Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Công an nhân dân

Thứ Sáu, 21/09/2018, 17:54
Trưa ngày 21-9, cùng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, cán bộ chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân hết sức bàng hoàng khi nhận tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an đã từ trần.

 

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặc biệt dành nhiều quan tâm đến công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân. 

Không chỉ là những chuyến thị sát xuống các đơn vị chuyên trách trong lực lượng, mà còn là những lần thăm hỏi, những cuộc nói chuyện thân tình, cùng những lời động viên, khích lệ và niềm tin gửi gắm của người đứng đầu Nhà nước với lực lượng Công an nhân dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và các lãnh đạo Bộ Công an tham dự Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72

Trước bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Trong nước, các loại tội phạm biến hóa khôn lường, liều lĩnh và ngày càng nguy hiểm. Đặc biệt, sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại, các phương tiện công nghệ cao đã làm cho “biên giới” quốc gia không còn chỉ là lãnh thổ, không phận, hải phận. 

Quan niệm về “an ninh phi truyền thống” trong đó nổi cộm lên các vấn đề như: tự do hàng hải, khủng bố, chống biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, xuất hiện… nhiệm vụ của lực lượng công an là rất nặng nề. 

Do đó, trong hầu hết các chuyến thị sát, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đều nhấn mạnh, toàn lực lượng phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Đồng thời, tích cực đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nâng cao sức đề kháng, tự bảo vệ mình, bảo vệ chặt chẽ an ninh chính trị nội bộ.

Bên cạnh nhiệm vụ chung của toàn lực lượng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đưa ra “đơn đặt hàng” là những nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. 

Ông giao nhiệm vụ cho lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm phải “làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm”; Lực lượng Cảnh sát PCCC phải “phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ; xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn đối với các địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu công nghiệp, có nguy cơ cháy nổ cao”. 

Đặc biệt, trước tình hình an ninh mạng diễn biến phức tạp với hàng loạt vụ tấn công mạng quy mô lớn, đe dọa đến lợi ích, an ninh quốc gia, Chủ tịch nước giao nhiệm vụ cho Cục An ninh mạng, cùng với việc nhạy bén trong công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình. 

Đồng thời thực hiện các giải pháp mang tính đột phá trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng và gián điệp mạng bảo đảm an ninh thông tin, phòng, chống chiến tranh mạng. Còn phải hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác bảo đảm an ninh mạng, trong đó trọng tâm là Luật An ninh mạng.

Với trải nghiệm của một người gần 40 năm công tác trong lực lượng, Chủ tịch nước còn lưu ý lực lượng Công an nhân dân phải tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng chiến đấu với Quân đội nhân dân và các Bộ, Ban, Ngành từ Trung ương đến địa phương, để tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Đặc biệt thấm nhuần quan điểm của Đảng và Bác Hồ: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Do đó, những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, cùng tâm niệm “Nhân dân chính là cội nguồn sức mạnh bảo vệ an ninh Tổ quốc” (từng được Chủ tịch nước đúc kết trong cuốn sách cùng tên). Chủ tịch nước nhiều lần nhấn mạnh tính chất nhân dân của lực lượng công an cách mạng thể hiện trước hết ở việc coi trọng xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa công an với nhân dân. 

Quan điểm này được thể hiện qua lời đề nghị của ông với lực lượng công an rằng phải “phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân vững chắc. Phải tin và dựa vào nhân dân, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân, đoàn kết chặt chẽ trong lực lượng, tạo thành một khối thống nhất”.

Mà muốn làm được điều này thì mọi hoạt động, mục đích của công tác công an đều phải nhằm phục vụ nhân dân, phải xây dựng công an thật sự cách mạng, vì nhân dân phục vụ, là bạn dân. Vậy nên, Chủ tịch nước chỉ rõ: “lực lượng Công an nhân dân cần xây dựng và phát huy những quy chế văn hóa ứng xử Công an nhân dân, làm cho hình ảnh người chiến sĩ công an ngày càng đẹp hơn trong lòng nhân dân”. 

Đây vừa là mệnh lệnh, vừa là sự kì vọng mà đồng chí Chủ tịch nước nhiều lần nhấn mạnh. Có lẽ, cũng chính những lời chia sẻ tâm huyết đó đã góp phần làm cho các “Hòm thư nhân dân góp ý” hay diễn đàn “Lắng nghe ý kiến nhân dân” ở nhiều đơn vị, địa phương đi vào hoạt động thực chất hơn. Nhờ dựa vào tai mắt và sức mạnh lòng dân, thế trận an ninh nhân dân ngày càng được củng cố. Lực lượng công an đã kịp thời phát hiện, triệt phá hàng trăm băng, nhóm tội phạm các loại, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội - yếu tố cực kỳ quan trọng giúp dân ta vững tin, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Từ những lời nhắn gửi tâm huyết của Chủ tịch nước với cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an, càng nhận thức rõ hơn sự thống nhất, xuyên suốt giữa yêu cầu xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại với việc gần dân, trọng dân để xây dựng thế trận an ninh nhân dân, để tạo thành một khối thống nhất. Để làm được điều này, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân không chỉ tinh thần, trách nhiệm cao mà cả bản lĩnh, trình độ và tinh thần tâm huyết xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đi xa. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân vẫn luôn ghi nhớ những lời dạy ấy, không ngừng phấn đấu, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

PV
.
.