Công an Bắc Giang không để "nợ" trọng án

Thứ Bảy, 20/04/2019, 08:13
Trong các vụ trọng án, không phải vụ nào cũng có thể tìm ra ngay thủ phạm (án mờ). Nhiều vụ tưởng chừng đi vào ngõ cụt bởi manh mối vô cùng ít ỏi, gần như bế tắc đã được lực lượng Cảnh sát hình sự “hóa giải”, làm vơi nỗi đau của gia đình nạn nhân, trừng trị cái ác trong xã hội.

Giữa năm 2018, người dân thôn Đồng Còng, xã Tân Mộc (Lục Ngạn) xôn xao về vụ án anh Chu Văn Tuấn (SN 1984) bị giết dã man ngay tại nhà riêng. Thời điểm xảy ra vào khoảng hơn 10 giờ sáng, khi các gia đình thường vắng người ở nhà khiến dư luận hết sức hoang mang. 

Theo lời khai ban đầu của vợ nạn nhân là Nguyễn Thị Thời (SN 1984) thì chính anh ruột Tuấn là người ra tay sát hại, nguyên nhân liên quan đến chuyện tiền nong. 

Cụ thể, người anh trai này phạm tội trộm cắp bị ngồi tù ở một trại giam tỉnh Lạng Sơn. Chồng chị có đi vay nóng tiền cho anh trai mượn để được tha tù cách đó 3 ngày. Trưa 16-5, anh trai chồng và một người bạn về nhà chị ăn cơm, uống rượu, trong bữa ăn có nói đến chuyện vay mượn. Trong lúc chị ở ngoài rửa bát, người bạn đi vệ sinh thì ở trong nhà, hai anh em xảy ra mâu thuẫn và người anh trai đã đâm chồng chị.

Căn cứ lời khai của người vợ, hướng điều tra ban đầu, Cảnh sát hình sự tập trung vào đối tượng là người anh nạn nhân. Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy, người anh trai này vẫn đang thụ án ở Lạng Sơn, chưa được tha tù. 

Từ những bất nhất trong lời khai, kết hợp với diễn biến tâm lý của đối tượng xâu chuỗi lại, các trinh sát đã nhanh chóng làm rõ hành vi giết người của Nguyễn Thị Thời. 

Biết không thể che giấu được, Thời run rẩy khai lại toàn bộ vụ việc. Do chồng thường xuyên uống rượu say xỉn và đánh đập vợ, trưa hôm đó, sau khi làm vài chén, anh Tuấn tiếp tục có hành vi đánh, đuổi vợ ra khỏi nhà. Lúc này, chị Thời đang nằm với con trên giường. Khi bị kéo lôi xuống, chị bám vào thành giường và vớ được con dao Thái Lan đâm thẳng vào nách chồng.

Sự lạnh lùng của người đàn bà bị chồng bạo hành nhiều năm khiến chị ra tay tàn ác với 11 vết đâm. Sau khi gây án, Thời còn bình tĩnh dọn dẹp hiện trường, vứt hung khí rồi vờ đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu, sau đó dựng khống việc chồng bị anh trai giết hại.

Mỗi vụ trọng án đều có những tình tiết khác nhau, nếu không chú ý quan sát, nhạy bén phân tích thì sẽ khó mở được nút thắt. Đơn cử như vụ giết người rồi dàn dựng thành vụ cướp tài sản hồi cuối năm 2018 ở thôn Hố Trúc, xã Cẩm Lý (Lục Nam). 

Trong vụ án này, Trần Thị Thêm (SN 1982), trú tại thôn Húi, xã Đan Hội, huyện Lục Nam đã sát hại người cùng đi chợ đêm buôn cá với mình là chị Vũ Thị Ngà (SN 1979, trú cùng thôn). Để che giấu tội lỗi, giết nạn nhân xong, Thêm lấy một số tài sản của chị Ngà rồi về nhà nạn nhân vờ hốt hoảng báo tin hai người đã gặp kẻ cướp. 

Ban đầu, những tình huống cụ thể do chính người đàn bà này tạo dựng khiến ai nấy đều tin, bởi Thêm cũng là nạn nhân trong vụ cướp, cũng bị thương tích. Thế nhưng, khi làm việc tại cơ quan Công an ngay buổi sáng hôm đó và cả thời gian dài nằm bệnh viện, cán bộ điều tra nhận thấy những bất thường qua ánh mắt, sắc mặt của Thêm. Kết hợp với khi thay đổi cán bộ thẩm vấn, các lời khai có mâu thuẫn, không thống nhất về hành vi của hai tên cướp do ả dựng lên. 

Từ đó, cơ quan điều tra phát hiện ra những chênh lệch trong lời khai của Thêm so với dấu vết tại hiện trường để lại. Trước những phân tích chặt chẽ của cơ quan điều tra về lời nói dối của Thêm đã khiến người đàn bà độc ác này phải cúi đầu thừa nhận hành vi giết người hàng xóm của mình.

Cùng với lực lượng điều tra, lực lượng kỹ thuật hình sự, Công an địa phương cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình khám phá mỗi vụ trọng án. Việc phân tích dấu vết hiện trường và nhanh chóng xác minh thông tin liên quan đòi hỏi số lượng cán bộ, chiến sĩ tham gia có thể lên đến hàng chục người. Theo thời gian, từ những ám ảnh ban đầu về khám nghiệm tử thi đến sự rùng rợn ở hiện trường đã giúp các trinh sát, điều tra viên dạn dĩ để vượt qua khó khăn của nghề.

Đại tá Dương Ngọc Sáu, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Bên cạnh việc thu thập, củng cố các chứng cứ, tài liệu phạm tội thì trong những vụ trọng án, kẻ giết người thường lo sợ, hoang mang về hình phạt bọn chúng phải chịu trước pháp luật nên dễ dẫn đến tiêu cực. Nắm được điều này, song song với quá trình thẩm vấn, cán bộ điều tra còn động viên, trấn an tinh thần đối tượng về những chính sách khoan hồng của Nhà nước dành cho người thành khẩn trong khi khai báo, tránh hành động gây hại cho mình và người khác.

Bằng những biện pháp nghiệp vụ, kinh nghiệm dày dạn, tinh thần trách nhiệm cao với công việc, năm 2018 và nhiều năm trước đó, 100% các vụ trọng án xảy ra trên địa bàn tỉnh được điều tra, làm rõ, được các cấp, ngành và nhân dân ghi nhận.

Ngọc Anh
.
.