Chuẩn bị triển khai thi hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường

Thứ Ba, 02/06/2015, 16:00
“Việc thi hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường (CSMT) là một bước ngoặt quan trọng nhưng chúng tôi cũng nhận thức rõ rằng, thách thức, khó khăn trong việc triển khai là không hề nhỏ” - Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục CSMT chia sẻ về việc triển khai thi hành Pháp lệnh CSMT (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/6/2015).

Theo Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Lý, Pháp lệnh CSMT được ban hành đã khắc phục những hạn chế, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật trước đây quy định về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; xác định rõ địa vị pháp lý của CSMT trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về môi trường...

- Trước đây, có ý kiến cho rằng, thẩm quyền của CSMT chưa được quy định đầy đủ làm “bó tay” CSMT trong nhiều trường hợp khi thi hành nhiệm vụ. Vậy Pháp lệnh đã cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của CSMT như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Pháp lệnh CSMT có hiệu lực thi hành từ ngày 5/6/2015 quy định 5 chương, 19 điều. Trong đó, Pháp lệnh quy định một số nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của CSMT như: Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường; áp dụng các biện pháp công tác công an để tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật...

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý chỉ đạo công tác tại Cục CSMT.

CSMT có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau theo quy định của pháp luật: điều tra các tội phạm về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường; tiến hành các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân; kiểm tra phương tiện, đồ vật, địa điểm khi trực tiếp phát hiện có dấu hiệu tội phạm, vi phạm hành chính hoặc khi có tố giác, tin báo về tội phạm, vi phạm hành chính; xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp cần thiết, cấp bách được quyền huy động người, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân; thu giữ mẫu vật, tài liệu, vật chứng liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính để kiểm định hoặc phối hợp với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm định, giám định. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật liên quan đến tội phạm, vi phạm hành chính về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm có liên quan đến môi trường; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm...

- Quy định phạm vi khá rộng như trên liệu có dẫn tới sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ cơ quan khác không?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Nhiệm vụ, quyền hạn của CSMT đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền tính toán, cân nhắc kỹ, đảm bảo chặt chẽ, khoa học và hiệu lực, hiệu quả khi thi hành. Quá trình thực hiện có sự phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan. Do đó, sẽ không có tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan khác.

- Về tổ chức bộ máy, CSMT được triển khai như thế nào từ Trung ương đến địa phương? 

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Pháp lệnh CSMT quy định có tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của CSMT. Theo đó, CSMT được bố trí ở ba cấp: Cục thuộc Bộ Công an; Phòng thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đội thuộc Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.

Pháp lệnh cũng quy định cụ thể về trang bị, kinh phí, chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ CSMT và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, giúp đỡ CSMT trong thực hiện nhiệm vụ.

Lực lượng CSMT kiểm tra một vụ vận chuyển rác thải nguy hại.

- Để việc triển khai thi hành Pháp lệnh CSMT đảm bảo đúng quy định, đi vào cuộc sống và thực tiễn công tác, lực lượng CSMT cần tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo, thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 727/QĐ-TTg ngày 26/5/2015 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Pháp lệnh CSMT, trong đó, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh; Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường và Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh.

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang và nhân dân; tập huấn chuyên sâu Pháp lệnh CSMT  cho các lực lượng, đơn vị trong CAND.

Chúng tôi đã phối hợp với Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh và phối hợp xây dựng dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an (hiện đang tập hợp ý kiến tham gia của Công an các đơn vị địa phương để chỉnh lý trước khi trình Bộ trưởng); dự thảo Chỉ thị của Bộ trưởng về triển khai thi hành Pháp lệnh CSMT trong CAND.

Tăng cường phối hợp với cơ quan báo chí CAND và trang thông tin điện tử của Công an các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu nội dung của Pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Phối hợp với các trường CAND nghiên cứu, đưa nội dung Pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành vào chương trình giảng dạy, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương và học sinh, sinh viên…

Tới đây, việc kiện toàn tổ chức sẽ được thực hiện ra sao ở cả ba cấp của lực lượng CSMT?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Kiện toàn tổ chức và bảo đảm các điều kiện để triển khai thi hành Pháp lệnh CSMT là một nhiệm vụ quan trọng. Tới đây, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tham mưu với lãnh đạo Bộ kiện toàn tổ chức lực lượng CSMT theo quy định của Pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Chúng tôi sẽ tập trung tham mưu cho lãnh đạo Bộ xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho lực lượng CSMT giai đoạn 2016-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện, trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, trung tâm kiểm định - giám định, trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ, khoa học- kỹ thuật, ngoại ngữ- tin học cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng CSMT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu kinh tế, quốc tế.  

- Tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm đã, đang và tiếp tục còn là vấn đề nhức nhối trong thời gian tới. Thiếu tướng muốn chia sẻ điều gì khi triển khai thi hành Pháp lệnh?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Đúng như vậy, cùng sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, vấn đề an ninh, an toàn cho môi trường, an toàn thực phẩm càng được đặt ra hệ trọng. Người dân Việt Nam vẫn còn những thói quen chưa dễ xóa bỏ gây tác hại đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng, trong đó, tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm diễn biến dưới nhiều hình thức, thủ đoạn phức tạp. Việc thi hành Pháp lệnh CSMT là một bước ngoặt quan trọng nhưng chúng tôi cũng nhận thức rõ rằng, thách thức, khó khăn trong việc triển khai là không hề nhỏ. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, lực lượng CSMT sẽ không ngừng nỗ lực, cố gắng để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường và tài nguyên, an toàn thực phẩm, tăng cường bảo vệ môi trường, phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  

- Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Đăng Trường (thực hiện)
.
.