Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có ý nghĩa quan trọng xây dựng Chính phủ điện tử

Thứ Năm, 07/05/2020, 07:54
Thực hiện kế hoạch của Bộ Công an về triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đến ngày 15/5/2020, Công an các địa phương phải hoàn thành triển khai tổ chức tập huấn đến 100% Công an cấp xã và lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; đồng thời tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra, phúc tra việc thu thập thông tin dân cư tại tất cả các địa phương trên toàn quốc.


Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đánh giá là “tài nguyên quốc gia đắt giá”, là nền tảng để xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số… Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (QLHC về TTXH).

PV: Thưa Thượng tá Tô Anh Dũng, đồng chí cho biết về sự cần thiết của việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

Thượng tá Tô Anh Dũng: Hiện nay, ở nước ta việc quản lý dân cư mang tính đơn lẻ, từng bộ, ngành quản lý, theo dõi riêng biệt. Để phục vụ công tác quản lý nhà nước của bộ, ngành mình, đồng thời bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng bộ, ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý nhà nước đều cấp cho công dân một số loại giấy tờ nên mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau (giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, giấy phép lái xe, các loại thẻ, chứng chỉ...).

Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH.

Cùng với việc cấp các giấy tờ cho công dân, việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin chung về công dân giữa các cơ sở dữ liệu nên không khắc phục được tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu.

Từ việc quản lý đơn lẻ dẫn tới gây lãng phí về kinh tế, nguồn nhân lực, khi thực hiện thủ tục hành chính người dân phải mất thời gian đi sao, chứng thực các giấy tờ để chứng minh nhân thân, trong khi những loại giấy tờ liên quan đều chỉ sử dụng chung những thông tin về công dân giống nhau.

Cùng với quá trình phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong các mặt công tác quản lý nhà nước nói chung và công tác nghiệp vụ của ngành Công an là xu hướng không thể đảo ngược, nhiều nước trên thế giới đã có bước tiến rất xa trong lĩnh vực này. Muốn làm được điều này, cần phải xây dựng và kết nối được hệ thống các cơ sở dữ liệu với nhau, trong đó cốt lõi là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Như vậy, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc để thu thập, cập nhật được thông tin cơ bản của công dân Việt Nam nhằm phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân, khắc phục được các hạn chế, bất cập nêu trên là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số.

PV: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò như thế nào đối với đời sống xã hội, thưa Thượng tá?

Thượng tá Tô Anh Dũng: Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, cụ thể: Với mục tiêu lấy dân làm gốc, thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư (số liệu, cơ cấu, phân bổ và biến động dân cư...) phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng một người dân phải sử dụng quá nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cơ sở dữ liệu dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lắp thông tin, giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, Cơ sở dữ liệu về dân cư ra đời cũng sẽ góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang được lưu trữ quản lý tại cơ quan hành chính.

PV: Thời gian qua, Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã có kết quả đáng khích lệ, xin Thượng tá cho biết thêm về việc triển khai dự án?

Thượng tá Tô Anh Dũng: Đến nay, việc tổ chức triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó, phải kể đến một số kết quả hết sức quan trọng như: Đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020; đẩy mạnh việc tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đề xuất cải cách thủ tục hành chính phục vụ xây dựng dự án; tham mưu đề xuất Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn thực hiện dự án; hoàn thành thu thập Phiếu thông tin dân cư tại 59/63 địa phương với khoảng 80 triệu phiếu; đã tiến hành quét, xử lý 10 triệu phiếu; phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp triển khai cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh từ 1/1/2016, đến nay, đã có 60/63 địa phương cấp số định danh các nhân với khoảng 16,5 triệu số định danh cá nhân; triển khai, thực hiện thí điểm hệ thống quản lý dân cư tại Hải Phòng và các cơ sở dữ liệu về dân cư tại Hà Nội, Cần Thơ, Tây Ninh; tiến hành rà soát, bố trí nguồn nhân lực, đào tạo tập huấn; khảo sát hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Với kết quả trên, đã cơ bản tạo được tiền đề cho giai đoạn “nước rút” triển khai và cơ bản hoành thành dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trong năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.

Đoàn công tác Cục Cảnh sát QLHC về TTXH kiểm tra, phúc tra việc thu thập thông tin dân cư tại Công an huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

PV:  Năm 2020 cơ bản hoàn thành Dự án, vậy quá trình triển khai có khó khăn, vướng mắc nào, thưa Thượng tá?

Thượng tá Tô Anh Dũng: Việc triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư còn gặp những khó khăn, vướng mắc sau:

Dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư là dự án công nghệ thông tin nhóm A liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương với các quy trình thủ tục phức tạp về phương thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và cách thức tổ chức thực hiện mà từ trước đến nay chưa từng có trong tiền lệ được áp dụng. Dự án có nhiều hạng mục công việc, phạm vi triển khai rộng; triển khai hạ tầng mạng, lắp đặt thiết bị với trên 41 ngàn thiết bị từ Trung ương đến tận các xã, phường, thị trấn; đào tạo phần mềm sử dụng cho gần 20.000 người.

Công tác thu thập, tạo lập và chuyển đổi dữ liệu dân cư gặp nhiều khó khăn do tính chất, đặc thù của từng địa bàn, nhất là tại địa bàn khu công nghiệp tập trung nhiều nhân khẩu tạm trú; địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có trình độ dân trí thấp.

Thời gian Chính phủ yêu cầu hoàn thành dự án còn rất ngắn, khoảng hơn 15 tháng (đến 31/12/2020 phải cơ bản hoàn thành các mục tiêu chính, đến ngày 30/4/2021 phải bấm nút triển khai và đến ngày 30/6/2021 phải hoàn thành toàn bộ việc triển khai dự án). Với khối lượng công việc rất lớn, phạm vi triển khai rất rộng, thời gian rất cấp bách đòi hỏi phải chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt với quyết tâm cao mới hoàn thành được mục tiêu đề ra.

PV: Để triển khai thực hiện có hiệu quả dự án, theo Thượng tá Tô Anh Dũng cần thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào?

Thượng tá Tô Anh Dũng: Để triển khai thực hiện có hiệu quả dự án, cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, tập trung nghiên cứu sửa đổi, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành để phù hợp với lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong xây dựng và đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá  nhân; Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Minh Hiền
.
.