Những chặng đường vẻ vang của lực lượng CAND

Đấu tranh trấn áp tội phạm, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội (bài 10)

Thứ Bảy, 01/08/2020, 08:37
Từ năm 1987 đến nay, CAND đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Quá trình 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, lực lượng Công an được tôi luyện, thử thách, không ngừng lớn mạnh, lập nhiều chiến công. Từ năm 1987 đến nay, CAND đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực điều tra tội phạm, nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các loại tội phạm, ngày 27/5/1996, Cảnh sát nhân dân Việt Nam đã gia nhập, trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Cảnh sát các nước ASEAN (gọi tắt là ASEANAPOL); đẩy mạnh việc hợp tác chặt chẽ với Công an các nước láng giềng, như: Trung Quốc, Lào, Campuchia, hợp tác với Cảnh sát, Công an các nước châu Âu, Nhật Bản trong lĩnh vực điều tra tội phạm. Thực hiện các hiệp định hợp tác quốc tế, lực lượng Công an Việt Nam đã giúp đỡ các nước trong việc điều tra, bắt giữ, dẫn độ tội phạm quốc tế trốn sang Việt Nam, những vụ rửa tiền, buôn bán ma tuý; ngược lại, theo yêu cầu của ta, Cảnh sát các nước cũng truy bắt tội phạm hình sự, ma túy trốn chạy ra nước ngoài hòng trốn tránh sự trừng trị của pháp luật.

Lực lượng Công an tấn công sào huyệt của trùm ma túy tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, ngày 27-6-2018.

Để giải quyết nhanh chóng các vụ việc về trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) xảy ra, lãnh đạo Bộ đã thành lập lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh (gọi tắt là Cảnh sát 113), bước đầu làm thí điểm tại 3 thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. 

Lực lượng Cảnh sát 113 ra đời đã đáp ứng yêu cầu bức thiết về công tác đấu tranh chống tội phạm, ngăn chặn và đấu tranh kịp thời, có hiệu quả nhiều vụ việc về hình sự, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn TTATXH ở những địa bàn phức tạp thuộc ba thành phố lớn. Từ kinh nghiệm việc thành lập lực lượng Cảnh sát 113 tại ba thành phố lớn, lãnh đạo Bộ đã quyết định thành lập lực lượng này tại Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Công an các đơn vị, địa phương đã tăng cường đấu tranh triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm hình sự, khám phá nhiều vụ bắt cóc, tống tiền, như: Vụ tên Nguyễn Hoàng Tuấn bắt cóc cháu Sugimôtô Tôrahikô 6 tháng tuổi, con ông bà Sugimôtô Satôshi chuyên gia Nhật Bản đang công tác tại Việt Nam (ngày 20/4/1999); vụ giải thoát con tin Nguyễn Văn Thắng (SN 2008) khỏi tên tội phạm nguy hiểm Đinh Văn Huân tại Mê Linh, Vĩnh Phúc (ngày 15/4/2001)... Trong thực hiện nhiệm vụ, các chiến sỹ Cảnh sát đặc nhiệm đã mưu trí, gan dạ, dũng cảm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho con tin.

Lực lượng Công an đã triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” gây rối trật tự, an toàn xã hội, gây nhức nhối trong dư luận quần chúng. Ngày 24-5-1996, Công an TP Hà Nội triệt phá băng nhóm “xã hội đen” hoạt động giết người, cướp tài sản công dân, hiếp dâm do tên Dương Văn Khánh (tức Khánh trắng) cầm đầu.

 Ngày 29/6/1996, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp triệt phá 2 băng nhóm xã hội đen do Nguyễn Văn Minh (tức Minh Samasa) và Nguyễn Văn Việt (tức Ba Vạc) cầm đầu. 

Năm 2000, lực lượng Cảnh sát điều tra Bộ Công an phối hợp với Công an một số tỉnh phía Nam triệt phá băng nhóm "xã hội đen" Trịnh Xuân Hoàng (tức Hoàng lựu đạn) cầm đầu. Năm 2001, triệt phá băng nhóm Nguyễn Chí Dũng (tức Dũng chim xanh).

 Đặc biệt, tháng 12/2001, Tổng cục Cảnh sát đã chỉ đạo Công an một số địa phương ở phía Nam và một số Cục nghiệp vụ đồng loạt tấn công triệt phá băng nhóm “xã hội đen” do Trương Văn Cam (tức Năm Cam) cầm đầu. Băng nhóm này tồn tại và hoạt động trong thời gian dài, gây nhiều tội ác với Nhân dân, gây rối ANTT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, làm sa đọa nhiều cán bộ, công chức Nhà nước (trong đó có một số cán bộ trong cơ quan bảo vệ pháp luật).

Lực lượng Công an bắt giữ 1 đối tượng trong vụ ma túy tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, ngày 27/6/2018.

Lực lượng Công an đã thường xuyên đấu tranh chống tệ nạn mại dâm, nạn mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới. Thực hiện Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001-2005 theo Quyết định số 151 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 654, ngày 10/3/2001 về tổ chức phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001 - 2005 của Tổng cục Cảnh sát, Công an các địa phương tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền phát động phong trào quần chúng phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, thường xuyên phối hợp liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn mại dâm để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời. Nhiều đường dây tổ chức mại dâm, đường dây buôn bán phụ nữ sang biên giới bị phát hiện và khám phá, đưa ra truy tố trước pháp luật có tác dụng răn đe bọn tội phạm. 

Ngày 31/8/1998, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã triệt phá ổ mại dâm tại Khách sạn Công Dung ở quận Tây Hồ, do vợ chồng Ngô Văn Thà - Nguyễn Thị Ngọc Dung làm chủ, xóa bỏ tụ điểm mại dâm được che đậy bằng hình thức kinh doanh khách sạn trên địa bàn Hà Nội.

Trong những năm gần đây, hoạt động tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" diễn ra hết sức phức tạp, với quy mô rộng. Trước tình hình đó, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. 

Triển khai thực hiện Chỉ thị của Chính phủ, Bộ Công an ban hành kế hoạch chuyên đề đấu tranh với loại tội phạm này. Trong 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an đã khởi 136 vụ với 766 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê. Đồng thời, lực lượng Công an áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh làm tan rã 1.400 băng nhóm, tổ chức, đường dây cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” trên toàn quốc.

Tiêu biểu như: ngày 19/12/2019, Công an TP Biên Hòa phát hiện, bắt giữ 11 đối tượng tham gia trong đường dây chuyên cho vay nặng lãi do Nguyễn Việt Thắng cầm đầu. Nhóm này cho vay từ 5 triệu đồng trở lên, với lãi suất 25%/tháng và thu lãi theo ngày; đặc biệt, tháng 12/2019, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện, triệt phá băng nhóm tín dụng đen Nam Long do Nguyễn Đức Thành cầm đầu. Đây là băng nhóm hoạt động núp bóng Công ty tài chính Nam Long, có phạm vi hoạt động trên 63 tỉnh, thành phố. Thống kê sơ bộ, 27/70 tài khoản ngân hàng của tổ chức này cho thấy số tiền giao dịch lên đến hơn 500 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng. Công an TP Thanh Hóa đã tiến hành khởi tố 2 bị can, trong đó có Nguyễn Đức Thành (Giám đốc Công ty Nam Long)...

Trong thời kỳ đổi mới, tình hình buôn lậu ma túy diễn ra hết sức phức tạp và ngày càng tăng về số vụ, nghiêm trọng về tính chất. Tội phạm ma túy không từ một thủ đoạn nào, kể cả dùng vũ khí chống trả lực lượng Công an và các lực lượng tham gia. Trước tình hình đó, ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma tuý, Bộ Công an ngày đêm bám địa bàn, xây dựng cơ sở để điều tra, khám phá những vụ án lớn, chặt đứt những đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ Lào qua các cửa khẩu biên giới về Việt Nam rồi từ đó đến các tụ điểm tiêu thụ tại các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, TP Hồ Chí Minh.

Các cửa khẩu, như: Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Tây Trang (Lai Châu) giáp với Lào, Mộc Hóa (Tây Ninh) giáp với Campuchia là những địa bàn mà bọn tội phạm thường vận chuyển ma túy vào Việt Nam. Công an Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Công an Lào khám phá những vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ma tuý lớn như: phát hiện và bắt giữ Nguyễn Khánh Lộc vận chuyển 14 bánh heroin (1995); khám phá vụ buôn bán ma tuý lớn do Xiêng Phênh (quốc tịch Lào) và Vũ Xuân Trường cầm đầu (tháng 4/1997) của lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm ma túy Công an TP Hà Nội; bắt quả tang đối tượng Lê Hồng Phong với 60 bánh heroin (tháng 9/2019) của Công an tỉnh Lạng Sơn.

Tháng 2-2019, tại khu vực Cầu Treo 2, lực lượng chức năng bắt quả tang đối tượng người Lào vận chuyển 278kg ma túy tổng hợp. Tháng 4/2019, Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ 5 đối tượng, thu 580 kg ma túy đá và 40 bánh heroin. Ngày 17/7/2019, tại huyện Quỳnh Lưu bắt thêm 700kg ma túy đá. 

Tháng 7/2019, Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với Cục Điều tra tội phạm về ma tuý Bộ Công an, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển bắt quả tang bốn đối tượng gồm: Vũ Đình Kiên, Trần Mạnh Chung, Trần Đức Thành, Lý A Súa vận chuyển trái phép 100 bánh heroin.

Tháng 8/2019, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy cùng các đơn vị thuộc Bộ Công an bắt 5 đối tượng, thu 120 bánh heroin. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy bắt giữ 7 đối tượng Trung Quốc, thu hàng trăm lít dung dịch ma túy tổng hợp, 13 tấn hóa chất, tiền hóa chất và 20 tấn máy móc để sản xuất ma túy. Tháng 11/2019, Công an tỉnh Điện Biên phá thành công một đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, bắt giữ hai đối tượng Thào A Bình và Thào A Chứ cùng 220 bánh heroin.

Năm 2019, Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá nhiều vụ vận chuyển, buôn bán ma túy lớn, như: Tháng 3/2019, thu giữ 300kg ma túy tổng hợp dạng đá, ước tính trị giá 600 tỷ đồng; ngày 27/3, thu giữ 895 bánh heroin ở quận 12. Ngày 12/4,  lực lượng Công an thu giữ thêm 1,1 tấn ma túy tổng hợp dạng đá. Ngày 11/5, bắt thêm 507,5kg ketamine (ma túy tổng hợp). Ngày 3/11, tại huyện Bình Chánh, lực lượng Công an cũng đã tịch thu được 446 bánh heroin của một số người mang quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc).

Trong công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, lực lượng quản lý trại giam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, khắc phục điều kiện của khí hậu, thời tiết, xa khu dân cư, giao thông đi lại khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Bằng tình thương, lòng nhân đạo và tinh thần trách nhiệm, lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã giáo dục, cải tạo hàng vạn người phạm tội trở thành những công dân có ích cho xã hội. Các trại cải tạo đã tổ chức tốt việc lao động, sản xuất và dạy nghề cho phạm nhân để tạo ra của cải vật chất; đồng thời, thông qua đó giáo dục phạm nhân biết lao động, tôn trọng giá trị lao động, biết nghề nghiệp để khi ra tù họ tìm được công ăn việc làm, có cuộc sống ổn định, không tái phạm. 

Hàng năm, các trại cải tạo đã xét duyệt giảm án cho hàng ngàn lượt người cải tạo tốt để trở về với gia đình. Sau khi được trở về, nhiều người đã sớm hoà nhập với cộng đồng, làm ăn lương thiện, có nhiều người đã làm kinh tế giỏi trở thành triệu phú, tỷ phú như trường hợp anh Phạm Công Sơn ở Nam Đàn, Nghệ An, anh Phạm Văn Bình ở Ứng Hòa, Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội)... 

(Còn nữa)


Nhóm PVTS
.
.