Công an Hà Nội với 12 ngày đêm hạ chiến dịch Linerbacker II

Thứ Sáu, 29/12/2017, 08:18
Với tinh thần chiến đấu quả cảm, lực lượng Công an Hà Nội đã xuất hiện nhiều tập thể, gương cá nhân chẳng quản ngại hy sinh, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không.

Cuối năm 1972, cục diện chiến trường diễn biến bất lợi cho phe Mỹ - ngụy, thất bại liên tiếp của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” cộng với hoạt động leo thang chiến tranh ra miền Bắc không đạt hiệu quả như mong muốn. 

Trong khi sức ép trên bàn nghị trường về việc phải thực thi bản hiệp định hòa bình ở Hội nghị Paris đang gia tăng… đã khiến phía Mỹ phải có sự “tính toán lại”. Nhằm tạo thế thượng phong trên mặt quân sự, ngoại giao và tìm ra cách rút chân khỏi chiến trường Việt Nam theo hướng có lợi nhất.

Ở vào hoàn cảnh đó, giới chính khách và quân sự chóp bu Hoa Kỳ quyết định “dốc túi” huy động một lực lượng lớn không quân, hải quân nhằm đưa Hà Nội trở về "thời kỳ đồ đá" với Chiến dịch mang mật danh “Linerbacker II”. 

Đáng chú ý trong chiến dịch ấy, quân đội Mỹ đã huy động loại máy bay chiến lược B52 hiện đại có sức tàn phá khủng khiếp và rất ít có khả năng bị bắn hạ trên chiến trường. Đây là niềm tự hào của nền công nghiệp Mỹ vào thời điểm đó, nhưng sau trận chiến 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, niềm tự hào ấy đã bị thay đổi.

Bám sát tình hình miền Nam và sự chỉ đạo của Bộ Công an, từ những ngày đầu tháng Chạp năm 1972, nhận định khả năng địch có thể tổ chức một cuộc tấn công đánh phá quy mô lớn, cũng không loại trừ tình huống đối phương tổ chức lực lượng biệt kích nhảy dù xuống địa bàn, Sở Công an Hà Nội đã yêu cầu lực lượng toàn thành phố nắm chắc và làm chủ tình hình, sẵn sàng đánh địch khi có lệnh; đồng thời tham mưu với Thành ủy ra Thông báo số 50 về “sơ tán khẩn cấp người già, trẻ em và những người không thật cần thiết cho sản xuất và chiến đấu ra khỏi nội thành”. 

Đây là cơ sở để Thành ủy, Hội đồng Phòng không nhân dân thành phố lúc bấy giờ nhanh chóng ban hành Lệnh số 09 L/PK về sơ tán cấp tốc, triệt để sơ tán tất cả các tầng lớp nhân dân, cán bộ công nhân viên trong khu vực nội thành ra ngoại thành, về các địa phương.

Lực lượng Công an Hà Nội giúp dân di tản ra ngoại thành an toàn, thông suốt trước trận chiến "12 ngày đêm".

Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc hoạch định phương án bảo vệ sơ tán, mặt khác, để đảm bảo việc tổ chức sơ tán liên tục, thông suốt, an toàn, đúng kế hoạch theo lệnh của Thành phố, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị giao thông, trật tự, quản lý trị an, hình sự… của Sở Công an Hà Nội đã phối hợp nhịp nhàng với Bộ Tư lệnh Thủ đô, Trung đoàn 254 Công an vũ trang, Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị chiến đấu thường trực không quản ngày đêm, chỉ huy trật tự giao thông, giải tỏa tắc nghẽn, tập trung bám tuyến, bám chốt tại các cửa ngõ dẫn ra khỏi thành phố. 

Qua đó, chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng Công an Hà Nội đã bảo vệ thành công cuộc sơ tán cấp tốc hơn 54 vạn dân trong tổng số 65 vạn dân và sơ tán một khối lượng tài sản khổng lồ ra ngoại thành và về các địa phương lân cận một cách nhanh gọn, đảm bảo tuyệt đối an ninh, trật tự và an toàn.

Khi địch bắt đầu đánh phá, trong 12 ngày đêm, Hà Nội đã trực tiếp đương đầu với 45 trận đánh bom (trong đó có 30 trận ban đêm) cấp tập với mức độ và quy mô hủy diệt diện rộng. Đã có 77 xã, 39 khối phố, 8 ga, 4 bến phà, 4 cầu, 41 nhà máy xí nghiệp, 5 bệnh viện, 3 đài phát thanh, phát tín trên địa bàn Thành phố bị giội bom. 

Theo kiểm đếm của lực lượng Công an Hà Nội, phía Mỹ đã rải 139 vệt B-52 mà vệt dài nhất lên tới 1.200m đến 1.500m, có nơi bị thả bom chà đi sát lại nhiều lần. Và con số 2.289 người bị giết hại, hơn 1.500 người bị thương, hơn 13.000 ngôi nhà bị phá huỷ, đã phần nào nói lên sự khốc liệt của trận chiến năm ấy.

Suốt trong những ngày diễn ra sự kiện “12 ngày đêm”, nhịp sống Hà Nội chuyển biến rất mau lẹ sang thời chiến, nhà nhà, người người đi sơ tán, nhưng mỗi căn nhà, góc phố dù có khóa hay không khóa vẫn được đảm bảo an ninh, an toàn. 

Nằm trong đội hình ở lại trực tiếp bám trụ chiến đấu, quyết tâm bảo vệ Thủ đô Hà Nội bằng mọi giá, lực lượng CBCS Công an các khu, huyện vừa chỉ huy chiến đấu, vừa tổ chức cắm chốt sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn ANTT, tiến hành khơi lại hầm hố, giao thông hào tại trụ sở đơn vị, doanh trại và các khu vực trọng điểm. 

Sau mỗi trận bom, lực lượng CBCS Công an Hà Nội lại tần mẫn không quản ngại hy sinh đến từng góc phố, lên lại sơ đồ hầm, hố, để phục vụ công tác tìm kiếm.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an Thủ đô cũng tích cực tuần tra bảo vệ tài sản, nhà cửa nhân dân đang đi sơ tán, nhất là những nơi bị địch tập trung đánh phá thì lực lượng Công an lại càng phải có mặt để đảm bảo tài sản của nhân dân. 

Trong những ngày tháng ấy, các đơn vị Công an cơ sở Hà Nội còn trực tiếp tham gia phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức cứu thương, cứu sập, tuần tra canh gác bảo vệ hiện trường, phối hợp phát hiện tháo gỡ 101 quả bom nổ chậm, 160 bom xuyên, 220 quả bom sát thương… dọn dẹp hiện trường sau mỗi đợt địch giội bom đánh phá.

Để chủ động xử lý kịp thời tình hình nguy cấp khi địch đánh phá, ngoài việc thành lập các đội tải thương cơ động tổ chức cứu thương, sửa chữa điện, nước, thu dọn đường sá, hướng dẫn giao thông, chôn cất người hy sinh và cứu giúp người bị nạn ở các tuyến phố nội thành và các khu vực trọng điểm như: Khâm Thiên, Nguyễn Thiệp, Hai Bà Trưng, khu 7 Gia Lâm, Bệnh viện Bạch Mai… 

Sở Công an Hà Nội còn tập trung phương tiện, lực lượng tiến hành cứu hộ, cứu sập tại các cơ sở ngoại giao và địa điểm có nhân viên sứ quán, người nước ngoài ở, làm việc, trong đó có các tòa đại sứ quán của Đức, Hungari, Bungari… bị bom Mỹ ném trúng gây thiệt hại về nhà cửa.

Với tinh thần chiến đấu quả cảm, lực lượng Công an Hà Nội đã xuất hiện nhiều tập thể, gương cá nhân chẳng quản ngại hy sinh, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác được giao. Đội Cảnh sát bảo vệ cầu phà thuộc Phòng PK57C nêu cao tinh thần “sống bám cầu đường, chết kiên cường anh dũng”; Tổ Cảnh sát cắm chốt khu vực Phà Đen tích cực phối hợp với các đơn vị vũ trang bắt sống phi công Mỹ tại khu vực cầu Khuyến Lương... 

Các đồng chí Nguyễn Văn Uân, Cảnh sát khu vực Đồn 23, khu phố Hai Bà Trưng; Phan Điện Biên, Cảnh sát giao thông Gia Lâm, mưu trí, dũng cảm hướng dẫn nhân dân bảo vệ tài sản của Nhà nước... Đặc biệt là sự hy sinh của toàn bộ kíp trực chiến Đồn 42 khu phố Đống Đa trong trận đánh phá của địch tối 26-12, là những tấm gương anh dũng, kiên cường ấy đã góp phần tạo nên lịch sử Công an Thủ đô Anh hùng và đóng góp công sức dệt nên một chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đi vào lịch sử.

Trần Xuân (tổng hợp)
.
.