Công khai mọi quy định để dân giám sát CSGT

Thứ Ba, 06/03/2007, 09:58
Đại tá Đỗ Đình Nghị khẳng định: Lãnh đạo lực lượng CSGT luôn lắng nghe và thấu hiểu dư luận và bằng những biện pháp tích cực nhất, nhằm xây dựng một môi trường ứng xử văn hóa trong lực lượng CSGT, với mục tiêu phục vụ nhân dân tốt nhất.

Chúng tôi đã đem ý kiến phản ánh của những người dân trao đổi với Đại tá Đỗ Đình Nghị - Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt.

PV: Thưa Đại tá! Xin đồng chí cho biết lực lượng CSGT xây dựng tác phong văn hoá như thế nào, có những cải tiến gì trước những bức xúc của dân?

Đại tá Đỗ Đình Nghị: Hoạt động CSGT có nhiều lĩnh vực: đăng ký xe, xử lý vi phạm, điều tra giải quyết TNGT. Để tạo thuận lợi nhất cho người dân, trong nhiều năm qua, Cục đã rà soát lại các văn bản pháp quy liên quan và nghiên cứu, đề xuất với cấp trên theo chủ trương cải cách hành chính là giảm thủ tục, giảm thời gian chờ đợi ngắn nhất. Tôi cho rằng, cải cách hành chính mang lại lợi ích tích cực, ngay tức khắc cho dân, đó cũng chính là thể hiện ứng xử văn hóa cao nhất của người CSGT.

Theo Cục trưởng Đỗ Đình Nghị: Người chiến sĩ CSGT ở bất cứ trạm TTKS nào khi ra lệnh dừng xe khách trên đường đều phải thực hiện: Chào người lái xe, sau khi kiểm tra giấy tờ và tình trạng xe phải lên xe thông báo công khai cho hành khách biết xe có lỗi gì, CSGT xử lý ra sao để người dân giám sát. CSGT nào không thực hiện đúng quy định trên là có biểu hiện tiêu cực.

Người dân có quyền phản ánh kiến nghị lên cấp trên để giải quyết theo số điện thoại đường dây nóng của Cục CSGT: 06942608.

Trong điều tra giải quyết tai nạn giao thông (TNGT), Cục đã xây dựng văn bản phân công trách nhiệm trong lực lượng CSND về điều tra giải quyết TNGT, ban hành sửa đổi, bổ sung các quy trình về điều tra giải quyết TNGT, tuần tra kiểm soát, giam giữ, quản lý phương tiện v.v… đều công khai trên mạng điện tử, báo chí để nhân dân biết và giám sát.

PV: Thưa Cục trưởng, dư luận cho rằng, nếu một CSGT có biểu hiện tiêu cực, nhận tiền mãi lộ của lái xe, sẽ có hàng chục người trên xe biết. Và ngay sau đó, sẽ có hàng chục ngàn người đi xe biết, rồi thông tin đó sẽ đến với người nhà của họ. Hành vi tiêu cực ấy có thể thực hư, nhưng sẽ lây lan rất rộng và nhanh. Vậy Cục đã có những biện pháp gì để hạn chế tiêu cực ở lĩnh vực này?

Đại tá Đỗ Đình Nghị: Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, để nâng cao được hiệu quả hoạt động tuần tra kiểm soát, tránh sai phạm, cần phải có các quy định chặt chẽ, công khai và người CSGT phải có tinh thần phục vụ nhân dân cao nhất. Vì thế, Cục đã tham mưu để cấp trên ra Quy định 1922 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tuần tra kiểm soát với những nguyên tắc về trang phục, phương tiện và phương thức hoạt động, cách xử lý với những vi phạm cụ thể và công khai qui định này, để nhân dân biết và giám sát.

Một nội dung được nhân dân phản ánh nhiều nhất là thái độ, lễ tiết, tác phong của CSGT. Vì thế, sau khi Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo, Cục đang xây dựng một số nội dung chuẩn, mẫu về hình ảnh người CSGT có văn hóa trong giao tiếp, ứng xử khi làm nhiệm vụ, sau đó sẽ mở thành cuộc vận động lớn trong lực lượng CSGT toàn quốc, để anh em phấn đấu, thực hiện.

Dĩ nhiên, để sửa một thói quen không tốt đã nhiều năm là không dễ dàng, nhưng với tinh thần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, đòi hỏi lực lượng CSGT phải quyết tâm. Cục cùng Công an các địa phương đi vào từng lĩnh vực cụ thể; làm thí điểm, có kiểm tra đôn đốc và đánh giá, rút kinh nghiệm.

Trước mắt, sẽ tập trung vào những địa bàn trọng điểm, những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều phương tiện đăng ký mới. Sự đóng góp của nhân dân qua diễn đàn hiến kế về công tác xây dựng lực lượng CSGT có ý nghĩa quan trọng để chấn chỉnh vấn đề này. Tiến hành cuộc vận động kiên trì, thường xuyên và tạo sự đồng bộ là cách làm tốt nhất để xây dựng phong cách văn hóa giao tiếp, ứng xử của cán bộ, chiến sĩ CSGT.

PV: Xin cảm ơn Đại tá!

Trong thời gian qua, Cục CSGT đường  bộ - đường sắt có nhiều hoạt động cải tiến qui trình, nhằm tạo thuận lợi cho nhân dân trong việc đăng ký xe. Cục đã tham mưu với Bộ Công an hệ thống 8 Thông tư trong lĩnh vực đăng ký xe thành 1 Thông tư, đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan giảm bớt các thủ tục trong đăng ký xe và đã giảm được 11 loại giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết. Trước đây, thời gian giải quyết thủ tục đăng ký xe theo quy định là 5 - 7 ngày, nay với qui trình đã được cải tiến, chỉ sau 3 ngày nhân dân đã có thể nhận được biển số. Mặc dù vậy, Cục vẫn chỉ đạo các đơn vị cố gắng giải quyết trong thời gian ngắn nhất, nên hiện nay, đã có khoảng 20 địa phương trả đăng ký ngay trong ngày và một số địa phương trả trong vòng 2-3 tiếng. CSGT ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang cố gắng rút ngắn hơn nữa thời gian trả đăng ký xe.

Để giảm sự đi lại cho nhân dân, Cục chỉ đạo phân cấp triệt để: đăng ký xe môtô, xe máy ở cấp huyện, chỉ ôtô mới đăng ký ở cấp phòng. Lực lượng CSGT các nơi đã chuẩn bị chu đáo địa điểm tiếp dân khang trang, máy tính, cán bộ phụ trách vv…  để phục vụ việc đăng ký xe. Cục sẽ đưa các quy định về quản lý đường bộ, đường sắt công khai lên mạng điện tử và báo chí, để nhân dân biết và thực hiện, qua đó, cũng giám sát hoạt động của CSGT. Các mẫu tờ khai cũng được đưa lên mạng để mọi người có thể in ra sử dụng, không cần đến Phòng CSGT để lấy kê khai như trước.

Hồng Thái - Thanh Hằng (thực hiện)
.
.