Đẩy mạnh tuyên truyền để ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em ở vùng cao
- Cẩm nang bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại tình dục qua mạng
- Ra mắt sổ tay bảo vệ trẻ trước nguy cơ xâm hại tình dục qua mạng
Chiều muộn, làm việc với các chiến sĩ Đội 4, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi không khỏi đau lòng khi vừa được các anh cho biết, họ lại tiếp nhận thêm một vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Một tỉnh miền núi với phần lớn dân cư sống dựa vào nông nghiệp, cha mẹ mải đi làm nương xa, các em gái nhỏ ở nhà chưa được trang bị kỹ năng phòng tránh, đã dẫn tới liên tiếp các vụ xâm hại trẻ em xảy ra.
Lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng một chương trình bảo vệ trẻ em với mục tiêu ngăn ngừa và giảm thiểu số vụ xâm hại xuống mức thấp nhất.
Thiếu kỹ năng, thiếu sự quan tâm
Sau khi tỉnh cơn say, biết mình vừa gây ra tội lỗi gì, Hứa Văn Thịnh, 52 tuổi, trú tại thôn Nà Giàng, xã Dương Sơn, huyện Na Rì (Bắc Kạn) đã vô cùng hối hận nhưng không kịp nữa.
Chỉ vì say rượu, không kiểm soát được thú tính của mình, Thịnh đã xâm hại một bé gái 4 tuổi. Nhận được tố cáo từ gia đình cháu bé, sau khi xác minh, điều tra, ngày 7-12, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Kạn đã ra lệnh bắt khẩn cấp Hứa Văn Thịnh về hành vi giao cấu với trẻ em.
Khi tìm hiểu nguyên nhân mới biết, bố mẹ cháu bé mải đi làm, cháu ở nhà với bà. Khi cháu tha thẩn chơi bên nhà hàng xóm, gặp phải Thịnh đi ăn cỗ về uống rượu, gã “yêu râu xanh” đã gọi cháu vào nhà rồi giở trò đồi bại. Vì thiếu cảnh giác, để cháu nhỏ sang hàng xóm không có người trông nom, trong vài phút sơ sểnh, hậu quả đã xảy ra.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ án xâm hại trẻ em đau lòng xảy ra gần đây ở Bắc Kạn. Nhiều gia đình do thiếu sự quan tâm của cha mẹ, dẫn tới có em gái mang thai tới tháng thứ 5 thì mới được phát hiện. Thào Văn Vè (23 tuổi, trú tại xã Xuân La, huyện Pác Nặm) khi bị bắt mới vỡ lẽ mình phạm tội giao cấu với trẻ em.
Khi hắn “ăn nằm” với nạn nhân thì cô bé mới được 13 tuổi 2 tháng. Tuy nhiên, khi nạn nhân sinh con, qua giám định ADN thì Vè lại không phải cha ruột của cháu bé. Tại bản giám định pháp y tâm thần, nạn nhân có bệnh chậm phát triển tâm thần.
Theo Trung tá Lê Nam, Đội trưởng Đội 4, Phòng CSHS thì hầu hết các vụ vụ xâm hại trẻ em nạn nhân và đối tượng đều là người quen biết. Do chưa có ý thức bảo vệ mình, lại không được sự quan tâm hướng dẫn của gia đình, có bé gái mới 12 tuổi ở huyện Bạch Thông đã bị tên Bàn Văn Chang, 33 tuổi quan hệ trong lúc đi chăn trâu.
Nhiều gia đình ở Bắc Kạn đi làm nương xa không có điều kiện quan tâm tới con cái. |
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục
Bắc Kạn có trên 31 vạn dân, với 7 đồng bào dân tộc sinh sống tập trung chủ yếu trên đồi núi, đi lại khó khăn. Hầu hết các vụ xâm hại trẻ em là đều do bố mẹ đi làm nương xa, các cháu quanh quẩn ở nhà hoặc đi chăn trâu bị đối tượng xâm hại. Năm 2017, Bắc Kạn xảy ra 13 vụ xâm hại trẻ em, đã khởi tố 8 vụ với 8 đối tượng.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Huấn, Phó trưởng Phòng CSHS thì tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đa phần là những đối tượng có nhận thức hạn chế về mặt pháp luật, đời sống tinh thần phức tạp.
Từ năm 2016 Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch 10/KH-PC45 về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Phòng CSHS đã triển khai xây dựng mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng”.
Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày một diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới. Các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em thường dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục.
Vì vậy cần phải có giải pháp cụ thể, đặc biệt là đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của loại tội phạm này. Ở Bắc Kạn, việc tuyên truyền pháp luật đã triển khai đến thôn, bản nhưng hiệu quả chưa cao.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Huấn thì đối tượng cần phải được tuyên truyền nhưng lại ít tiếp cận bởi mỗi buổi tuyên truyền trong gia đình chỉ cử một đại diện đi. Người đi về không truyền đạt lại, người ở nhà không hỏi.
“Trên thực tế, khi khởi tố vụ án, điều tra viên hỏi, luật sư hỏi bị can đã được tham gia buổi tuyên truyền về pháp luật tại cơ sở chưa, phần lớn các cháu trả lời là “chưa”. Đây là nỗi đau của điều tra viên” – Trung tá Nguyễn Văn Huấn cho biết.
Hơn nữa, nhiều em thiếu sự quan tâm của gia đình hoặc quan tâm không thường xuyên đã dẫn đến hậu quả đau lòng. Có phụ huynh do đi làm về mệt mỏi, nghe con kể lại bị anh trai hàng xóm sờ vào người, mẹ lại gạt đi. Và hậu quả của việc không lắng nghe con, xem nhẹ hành vi của gã trai hàng xóm đã dẫn đến một ngày cháu bé bị xâm hại.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Huấn thì mô hình mà Phòng CSHS đang triển khai nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hoạt động xâm hại tình dục và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết.
“Khi bị xâm hại, nạn nhân và gia đình phải trình báo ngay cho cơ quan Công an để được hỗ trợ tư vấn, giải quyết, tránh để lọt tội phạm” - đồng chí Huấn khuyến cáo.
Để ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ở vùng cao ngày càng gia tăng ở Bắc Kạn, ngoài đấu tranh, phòng ngừa thì gia đình cần phải có biện pháp quản lý, giám sát trẻ một cách chặt chẽ, giáo dục, rèn luyện cho trẻ có biện pháp tự vệ trước nguy cơ bị xâm hại.