Công an tỉnh Điện Biên với bài học "lấy dân làm gốc"

Thứ Sáu, 05/01/2007, 08:58
Cho đến nay, sau 6 năm với 12 đợt ra quân, đã có gần 9.000 lượt cán bộ, chiến sĩ Công an Điện Biên có mặt ở 260 bản, 64 xã thuộc 8 huyện. Tại địa bàn, các tổ tăng cường chia thành nhiều nhóm nhỏ, phân công từng chiến sỹ tới những gia đình cụ thể.

5 năm liên tục (2001-2005), Công an Điện Biên được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì...

Trong năm 2006, 5 cá nhân thuộc lực lượng Công an Điện Biên được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công; 4 tập thể, 6 cá nhân được Chính phủ tặng Bằng khen; gần 200 lượt tập thể, trên 800 lượt cá nhân được các cấp tặng bằng khen và giấy khen...

Tiêu biểu như Thượng uý Lý A Lồng, cán bộ Công an huyện Tủa Chùa, được chọn cử đi dự cuộc gặp mặt "Gương Công an được dân tin, dân yêu" do Bộ Công an tổ chức; Trung tá Ngô Thị Thủy, Phó trưởng Phòng PC17 vinh dự nhận giải thưởng "Phụ nữ Việt Nam năm 2006"…

Thượng tá Nguyễn Xuân Kiêm - Phó Giám đốc Công an tỉnh khi vừa có chuyến công tác dài ngày tại một số cơ sở - cho biết: "Năm năm qua, Công an tỉnh Điện Biên là một trong những địa phương dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của toàn lực lượng. Đạt được kết quả đó có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản là chúng tôi tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương tăng cường cán bộ xuống cơ sở, thực hiện “3 cùng” với dân".

Công an Điện Biên “3 cùng” với dân".

Cho đến nay, sau 6 năm với 12 đợt ra quân, đã có gần 9.000 lượt cán bộ, chiến sĩ Công an có mặt ở 260 bản, 64 xã thuộc 8 huyện. Phối hợp với các ngành chức năng, lực lượng Công an đã làm mới được 76 phòng học, mở 32 lớp xóa mù chữ cho gần 500 người, khắc phục tình trạng trắng y tế ở 49 thôn bản, cùng Bộ đội Biên phòng dựng hơn 1.200 căn nhà cho những hộ nghèo; phát hiện và giúp đỡ gần 1.400 quần chúng ưu tú được kết nạp Đảng, giúp gần 120 bản xóa tình trạng trắng đảng viên…

Dạo ấy (năm 2000) Lai Châu chưa chia tách, toàn tỉnh còn hơn 100km quốc lộ chưa được rải nhựa, các tuyến tỉnh lộ chủ yếu đường cấp phối, 21 xã chưa có đường ôtô, 114 xã chưa có điện lưới quốc gia, 99 xã chưa có điện thoại, còn hàng ngàn phòng học tạm bợ, tỷ lệ hộ đói nghèo bình quân toàn tỉnh 35%. Lệnh của Đảng ủy và Ban Giám đốc Công an tỉnh, từ những đợt ra quân đầu tiên, các đoàn công tác về ngay những xã xa xôi nhất, khó khăn nhất và phức tạp nhất.

Để đến được các bản Háng Pa, Háng Tẩu, Thẩm Trẩu... của xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông), Mường Toong, Tà Tổng (Mường Tè), Hồng Thu, Pu Sam Cáp (Sìn Hồ)… từ trung tâm xã các cán bộ, chiến sĩ phải mất mấy ngày leo đèo vượt dốc, qua suối qua khe. Nhiều lúc phải đi vòng sang tận huyện Sông Mã của tỉnh Sơn La, mới đến được nơi mà "nhìn thấy trước mặt, đi thì tối mắt".

Tại địa bàn, các tổ tăng cường chia thành nhiều nhóm nhỏ, phân công từng chiến sỹ tới những gia đình cụ thể. Bấy lâu, từng không ít ban, ngành đưa cán bộ xuống với dân. Tuy nhiên, xuống nhiều lần, nhiều người và "ba cùng" với dân lâu như vậy, thì chỉ Công an mới làm được.

Thông qua các cuộc họp dân, vừa lắng nghe họ vừa cảm hóa, họ như những người thân trong nhà, trong bản với nhau. Kết quả đã có hàng nghìn hộ dân với hàng chục nghìn khẩu bỏ ý định di cư tự do, tự giác lập lại bàn thờ tổ tiên, kiên quyết đoạn tuyệt với luận điệu tuyên truyền nhảm nhí, gây tổn thương tới khối đoàn kết trong bản, trong dòng họ.

Bà con dân tộc vẫn có thói quen nhìn và tin những gì măët thấy tai nghe. Những việc 3 cùng của cán bộ, chiến sĩ Công an thực sự đã làm họ xúc động. Không xúc động sao được, khi chứng kiến cảnh cán bộ cắm bản lặn lội cả mấy ngày đường vào với dân; đồng cam cộng khổ, hết lòng vì bà con các dân tộc.

Năm 2006, cán bộ, chiến sĩ Công an quyên góp được 60 triệu đồng mua giống, phân bón giúp 160 hộ dân ở ba bản xa nhất, nghèo nhất của xã Chà Cang (Mường Nhé) trồng ngô lai, đậu tương. Tết này người dân bản Tằng Do, Vàng Lếch… không còn lo miếng ăn nữa.

Thượng tá Bùi Văn Tam, Trưởng Phòng bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng, một người từng 6 đợt xung phong tăng cường bám địa bàn trong mấy năm gần đây,  kể cho chúng tôi những ngày anh cùng đồng đội cắm địa bàn. Một lần anh dẫn đầu một tổ công tác xuống xã Pa Ham (Mường Lay). Mới đầu bà con nhìn cán bộ bằng con mắt chưa tin lắm. Sau nhiều ngày kiên trì gần gũi, tìm hiểu, các anh mới biết là do luận điệu tuyên truyền, lừa phỉnh của một số kẻ xấu, sau nữa là sự mất lòng tin vào cán bộ.

Chả là cách đây một thời gian, có doanh nghiệp tư nhân trúng thầu xây dựng các công trình thuỷ lợi, kéo đường điện vào đây, đã thuê nhân công các bản, mua lương thực, thực phẩm của người dân. Công trình khánh thành đã lâu mà doanh nghiệp đó bặt vô âm tín. Thượng tá Tam phải lặn lội ra huyện kiến nghị và đơn từ đi mấy nơi để đòi bằng được 25 triệu tiền công doanh nghiệp nọ nợ bà con về trả cho dân.

Cầm đồng tiền mà không ít người rưng rưng nước mắt, 25 triệu đối với cả bản không đáng là bao, song điều quan trọng là lòng tin vào cán bộ đã khôi phục, chứ không như bọn người xấu vẫn rêu rao.

Sau lần đó, lực lượng Công an từng bước gần dân hơn, các mặt công tác triển khai một cách thuận lợi. Một số người cầm đầu ra công tuyên truyền xấu bây giờ cũng gặp tổ công tác để được "chứng nhận" đã quay về với dòng họ, với dân tộc mình.

Giờ đây, sau những gì cán bộ, chiến sĩ Công an đã và đang làm giữa vùng biên này, trong tâm thức của đồng bào các dân tộc, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an đã trở thành thân thiết. Điều đó tự nó tạo nên sức mạnh, tạo nên niềm tin… Bưng bát cơm thơm hương trời hương đất, nhiều người dân và cả cán bộ, chiến sĩ Công an đã bật khóc. Nước mắt của họ hoà vào nhau, trong cái vị mặn mòi nghĩa Đảng, tình dân

Vũ Mạnh Hà
.
.