Cấp thẻ căn cước - Thủ tục nhanh chóng, tiện ích "3 trong 1"
Đó là Đại tá Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu về dân cư, Tổng cục Cảnh sát và Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Đại tá Phùng Đức Thắng: Số định danh theo suốt cuộc đời mỗi công dân.
Ngày 20-11-2014, Quốc hội thông qua Luật Căn cước công dân với tỷ lệ 76,66% đại biểu tán thành. Theo đó, từ ngày 1-1-2016 CMND được thay thế bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) và mới chỉ được thực hiện tại 16 địa phương.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an sẽ tiến hành tổng kết giai đoạn 1 rồi sẽ triển khai giai đoạn 2, chậm nhất tới ngày 1-1-2020 sẽ cấp CCCD trên phạm vi toàn quốc. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Sau một thời gian triển khai thực hiện thu lại những kết quả đáng khích lệ, nhiều người ủng hộ vì sự tiện lợi 3 trong 1.
Qua khảo sát đa số người dân hồ hởi khi cầm trên tay thẻ căn cước công dân vì lợi ích đem lại cho người dân, cơ quan quản lý rất lớn, điển hình như CCCD sản xuất theo công nghệ mới, có độ bền cao, hình thức đẹp, dễ bảo quản, dễ sử dụng; thời gian tiến hành các thủ tục để cấp căn cước công dân được thực hiện qua các máy móc thiết bị hiện đại, nên việc kê khai, thu nhận thông tin trở nên đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện hơn, làm giảm thời gian chờ đợi và giảm phiền hà cho người dân.
Đối với các trường hợp đã được cấp căn cước công dân khi thực hiện cấp đổi, cấp lại sẽ đơn giản hơn rất nhiều do việc tra cứu được thực hiện trên hệ thống cho kết quả nhanh chóng, chính xác; đảm bảo mỗi người dân được cấp 1 số căn cước công dân duy nhất, không thay đổi trong suốt cuộc đời kể cả việc người đó có sự thay đổi vè thông tin nhân thân hay thay đổi nơi cư trú và là số định danh cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo đảm các giao dịch và các lợi ích hợp pháp của công dân; quá trình cấp căn cước công dân mới sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử phục vụ cho việc cấp đổi, cấp lại căn cước công dân cho công dân, phục vụ việc quản lý dân cư và ngoài ra còn sử dụng phục vụ rất hiệu quả cho công tác phòng, chống tội phạm.
Có rất nhiều người dân thắc mắc việc thay đổi nơi thường trú và bắt buộc phải thay đổi CMND nhưng CMND cũ lại bị mất có gặp nhiều khó khăn trong việc xin xác nhận và xin cấp đổi CMND ở nơi thường trú mới. Tổng cục Cảnh sát sảnh sát đã có văn bản để chấn chỉnh việc đó, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được làm thẻ CCCD.
Ví dụ như người dân từ TP HCM ra Hà Nội sinh sống thì chỉ đến cơ quan cấp CCCD ở Hà Nội làm thủ tục thôi, người dân không phải về TP Hồ Chí Minh xin xác nhận nữa. Nếu chưa có hồ sơ thì Công an ở Hà Nội sẽ đề nghị Công an ở TP.HCM chuyển hồ sơ ra.
Do có sự chuẩn bị chu đáo về nghiệp vụ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật nên việc triển khai thực hiện cấp thẻ căn cước công dân theo Luật căn cước công dân tại 16 địa phương đã diễn ra thuận lợi, chính xác, nhận được sự đồng thuận của người dân. Bên cạnh đó, Công an các địa phương phối hợp với UBND, các đoàn thể chính trị xã hội của đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là đối với những công dân từ đủ 14 tuổi trở lên nghiêm túc thực hiện Luật Căn cước công dân.
Việc triển khai thực hiện luật có hiệu quả luật CCCD là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Từ năm 2012 đến 15-3-2017 tính cả CMND 12 số và thẻ căn cước công dân đã cấp cho trên 5,6 triệu người. 16 địa phương đã được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để cấp CCCD từ đầu năm 2016 theo đúng quy định của Luật CCCD gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TP.HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: Vừa thuận tiện, vừa đáp ứng yêu cầu quản lý.
Là người tham gia vào ban thẩm tra dự thảo Luật tôi đánh giá cao vai trò của thẻ CCCD trong việc quản lý người dân, tạo thuận lợi cho nhân dân trong các giao dịch và góp phần vào công tác phòng chống tội phạm. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ luật, xây dựng từ yêu cầu thực tiễn về quản lý Nhà nước trong quản lý công dân nhằm tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình đối với việc giao dịch với các cơ quan Nhà nước.
So với các nước thì công tác quản lý CMND ở nước ta trước đây còn nhiều bất cập, ví dụ 1 công dân có thể có nhiều số CMND khác nhau, việc cấp đổi chưa thực sự thuận lợi. Các quy định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hành chính liên quan đến quản lý công dân tồn tại rất nhiều loại giấy tờ. Do đó khi công dân đến giao dịch với các cơ quan Nhà nước và các giao dịch dân sự khác thì phải xuất trình rất nhiều giấy tờ, gây khó khăn cho công dân và công tác quản lý Nhà nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực khác nhau.
Ví dụ công dân đến giao dịch với ngân hàng ngoài việc xuất trình CMND còn phải xuất trình hộ khẩu; tương tự ngành điện, bảo hiểm y tế… cũng vậy, gây bất tiện cho người dân. Tôi có tham quan một số nước thấy rằng khi công dân đến các cơ quan chỉ cần xuất trình một loại giấy tờ là căn cước công dân thì có thể giải quyết được tất cả mọi việc. Nhà nước cũng chỉ cần có thẻ căn cước là xác định được nhân thân của con người đấy.
Việc cấp thẻ một mặt giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ được công dân của mình, một mặt tạo điều kiện thuận lợi của người dân trong giao dịch đi lại, chứng minh nhân thân của mình, phục vụ các hoạt động trong đời sống xã hội. Chính vì vậy khi Chính phủ trình Quốc hội thì Quốc hội thống nhất rất cao và đồng ý việc ban hành để triển khai đồng bộ, có lộ trình cho việc chuyển đổi cấp CMND sang cấp thẻ căn cước.
Nét nổi bật nhất của thẻ CCCD là giúp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là tạo ra cơ sở dữ liệu dùng chung trong các lĩnh vực, các ngành trong khai thác thông tin của công dân. Lấy cơ sở dữ liệu công dân là thông tin gốc, đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý thông tin của công dân.
Một mặt đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, mặt khác đảm bảo sự thuận tiện, tính bí mật thông tin cá nhân của công dân, tránh chuyện chồng chéo, đặt ra các quy định riêng của từng lĩnh vực, bộ, ngành trong sử dụng thông tin cá nhân như thời gian trước khi có Luật Căn cước công dân và thẻ căn cước công dân.
Điểm mới thứ hai là việc quy định số định danh cá nhân của công dân (như một cái tên của Nhà nước đặt cho công dân, mỗi công dân chỉ có một số định danh, được dùng trong suốt cuộc đời của mình), là cơ sở để ứng dụng các công nghệ thông tin trong việc quản lý các công dân. Nhìn chung, việc chuyển đổi từ CMND sang thẻ căn cước công dân là bước chuyển mình tất yếu. Hơn ai hết, mỗi sự thay đổi đều hướng tới sự phát triển và mục tiêu vì sự thuận tiện cho người dân.