Đưa "ngáo đá" đi cai, nhiều Cảnh sát phải chi tiền túi

Thứ Hai, 13/02/2017, 10:56
Có trường hợp những gia đình nghèo, không có đủ tiền cho con em đi cai nghiện tự nguyện, cán bộ, chiến sĩ trong Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) phải tự bỏ tiền của mình để đóng cho đối tượng mới đủ điều kiện được đưa vào cơ sở cai nghiện…

Với Đội Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về ma túy - Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội), cán bộ, chiến sĩ nơi đây không chỉ biết đánh án mà  còn vận động, thuyết phục đối tượng đi cai nghiện; bởi theo họ, đây vẫn là biện phòng phòng ngừa mang lại hệ quả tích cực.

Cùng với việc xuất hiện nhiều loại ma túy đầu độc giới trẻ thì việc sử dụng ma túy "đá" tỏ ra nguy hại hơn cả. Đối tượng sử dụng ma túy "đá", khi phê thuốc lên cơn "ngáo đá" thường không kiểm soát được bản thân, có những biểu hiện và việc làm gây nguy hiểm cho xã hội. Nhiều vụ đối tượng "ngáo đá" gây trọng án hoặc có những biểu hiện tâm thần như trèo lên cột điện, hoang tưởng la hét, đốt nhà, chửi bới, cởi quần áo… gây mất an ninh trật tự tại địa phương, để lại những hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội.

Là Cảnh sát ma túy, trực diện đấu tranh với loại tội phạm này nên hơn ai hết, cán bộ chiến sĩ Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Hoàn Kiếm hiểu rõ tác hại khôn lường của việc sử dụng ma túy nói chung, ma túy "đá" nói riêng. Vì vậy, để chủ động phòng ngừa, cán bộ, chiến sĩ trong đội xác định việc vận động, thuyết phục đối tượng nghiện đi cai tự nguyện là trách nhiệm chung của lực lượng Công an. Địa bàn không có người nghiện ma túy thì cũng không có đối tượng mua bán ma túy.

Một đối tượng "ngáo đá" không làm chủ được bản thân trèo lên đường dây điện hạ thế. Ảnh: CTV.

Chính vì vậy, từ ngày 5-1-2016 đến 9-2-2017, trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm và thực hiện các kế hoạch phòng ngừa của Công an TP Hà Nội và Bộ Công an nhằm đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cho nhân dân vui xuân, đón Tết Đinh Dậu 2017, Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Hoàn Kiếm đã đưa 6 đối tượng "ngáo đá" trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đi cai nghiện, trong đó có 4 trường hợp đi cai nghiện tự nguyện, 1 trường hợp đi chữa bệnh tâm thần.

Ngoài ra, còn bắt 1 đối tượng về tội tàng trữ ma túy, 1 đối tượng khác đưa đi cai nghiện bắt buộc. Số đối tượng còn lại chưa có biểu hiện "ngáo đá" rõ rệt thì đưa vào diện cai nghiện tại chỗ, phối hợp quản lý tại địa phương.

Có thể nói, biểu hiện của các đối tượng "ngáo đá" thì muôn hình vạn trạng. Như trường hợp của Hoàng Nhất V., trú tại phường Cửa Nam, đã có "thâm niên" sử dụng ma túy đá nên hoang tưởng nặng, bắt người thân phải quỳ xuống nền nhà để đe dọa. Đối tượng này đã được đưa đi chữa bệnh tâm thần.

Đối tượng Nguyễn Văn L., ở phường Phúc Tân và Vũ Văn H. ở phường Đồng Xuân thì mỗi lần phê lại ra đường chửi bới hàng xóm, người đi đường. Còn đối tượng Nguyễn Thành L., sống dưới thuyền trên Sông Hồng thì mỗi khi "ngáo đá" lại lên bờ nhặt rác bẩn để… ăn.

Để vận động đối tượng đi cai tự nguyện, Công an phải nắm bắt diễn biến tâm lý, kết hợp với Công an phường, Cảnh sát khu vực, cán bộ khu dân cư, đặc biệt là gia đình có người nghiện để thuyết phục, phân tích, vận động đối tượng. Lần này không thuyết phục được thì lần khác kiên trì thuyết phục tiếp.

Chẳng hạn như trường hợp của  H.A., ở phường Đồng Xuân. Hoàn cảnh gia đình bố chết, mẹ bỏ đi, H.A. sống một mình. Khi lên cơn "ngáo đá" thì đốt quần áo, đồ đạc, đe dọa mọi người xung quanh. Cán bộ, chiến sĩ trong đội đã thông qua người bác ruột của H.A. để vận động. H.A. hứa sau khi ăn tết xong sẽ tự nguyện đi cai. Theo hẹn, Công an đã đưa H.A. lên cơ sở cai nghiện theo hình thức tự nguyện.

Ai cũng biết, đối tượng "ngáo đá" đe dọa đến an ninh trật tự xã hội, nhưng theo qui định của pháp luật, không phải trường hợp nào cũng đưa đi cai nghiện bắt buộc, mà nhiều trường hợp, phải được sự tự nguyện của bản thân người nghiện và gia đình. Đối tượng "ngáo đá" khi bị tạm giữ thì mất năng lực về nhận thức nhưng khi hết thuốc thì cũng rất "quái".  

Chẳng hạn như trường hợp của Bùi Đức T., trú tại phường Hàng Bài, do "ngáo đá", đối tượng hoang báo vừa gây ra trọng án. Công an quận Hoàn Kiếm phối hợp với Công an phường Hàng Bài động viên Thắng tự nguyện đi cai. Nhưng khi đưa tới cơ sở cai nghiện, T. lại thay đổi ý định, bỏ về.

Hoặc cũng có trường hợp, vì lý do tài chính, gia đình nghèo, không có điều kiện đóng tiền cho con em đi cai nghiện tự nguyện. Vì vậy, có trường hợp, cán bộ, chiến sĩ trong đội phải tự bỏ tiền của mình để đóng cho đối tượng mới đủ điều kiện được đưa vào cơ sở cai nghiện…

Việc làm của cán bộ, chiến sĩ Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) là đáng biểu dương. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc vận động, đưa đối tượng nghiện nói chung, đối tượng "ngáo đá" nói riêng đi cai nghiện là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Nên chăng, đã đến lúc, tại các địa phương, chúng ta cần xây dựng một quỹ hỗ trợ cho người nghiện, theo hình thức đóng góp tự nguyện, để sử dụng vào mục đích đóng kinh phí riêng với trường hợp đi cai tự nguyện, nhưng hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, không có khả năng chi trả cho con em họ. Bởi, nếu người nghiện cai nghiện thành công thì xã hội cũng bớt đi một nỗi lo về an ninh trật tự tiềm ẩn.

Đào Minh Khoa
.
.