Dấu ấn Công an xã chính quy giúp dân trong mưa lũ
- Bám địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt
- Công an TP Cần Thơ giúp dân dặm vá đường trong mùa mưa bão
- Công an Hà Tĩnh ngâm mình trong nước giúp dân chống lũ
- Cứu giúp dân trong vùng bủa vây của mưa lũ
Khi những giọt mưa bắt đầu đỡ nặng hạt, cũng là lúc những dòng sông cuồng nộ lũ dữ đã trở lại hiền hòa. Trong tâm trạng hăng say nỗ lực khắc phục những sự cố sau bão, người dân ở mảnh đất Hà Tĩnh nắng gió vẫn nhớ mãi nghĩa cử cao đẹp của các cán bộ, chiến sĩ Công an quên mình đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân trong lũ lụt. Trong đó hình ảnh về những cán bộ Công an xã chính quy băng mình vượt lũ cứu giúp dân trở thành một dấu ấn đẹp trong lòng mỗi người…
Trở về từ sau những ngày bám trụ trước cơn lũ, Thiếu tá Nguyễn Quang Hưng – Trưởng Công an xã Nam Điền, Thạch Hà ăn vội chiếc bánh còn bỏ dở. Dẫu đã mệt nhoài nhưng anh vẫn không quên gọi điện hỏi thăm từng nhà dân những ngày qua đã cùng anh chống chọi với lũ.
Trong trận lũ lịch sử mới diễn ra vài ngày ấy, 5 cán bộ Công an chính quy xã Nam Điền đều bám trụ với cơn sóng lũ từng giờ, từng phút. Đứng trước những cơn cuồng nộ của sóng thủy thần, xã Nam Điền đã hứng chịu không ít ảnh hưởng, nhiều hộ gia đình bị nước cô lập lâm vào cảnh khó khăn, tài sản, hoa màu, vật nuôi bị lũ cuốn trôi.
Thế nhưng nhờ sự có mặt kịp thời của cán bộ chính quy Công an xã giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn trong mưa lũ đã trở thành những hành động đẹp lan tỏa trong cộng đồng.
Ông Lê Văn Hợi (thôn Tân Hòa, Xã Nam Điền) cho biết: “nếu hôm đó không có các anh Công an đến cứu giúp kịp thời thì chắc giờ này tôi chỉ còn lại tay trắng. Lúc đó nước lũ dâng cao bất ngờ, tôi tuổi đã cao lại ốm đau sống một mình không kịp trở tay. Các cán bộ Công an xã đã đến nhanh chóng giúp tôi kê đồ lên cao, chống lại cửa nhà, di dời gia súc. Tôi cảm ơn nhiều lắm”
Với những người dân xã Thạch Long, huyện Thạch Hà phải rất lâu rồi họ mới chứng kiến trận lũ lớn như thế. Những ngày lịch sử, nhân dân xã Thạch Long oằn mình chống chọi với mưa lũ, dưới nền trời phủ màu xám ảm đạm, trong làn mưa xối xả không ngớt. Nước lũ dâng hơn hai ngày đêm mới dừng lại, 6/8 thôn hoàn toàn chìm trong biển nước, hàng trăm ngôi nhà bị ngập sâu.
Người dân vẫn chưa thể quên được hình ảnh Thượng úy Dương Văn Huy - Trưởng Công an xã Thạch Long cẩn thận cõng trên lưng từng cụ già đến nơi an toàn, hay những cán bộ Công an xã chính quy tại đây dầm mình hàng giờ trong dòng nước lạnh tiếp cận vùng ngập lụt nghiêm trọng để cứu trợ, di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn.
Công an xã Thạch Long còn phối hợp huy động 12 thuyền máy, 32 thuyền viên đi ứng cứu tại các xã ngập nặng như Tân Lâm Hương, Thạch Đài, Thạch Thắng, Tượng Sơn. Trong đêm tối giữa biển lũ dữ, tình người vẫn tỏa lên ấm áp.
Được biết, toàn huyện Thạch Hà có 17/22 xã bị ngập nặng. Tất cả gần như bị tê liệt, từ giao thông đi lại, đất sản xuất, nhà cửa người dân, cho đến hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với phương châm “Không để nguy hại đến tính mạng của người dân, không để dân thiếu đói do mưa lũ”, trong những ngày nước dâng cao đỉnh ở nhiều thôn, xã thì công tác ứng cứu các hộ dân bị nước ngập sâu đến nơi tránh trú an toàn và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân vùng lũ đã được Công an xã triển khai một cách kịp thời..
Thượng tá Nguyễn Hoài Việt, Trưởng Công an huyện Thạch Hà cho biết: "Tại các nơi chịu ảnh hưởng của thiên tai, lực lượng Công an xã trên địa bàn huyện Thạch Hà đã không quản ngại vất vả kề vai, sát cánh cùng nhân dân chống chọi với thiên tai khắc nghiệt, với tinh thần trách nhiệm cao nhất".
Tại huyện Lộc Hà, cơn lũ đi qua đã làm hàng trăm hộ dân bị nhấn chìm trong nước, có rất nhiều thôn bị ngập sâu hơn 1m. Trong đó các thôn như Thanh Tân (xã Thạch Châu), Nam Hà, Đồng Xuân, Vĩnh Phú, Yên Thọ (Hộ Độ); Sơn Phú, Đông Thắng, Đông Vĩnh (Mai Phụ); Liên Giang, Mỹ Giang (Thạch Mỹ); Quang Trung, Nam Sơn, Hòa Bình (Thịnh Lộc); các TDP Xuân Khánh, Yên Bình, Khánh Yên (thị trấn Lộc Hà)…gần như bị cô lập.
Mưa lớn khiến một số nơi ở các xã miền núi có nguy cơ sạt lở cao như xã Thịnh Lộc có hai điểm sạt lở đất đá trên đường vào chùa Chân Tiên. Hầu hết các tuyến đường giao thông đã bị ngập sâu, chia cắt, không thể qua lại. Do nhiều vùng bị ngập, nhiều vị trí có nguy cơ sạt lở đất đá, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, lực lượng Công an xã trên địa bàn huyện Lộc Hà cùng với Công an huyện, cấp ủy chính quyền đã nhanh chóng đã tiến hành di dời người dân và tài sản ra các vùng nguy hiểm.
Mưa lụt cũng gây chập điện làm cháy 6 ki-ốt (rộng 5m2/ốt) ở chợ Hôm xã Thạch Kim. Vụ cháy đã được Công an xã Thạch Kim cùng với các lực lượng hỗ trợ dập tắt ngay trong đêm.
Trong trận lũ lịch sử, 9 xã ở huyện Can Lộc bị chia cắt gồm: Khánh Vĩnh Yên, Tùng Lộc, Trung Lộc, Quang Lộc, Kim Song Trường, thị trấn Nghèn, Vượng Lộc và một phần các xã Sơn Lộc, Mỹ Lộc bị chia cắt hoàn toàn. Lực lượng Công an xã của huyện Can Lộc đã huy động hết quân số khẩn trương giúp nhiều hộ gia đình kê cao tài sản để phòng nước lũ, di dời các hộ dân bị ngập nặng về trụ sở đơn vị tránh trú an toàn.
Người dân nơi đây vẫn còn nhớ như in những khuôn mặt tất bật thấm đẫm nước mưa trong dòng nước chảy xiết, những đôi tay đã lạnh băng vì nước lũ nhưng vẫn nhanh chóng cõng từng người già, bế từng em nhỏ ra khỏi vùng lũ, đồng thời mang hàng cứu trợ vào cho bà con. Công an xã của huyện Can Lộc đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng người dân như thế…
Nằm ngay ở vùng rốn lũ, những ngày mưa lũ vừa qua 23 xã của huyện Cẩm Xuyên bị nhấn chìm trong biển nước. Trong đó có 6 xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm: Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Vịnh, Cẩm Quan trong đó nhiều công trình nước sinh hoạt hư hại, hàng ngàn mét kênh mương nội đồng, bờ sông, bờ biển bị sạt lở; hàng trăm gia súc, gia cầm bị chết, nhiều nông phẩm chưa thu hoạch bị mất trắng do mưa lũ; lúa, hoa màu và cây trồng lâu năm bị thiệt hại hoàn toàn; các điểm trường bị ảnh hưởng bởi ngập lụt và nhiều ngôi nhà bị tốc mái...
Khi nước lũ đang dâng cao tại các thôn, lực lượng Công an xã tiến hành di dời các hộ dân ở gần các khu vực ngập đến nơi trú ẩn an toàn, giúp người dân di chuyển tài sản lên cao, giảm thiểu tổn thất do mưa lũ; đồng thời, canh gác tại các tuyến giao thông bị ngập lụt để hướng dẫn mọi người qua lại, ngăn cấm việc đánh bắt cá…
Nhiều đồng chí công an xã chính quy, công an xã bán chuyên trách đã không quản ngại gian khổ khó khăn, nhà cửa cũng bị ngập sâu nhưng đã dầm mình trong mưa lũ, tham gia tích cực để hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong khó khăn thiên tai hoạn nạn.
Bao nhiêu ngày mưa lũ là bấy nhiêu ngày, rất nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an và nhất là cán bộ Công an chính quy đóng tại các xã không về nhà, cắm chốt ở các điểm lũ để làm nhiệm vụ. Bất kể ngày hay đêm, nhận được tiếng kêu gọi giúp đỡ từ người dân là các chiến sĩ Công an lập tức có mặt, tận tụy, ân cần cõng người già, trẻ em, rồi lăn xả cứu hàng, gia cố nhà cửa, không nề hà gian khó.
Giờ đây, nước lũ đang rút, các cán bộ Công an xã chính quy lại tiếp tục giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Khi cùng bà con dựng lại nhà cửa, sửa chữa các hư hỏng, mất mát hay cùng bà con đẩy bùn đất ra khỏi nhà, tổng vệ sinh nhà cửa, nhất là gia đình neo đơn, chính sách.
Với các chiến sĩ đó không chỉ là mệnh lệnh nhiệm vụ mà còn là "mệnh lệnh từ trái tim", mệnh lệnh của những người lính trên vai mang quân hàm đỏ luôn hướng về nhân dân từng phút, từng ngày…