Công an các địa phương phối hợp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Thứ Năm, 11/04/2019, 21:53
Hưng Yên là địa phương đầu tiên phát hiện virus bệnh dịch tả lợn châu Phi, đến nay, bệnh dịch nguy hiểm này đã lan ra 10/10 huyện, thành phố của tỉnh.


Thời gian qua, lực lượng Công an đã phối hợp tích cực với chính quyền các địa phương và các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp để tuyên truyền, ngăn chặn phòng chống bệnh dịch lan rộng, đồng thời tăng cường kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các các hành vi buôn bán, tiêu thụ lợn bệnh và lợn chết do bệnh dịch.

Ngay sau khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của CBCS và nhân dân trong công tác phòng chống và ngăn chặn bệnh dịch. 

Tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật ra vào vùng có dịch. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, vận chuyển, buôn bán sản phẩm động vật không đúng quy định, nhằm hạn chế sự lây lan bệnh dịch ra các tỉnh lân cận.

Xã Trung Nghĩa, thành phố Hưng Yên, là một trong 2 địa phương đầu tiên của tỉnh phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Với sự lây lan nhanh chóng, chỉ trong vòng 2 tháng, bệnh dịch tả lợn đã làm chết trên 300 con lợn, gây thiệt hại lớn cho người dân.

Cơ quan chức năng đang tiến hành phun thuốc khử trùng, tiêu độc xung quanh chuồng trại chăn nuôi.

Nhận thức rõ thiệt hại do bệnh dịch gây ra, nên ngay từ khi phát sinh ổ dịch đầu tiên, Công an thành phố Hưng Yên đã cùng với chính quyền địa phương nỗ lực ngăn chặn và dập dịch tại chỗ; chủ động phối hợp với các ngành chức năng có mặt tại địa phương xảy ra bệnh dịch để tuyên truyền đến các chủ trang trại tiến hành chôn lấp số lợn bệnh dịch theo đúng quy định.

Mặt khác, yêu cầu các hộ chăn nuôi ký cam kết không bán chạy, giết mổ, buôn bán, tiêu thụ sản phẩm lợn bệnh và vứt xác lợn bừa bãi ra môi trường.

Tại địa bàn huyện Kim Động hiện có 1.320 hộ chăn nuôi, trong đó có 117 trang trại với tổng số trên 3.500 con lợn. Tính đến hết ngày 10-4, huyện đã phát hiện 3 xã (Toàn Thắng, Nghĩa Dân, Đức Hợp) bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, làm chết trên 200 con lợn.

Đa phần số lợn bị chết vì bệnh dịch đều từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa vệ sinh chuồng trại đầy đủ và đúng cách. Để ngăn chặn bệnh dịch lây lan sang các xã lân cận, Công an huyện đã phối hợp với chính quyền các xã và các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền đến từng hộ chăn nuôi về tình hình bệnh dịch và cách phòng ngừa bệnh dịch.

Chỉ đạo Công an các xã, thị trấn tham mưu thành lập các chốt kiểm dịch, không để các trường hợp vận chuyển lợn bị bệnh ra vùng không có dịch, đồng thời kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt Công an huyện đã cử 20 cán bộ chiến sỹ tham gia đoàn tiêu hủy của huyện, kịp thời vận động, tuyên truyền giải thích cho người dân tiêu hủy lợn dịch theo đúng quy định.

Dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp, tỉ lệ lợn chết do mắc dịch tả lợn châu Phi lên đến gần 100% và hiện chưa có vaccine đặc trị. Tuy nhiên với sự vào cuộc tích cực của lực lượng Công an, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng nên tình trạng lây lan bệnh dịch đã được kiềm chế, người dân đã có ý thức và chủ động hơn trong công tác phòng chống bệnh dịch.

Trong thời gian tới cùng với chính quyền các địa phương, lực lượng công an tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục phân công lực lượng tích cực tham gia công tác dập dịch và phòng chống sự lây lan của bệnh dịch tại các địa phương, nhằm ngăn chặn triệt để bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa phương, giảm thiệt hại thấp nhất cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Phạm Anh Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục chăn nuôi thú ý tỉnh Lai Châu, tính đến thời điểm hiện tại  dịch tả lợn châu Phi đã gây ảnh hưởng đến 613 hộ, 119 bản, 28 xã, thuộc 04 huyện ở tỉnh Lai Châu (Tam Đường, Sìn Hồ, Nậm Nhùn và Phong Thổ). Cụ thể, số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy là 2.000 con (Tam Đường 750 con; Sìn Hồ 500 con; Nậm Nhùn 360 con; Phong thổ 390 con). Trong đó có hơn 1.300 con mắc bệnh, gần 600 con chết và tổng trọng lượng lợn buộc phải tiêu hủy tại các huyện là hơn 68 tấn.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu cũng đã công bố dịch và triển khai các biện pháp chống dịch khẩn cấp tại địa bàn để ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng. Địa phương đã thành lập và duy trì 79 chốt kiểm dịch động vật, trong đó có 4 chốt kiểm dịch cấp tỉnh chốt chặn tại các tuyến quốc lộ ra vào tỉnh; 53 chốt cấp huyện tại các địa phương có dịch và 22 chốt tại các huyện chưa có dịch.

Lai Châu là tỉnh thứ 20 có dịch tả lợn châu Phi. Sau khi xuất hiện trên địa bàn, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực triển khai các biện pháp phòng bệnh tránh để lây lan, bùng phát ra diện rộng; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các chốt kiểm dịch.

Hải Yến - Trần Cường
.
.