứng đầu vào kết quả công tác. Cùng với đó phải tập trung việc phòng ngừa xã hội, như nâng cao hiệu quả của các tổ tuần tra nhân dân, tổ hòa giải. Phòng ngừa nghiệp vụ bằng việc tập trung quản lý, kiểm tra các địa bàn trọng điểm và tiếp tục duy trì có hiệu quả các tổ tuần tra 141. 142…

Từ kinh nghiệm của Công an tỉnh Thanh Hóa cho thấy tội phạm thường tập trung ở khu vực thành thị, trung tâm nơi tập trung đông người. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tình hình tội phạm lợi dụng thời gian đêm khuya để trộm cắp, cướp giật tài sản, ném chất bẩn, gây rối trật tự công cộng, mua bán và sử dụng trái phép chất ma túy.  Theo đó địa phương này tập trung phát huy vai trò của quần chúng tham gia bảo vệ ANTQ, trong đó có mô hình  “Công nhân môi trường – Chiến sỹ tuần tra”.

Cùng với đó, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát huy vai trò của lực lượng Công an xã trong công tác nắm tình hình, kịp thời ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, không để phát sinh mâu thuẫn cũng như hình thành các tụ điểm phức tạp về tội phạm…

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội nghị.

Còn Công an tỉnh Quảng Ninh cũng chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống tội phạm. Nhiều khu dân cư, thôn, xóm đã sử dụng Zalo, Facebook, để trao đổi, cung cấp các thông tin liên quan đến ANTT. Thông qua đó, lực lượng Công an nắm bắt được thông tin, diễn biến nhiều vụ việc kịp thời giải quyết, xử lý…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia của Công an các đơn vị, địa phương với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn thảo luận, đi thẳng vào vấn đề, sau đó xác định trách nhiệm và có những giải pháp để tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm.

Đại biểu Công an 26 tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị

Thứ trưởng Lê Quý Vương lưu ý, trong thời gian tới Công an các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân, kết hợp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, gia đình, trường học, khu dân cư văn hóa, an ninh, an toàn, các mô hình tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự; tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục hiệu quả các trường hợp có nguy cơ cao phạm tội tại cơ sở; chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm, vi phạm pháp luật có nguyên nhân từ các yếu tố kinh tế - xã hội.

Đồng thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc và kiểm soát tình hình; thường xuyên mở các cao điểm tấn công, trấn áp, truy nã tội phạm, nhất là các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng vũ khí gây án, tội phạm giết người, hoạt động liên quan bảo kê, tín dụng đen, tội phạm xâm phạm trẻ em, mua bán người, tội phạm ma túy, tội phạm cờ bạc…

Lãnh đạo Bộ Công an chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu.

Thứ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị, địa phương điều chỉnh, bố trí lực lượng Công an theo hướng tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở, kịp thời thực hiện công tác nắm địa bàn, nắm hộ, nắm người, giải quyết tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở ngay từ khi mới phát sinh, hạn chế không để trở thành các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp…


V. Huy
.
.