Nhân Quốc hội thảo luận dự án Luật CAND, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh:

Đáp ứng yêu cầu đổi mới và cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong lực lượng CAND

Thứ Hai, 06/06/2005, 06:47
Ngày 3/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường Dự án Luật CAND. Nhiều vấn đề quan trọng được các đại biểu cho ý kiến như quy định về chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng, đơn vị trong CAND; về tổ chức của CAND; chuẩn hóa lực lượng Công an xã; về cấp bậc hàm, độ tuổi phục vụ trong CAND… Nhân dịp này, phóng viên Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy CATW, Bộ trưởng Bộ Công an.

Thưa Bộ trưởng, sự cần thiết của việc xây dựng Luật CAND được thể hiện như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Hiệp (Nam Định): Cần có chính sách thỏa đáng cho cán bộ, chiến sĩ Công an
"Cũng như nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã đề cập, nhiều cán bộ, chiến sĩ CAND trong quá trình làm nhiệm vụ đã hy sinh hoặc bị thương, một số trường hợp bị lây nhiễm HIV. Điều này gây tổn thất, khó khăn trên nhiều mặt mà trước hết đối với bản thân và gia đình các đồng chí đó. Do vậy cần phải có chế độ chính sách thỏa đáng để động viên tinh thần sẵn sàng chiến đấu, không quản ngại gian khó đối với cán bộ, chiến sĩ Công an và chế độ, chính sách đối với gia đình của họ trong trường hợp có con em là cán bộ, chiến sĩ Công an hy sinh, bị thương. Tôi cũng tán thành quan điểm cần có quy định cụ thể về việc đầu tư trang bị, sử dụng phương tiện, vũ khí nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu, đặc biệt là việc phòng chống các loại tội phạm hình sự nguy hiểm. Tuy nhiên, vấn đề này có thể quy định cụ thể trong văn bản dưới luật".
Đại biểu Quốc hội Đinh Hoài Bắc (Quảng Ngãi): Cần chính quy hóa lực lượng Công an xã
"Tôi cho rằng cần phải chính quy hoá lực lượng Công an xã trên phạm vi toàn quốc, ở tất cả các xã, coi Công an xã là một bộ máy tổ chức tại cơ sở. Nếu chỉ quy định chính quy hoá đối với một số xã có tình hình phức tạp về an ninh - trật tự thì không đảm bảo định lượng, không trở thành bộ máy tổ chức nói chung và dễ dẫn đến sự tùy tiện. Tất nhiên, việc chuẩn hoá cần tiến hành từng bước, không phải làm ngay một lúc là được vì liên quan đến nhiều vấn đề: kinh phí, tổ chức bộ máy, biên chế… Thời gian qua, nhiều Công an xã trong quá trình làm nhiệm vụ đã hy sinh hoặc bị thương nhưng do lực lượng này chưa được chính quy hoá nên việc giải quyết chế độ, chính sách cho họ còn bất cập. Hiện nay, một số trường hợp Công an xã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh - trật tự vẫn chưa được coi là liệt sĩ, bị thương chưa được coi là thương binh, đó là thiệt thòi cần phải được điều chỉnh".

- Việc thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ. Nhiều vấn đề về xây dựng lực lượng CAND chưa được quy định rõ trong luật, bên cạnh đó, yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp cũng như những vấn đề đặt ra trong tình hình mới đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt công tác Công an.

Việc soạn thảo Dự án Luật CAND đã quán triệt những quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng về CAND, trong đó có Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác Công an trong tình hình mới và tham khảo các luật có liên quan. Dự án Luật CAND quy định nội dung của nguyên tắc này là: "CAND đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự thống nhất quản lý của Nhà nước". Quy định này bao hàm sự lãnh đạo của Đảng, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và sự thống nhất quản lý của Chính phủ đối với lực lượng CAND.

Dự án Luật CAND nhằm thể chế hoá những quy định trong các văn bản pháp luật trước đây để đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác Công an trong tình hình mới, đảm bảo hiệu quả trong đấu tranh chống các thế lực thù địch cũng như phòng chống các loại tội phạm, ngăn ngừa những tiêu cực nảy sinh trong nền kinh tế thị trường.

- Thưa Bộ trưởng, chức năng, nhiệm vụ của CAND và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các lực lượng, đơn vị trong CAND được quy định như thế nào trong Dự án Luật CAND? Quá trình thảo luận tại Hội trường, ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này như thế nào?

- CAND gồm hai lực lượng chính là An ninh nhân dân và Cảnh sát nhân dân, có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể khác nhau. Ngoài ra còn có một số đơn vị làm nhiệm vụ tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật…

Do đó, Dự án Luật CAND quy định chức năng, nhiệm vụ chung của CAND và nhiệm vụ, quyền hạn riêng của từng lực lượng, đơn vị trong CAND. Khi thảo luận tại Hội trường, một số ý kiến đề nghị quy định nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng cụ thể hơn nữa và đề nghị lập lại Ban chỉ huy An ninh, Ban chỉ huy Cảnh sát ở cấp tỉnh để đảm bảo tính chuyên trách, chuyên sâu từ trên xuống dưới với nhiệm vụ được giao.

- Ngoài việc quy định tổ chức CAND theo 4 cấp, Dự án Luật còn xác định Công an xã là lực lượng bán chuyên trách. Vậy theo Bộ trưởng, cần có chính sách đối với lực lượng Công an xã như thế nào để lực lượng này làm tròn nhiệm vụ được giao? 

- Thực tiễn cho thấy, Công an xã là lực lượng rất quan trọng, giữ vai trò nòng cốt đảm bảo an ninh - trật tự tại cơ sở nhưng chế độ chính sách đối với lực lượng này còn nhiều bất cập, chưa thỏa đáng để họ có đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ. Do vậy, cần thiết phải có chế độ, chính sách hợp lý đối với trưởng, phó Công an xã, Công an viên; đồng thời tiến tới chuẩn hóa lực lượng này. Dự thảo Luật quy định, với các xã có vị trí quan trọng về an ninh - trật tự thì Bộ Công an được biệt phái sĩ quan, hạ sĩ quan CAND tham gia Ban Công an xã.

Quy định như vậy nhằm đảm bảo tổ chức, hoạt động của Công an xã và căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh - trật tự tại các địa bàn cụ thể, Bộ Công an sẽ bố trí, tăng cường lực lượng Công an chính quy về xã, phù hợp luật pháp hiện hành. Tuy nhiên khi thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xây dựng lực lượng Công an xã thành lực lượng Công an chính quy, tương tự như Công an phường để đủ sức gánh vác nhiệm vụ đảm bảo an ninh - trật tự ở địa bàn xã.

- Xin Bộ trưởng cho biết, quy định về hạ sỹ quan, chiến sỹ nghĩa vụ trong Dự án Luật CAND có gì mới?

- Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự trong CAND 15 năm qua cho thấy đã liên tục bổ sung những thanh niên trẻ khỏe và có lý tưởng cho lực lượng CAND. Số chiến sỹ hết hạn phục vụ tại ngũ, trừ một số được tuyển chọn, huấn luyện thành sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, số còn lại trở về quê hương đã tiếp tục góp sức trong các phong trào cách mạng ở địa phương, nhất là phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ.

Tuy nhiên, cho đến nay, do quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ của công dân trong CAND chưa đầy đủ, chặt chẽ nên việc triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn. Bởi vậy, Dự án Luật CAND quy định theo hướng, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ theo chế độ nghĩa vụ trong CAND là thực hiện nghĩa vụ quân sự của công dân và được hưởng các chính sách của Nhà nước quy định đối với người thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Thưa Bộ trưởng, những quy định về tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND trong Dự án Luật CAND căn cứ mức, tiêu chuẩn nào? 

- Tính chất công tác của lực lượng CAND có đặc thù riêng. Do vậy, việc quy định độ tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND cũng theo các mức, tiêu chuẩn chức vụ, cấp hàm tương ứng. Việc quy định mức tuổi là phù hợp với nhiệm vụ đặc thù của lực lượng CAND, mức tuổi đó vừa đảm bảo yêu cầu sức khỏe, khả năng, kinh nghiệm công tác, vừa đảm bảo quyền được làm việc và nghỉ ngơi chính đáng của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND.

Đồng thời, Dự án Luật cũng quy định, khi đơn vị CAND có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất, năng lực, sức khỏe và tự nguyện xin ở lại trong lực lượng CAND thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ. Thời hạn kéo dài tuổi phục vụ trong lực lượng CAND do Chính phủ quy định.

- Thưa Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả tích cực từ phong trào CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, tuy vậy vẫn còn hiện tượng một số cán bộ, chiến sỹ chấp hành chưa nghiêm dẫn đến vi phạm về pháp luật và kỷ luật của ngành. Vậy, Dự án Luật CAND có quy định gì để thực hiện tốt hơn việc xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh?

Hạn tuổi cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan CAND được quy định như thế nào?
Điều 26, Dự án Luật CAND quy định, hạn tuổi cao nhất của sĩ quan CAND quy định theo cấp bậc hàm: cấp úy (50 tuổi); thiếu tá, trung tá (55 tuổi); thượng tá (58 tuổi); đại tá, cấp tướng (60 tuổi). Hạn tuổi cao nhất quy định theo chức vụ chỉ huy, quản lý: tiểu đội trưởng (30 tuổi); trung đội trưởng (35 tuổi); đại đội trưởng (40 tuổi); tiểu đoàn trưởng (45 tuổi); trung đoàn trưởng (50 tuổi); trưởng Công an phường, trưởng Công an huyện (55 tuổi); trưởng Công an quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (58 tuổi); giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW, tư lệnh, vụ trưởng, cục trưởng (60 tuổi). Dự án Luật cũng quy định, khi đơn vị CAND có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất, năng lực, sức khỏe và tự nguyện ở lại lực lượng CAND thì có thể kéo dài tuổi phục vụ.
- Xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh là vấn đề quan trọng và là việc làm thường xuyên của mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND. Trong giai đoạn hiện nay, trước những tác động nhiều mặt của nền kinh tế thị trường, vấn đề xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh càng phải được quán triệt và thực hiện tốt. Bởi vậy, Dự án Luật CAND cũng đề cập những việc mà sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND không được làm.

Cụ thể là: Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND không được làm những việc mà pháp luật nghiêm cấm; thiếu kính trọng, lễ phép với nhân dân và làm những việc trái với quy định của Điều lệnh CAND; không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…

Luật CAND được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để mọi sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND sống và làm việc đúng pháp luật và xứng đáng với danh hiệu người chiến sĩ Công an nhân dân.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Quang Hào - Đăng Trường (thực hiện)
.
.