Nhiều cán bộ Công an bị thương vẫn vượt lũ để cứu dân
Sau gần một tuần lũ rút, những hệ lụy mà trận lũ đại hồng thủy gây ra vẫn còn gây khó khăn chồng chất cho bà con vùng rốn lũ Lệ Thủy, Quảng Bình. Về mỗi ngôi làng, góc xóm hôm nay khi nhắc đến lực lượng Công an, người dân đều dành sự yêu thương, trân quý và nể phục.
Trong những ngày mưa lũ gây ngập nặng, cán bộ, chiến sỹ Công an huyện Lệ Thủy nhiều ngày không về nhà, tất cả đều túc trực có mặt ở những điểm xung yếu, nguy hiểm để cứu dân. Nhiều chiến sĩ nhà bị ngập, trôi hỏng hết tài sản, có chiến sĩ bị thương vẫn bám trụ ở vùng rốn lũ để làm nhiệm vụ. Hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Công an là chỗ dựa, là niềm tin cho người dân vùng cát trong tâm lũ.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Lệ Thủy vượt lũ dữ để cứu dân. |
Vùng lũ Lệ Thủy có 26 đơn vị hành chính cấp xã thì có tới 24 xã, thị trấn bị lũ lụt gây ngập sâu, hoặc nước lũ chia cắt cô lập. Khi các xã vùng đồng bằng như Dương Thủy, An Thủy, Liên Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy… người dân tìm cách thoát khỏi lũ lụt đang đe dọa đến tính mạng, thì các xã biên giới, rẻo cao như Ngân Thủy, Lâm Thủy, Kim Thủy cũng bị nước sông, suối dâng cao, đường sá sạt lở kéo dài hàng km, vấn nạn đe dọa sạt lở đất núi uy hiếp cuộc sống bà con, bản làng.
Nhiều nơi vùng tâm lũ, Công an Lệ Thủy phải tháo ngói đưa bà con vượt lũ đến nơi an toàn. |
Ngay từ đêm 19/10, khi mực nước sông Kiến Giang dâng cao, cao hơn mức lũ lịch sử năm 1979 là 0,97m. Do nước lũ lên quá nhanh, chỉ vài tiếng đồng hồ nước đã dâng làm cả Lệ Thủy như biển lũ. Hàng vạn nhà dân ngập sâu hoặc chìm trong nước lũ. Hàng ngàn người dân nước dâng buộc phải leo lên nóc nhà, cây cao để tránh lũ. Điện thoại và mạng xã hội tràn ngập lời kêu cứu của người dân…
Thượng tá Trần Đức Tới, Trưởng Công an huyện Lệ Thủy liền cung cấp công khai số điện thoại trực ban Công an huyện, số điện thoại lãnh đạo chỉ huy đơn vị, số máy cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là Công an các xã, thị trấn lên mạng xã hội để người dân các nơi gặp nguy hiểm liên lạc.
Công an huyện chia ra các tổ công tác, đưa ngay 9 cano về vùng tâm lũ cứu dân trong đêm tối. Do nước lũ lên nhanh, chảy xiết, vướng dây điện nên nhiều lúc cano của cán bộ, chiến sỹ bị dây quấn chân vịt, chết máy nước đẩy suýt chìm.
Công an Lệ Thủy tiến hành công tác cứu hộ cứu nạn trong vùng lũ. |
Suốt 7 ngày đêm liên tục, Công an huyện Lệ Thủy đã tiến hành cứu nạn, cứu hộ trên 5.000 hộ dân; cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp 1.072 người, trong đó có hơn 20 sản phụ đến bệnh viện sinh con, trên 100 người dân đau ốm, 10 người bị lũ cuốn trôi dạt phải bám vào ngọn cây may có cán bộ, chiến sĩ Công an kịp thời cứu thoát khỏi dòng nước dữ…
12 giờ đêm, khi tất cả chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Lệ Thủy đang trên cano, thuyền máy đi cứu dân, thì nước bắt đầu dâng ngập nhanh ở trụ sở Công an huyện Lệ Thủy.
Điện thoại trực ban liên tục gọi, Thượng tá Trần Đức Tới cho thuyền máy chạy ngay về đơn vị. Là cán bộ Công an dạn dày vùng sông nước, lũ lụt, nên việc đầu tiên khi về đơn vị là anh ra phòng tạm giam Công an huyện chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ đi cùng đưa 19 phạm tội nguy hiểm đang giam giữ lên hội trường giao ban tầng 2 của đơn vị.
Anh chia sẻ “trong lũ lụt không thể lường được nước lên đến mức nào, và khi lũ lên nhanh tôi chỉ sợ số anh em ít ỏi còn ở lại trực đơn vị cùng phạm nhân trong phòng giam ngập trong lũ. Nên khi nghe điện thoại nước dâng ngập ở đơn vị, tôi tức tốc về ngay, trên đường đi cứ cầu mong nước dâng từ từ. Và khi anh em về đưa các phạm nhận lên hội trường chỉ tiếng đồng hồ sau các phòng phạm nhân nước đã dâng ngập sâu hơn 2m…”.
Công an Lệ Thủy tiến hành công tác cứu hộ cứu nạn trong vùng lũ. |
Những ngày qua, các phạm nhân ở phòng tạm giam Công an huyện Lệ Thủy vẫn không ngớt lời cảm ơn cán bộ, chiến sĩ Công an và họ đều khẳng định chắc chắn sẽ làm người tốt, người có ích khi hết thời hạn bị giam giữ…
Với tinh thần dành tất cả thời gian và sức lực để cứu dân, giúp dân trong lũ dữ, nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Lệ Thủy sau lũ trở về nhà đều phải đối mặt với những khó khăn chồng chất khi bùn đất ngập nhà, chưa thể dọn lau. Nhà nhiều cán bộ, chiến sĩ bị ngập sâu, chìm trong lũ, tất cả tài sản, đồ dùng sinh hoạt đều bị nước lũ cuốn trôi hoặc làm hư hỏng như nhà Trung tá Nguyễn Như Lam, Đại úy Trần Văn Sơn, Đại úy Nguyễn Ngọc Nguyên, Trung úy Lê Văn Đức.
Nhà trung úy Lê Văn Đức khi lũ vào, anh vẫn phải cùng đồng đội gồng mình đi cứu dân, tài sản của nhân dân, còn gia đình anh ba mẹ làm nghề thu mua lúa, gạo xay xát đã bị nước lũ nhấn chìm hơn 200 tấn lúa, cả một đời gia đình cần mẫn lao động, tích góp giờ trắng tay vì lũ.
Bên cạnh việc mặc dù nhà bị nước lũ nhấn chìm nhưng vẫn không thể về để cất giữ tài sản… nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Lệ Thủy bị thương khi đi cứu hộ, cứu nạn giúp nhân dân trong đêm tối như: Trung tá Lê Thành Liêu, Đại úy Nguyễn Hữu Tuân, Thượng úy Đỗ Anh Quyền, Thượng úy Hoàng Văn Trung, Thiếu úy Phạm Hữu Quốc, Trung úy Trần Văn Sĩ…
Ngay khi nước lũ bắt đầu rút, Công an huyện Lệ Thủy đã huy động trên 300 lượt cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên hỗ trợ dọn dẹp vệ sinh khuôn viên các trường mầm non, trường tiểu học trên địa bàn, kịp thời khắc phục, trước mắt sửa chữa hư hỏng về cơ sở vật chất để cho các trường học sớm hoạt động trở lại. Những hành động cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ Công an vùng tâm lũ Lệ Thủy đang thực sự góp phần vào truyền thống “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của cán bộ, chiến sĩ Công an.