Giải pháp chống dịch COVID – 19 dưới góc nhìn An ninh phi truyền thống
- TPHCM hơn 60 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19
- CSGT bám địa bàn, xử lý vi phạm, tuyên truyền chống dịch
- CA các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp tăng cường phòng chống dịch bệnh
Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, trong thế giới đương đại, bên cạnh mối đe dọa về quân sự, vẫn tồn tại và xuất hiện nhiều yếu tố mới đe dọa đến an ninh con người và an ninh quốc gia như: Khủng bố, dịch bệnh lây lan nhanh ở người và động vật, biến đổi khí hậu, mua bán ma túy, mua bán phụ nữ và trẻ em, di cư bất hợp pháp xuyên quốc gia, tội phạm mạng. Trong bối cảnh đó, những nhận thức về an ninh cũng thay đổi nhanh chóng.
Bên cạnh những quan niệm đã và đang được sử dụng xung quanh chủ đề này như: An ninh tập thể, an ninh chung, an ninh toàn diện..., xuất hiện nhiều nguy cơ, thách thức an ninh phi truyền thống (non-traditional security) mà dịch COVID- 19 là một điển hình. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống thường lan tỏa nhanh, ảnh hưởng rộng mang tính toàn cầu, khu vực hoặc quốc gia.
Quản trị phòng ngừa, ứng phó các thảm họa an ninh phi truyền thống, trong đó có dịch COVID- 19 bao gồm một loạt các hoạt động can thiệp có thể được tiến hành trước, trong, sau dịch bệnh này nhằm giảm đến mức tối thiểu những mất mát về người và tài sản, đồng thời thúc đẩy nhanh chóng quá trình khắc phục.
Trong Khoa học An ninh có lý thuyết về quản trị, phòng ngừa, ứng phó các thảm họa an ninh phi truyền thống. “Chu trình quản trị thảm họa an ninh phi truyền thống” đưa ra một loạt các hành động nối tiếp nhau để chủ động quản trị các vấn đề do dịch bệnh này gây ra, với dịch COVID-19 bao gồm các giải pháp: Cứu trợ, phục hồi, tái thiết và phát triển; giảm nhẹ và phòng ngừa.
Trong Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 11/03/2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn lây bệnh và sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng để phòng chống dịch COVID – 19. Qua thực tiễn Việt Nam cho thấy, để quản trị, phòng ngừa, ứng phó có hiệu quả với các thảm họa an ninh phi truyền thống nói chung, dịch COVID - 19 nói riêng, cần thực hiện phương châm “3 sẵn sàng” và “4 tại chỗ”.
Về phương châm “3 sẵn sàng”: Chống dịch COVID – 19 như “chống giặc”, chủ động phòng tránh dịch COVID - 19, đối phó kịp thời dịch COVID -19 và khắc phục khẩn trương và có hiệu quả dịch COVID - 19.
“4 tại chỗ” gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Về “chỉ huy tại chỗ”: Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có xảy ra dịch COVID - 19 trực tiếp chỉ huy điều phối các lực lượng Y tế, Công an, Quân đội, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải,v.v. địa phương (và cả các lực lượng Trung ương đóng quân trên địa bàn) tìm kiếm, khám, chữa bệnh và thực hiện các biện pháp cần thiết, kể cả biện pháp xử lý hình sự, cưỡng chế hành chính để phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh.
Kinh nghiệm của Vĩnh Phúc là khi dịch COVID – 19 xảy ra tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chủ động, kiên quyết, chỉ đạo, huy động toàn thể hệ thống chính trị tỉnh vào cuộc. Lần đầu tiên trong cả nước từ 13/02/2020 Vĩnh Phúc đã quyết định cách ly 20 ngày và đảm bảo đời sống hoạt động bình thường cả một đơn vị hành chính cấp xã để đảm bảo an toàn cao nhất cho nhân dân. Kết hợp với các biện pháp khác, việc này đã đưa đến sự thành công.
Trong Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 11/03/2020 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là phường, xã, thôn, bản, tổ dân phố trong phòng, chống dịch COVID – 19.
Về “lực lượng tại chỗ” gồm các cán bộ Y tế, Công an, Quân đội, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải,v.v. địa phương (và các lực lượng Trung ương đóng quân trên địa bàn) luôn sẵn sàng để giải quyết, cứu nạn, cứu hộ, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
“Phương tiện tại chỗ”: Có đủ các phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, công cụ hỗ trợ, công cụ cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, y tế, thuốc, v.v. phục vụ yêu cầu cứu hộ, cứu nạn, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch COVID - 19.
“Hậu cần tại chỗ”: Dự trữ đủ xăng dầu cho xe cấp cứu, tàu, thuyền, xuồng máy, ca nô, ôtô, xe máy, máy phát điện hoạt động khi không có điện; dự trữ lương thực, thực phẩm và các phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện y tế, thuốc men, khẩu trang, thuốc sát trùng, phục vụ cứu hộ, cứu nạn, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch COVID - 19.
Trong trường hợp các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh vượt khả năng, cần có sự hỗ trợ, cần báo cáo đề xuất lãnh đạo tỉnh, thành phố xin ý kiến chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời. Trường hợp xảy ra dịch COVID - 19 đặc biệt nghiêm trọng cần báo cáo lãnh đạo tỉnh, thành phố xin ý kiến Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các ban ngành Trung ương hỗ trợ. Việc điều động lực lượng đến hỗ trợ các địa phương có dịch COVID - 19 theo nguyên tắc gần trước, xa sau, địa phương lân cận trước, có tính đến việc ưu tiên các địa phương dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.