Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015):

Về căn cứ U Minh Thượng, đắm mình trong những câu chuyện của An ninh Khu IX…

Thứ Sáu, 17/04/2015, 09:12
Giữa những ngày tháng tư lịch sử, chúng tôi về U Minh Thượng – địa danh gắn liền với bao thế hệ cha anh đi trước, trong đó có lực lượng An ninh Khu IX (nay là lực lượng CAND) đã nêu cao phẩm chất cách mạng, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, chiến đấu và trưởng thành trong máu lửa chiến trường khốc liệt, góp phần vào rất quan trọng cho Chiến dịch Mùa xuân 1975 mang tên Bác…

Những ngày này, người dân vùng Miệt Thứ Anh hùng còn vui mừng trước sự kiện Bộ Công an phối hợp cùng tỉnh Kiên Giang tổ chức khánh thành Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX.

Thượng tá Phạm Hoàng Kiệt – Trưởng Công an huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) nói với PV Báo CAND rằng địa danh U Minh Thượng giờ đã là tên huyện được thành lập sau này nhưng trước đây, đó là tên gọi chung cho 3 huyện An Minh, An Biên và Vĩnh Thuận. Đó là căn cứ cách mạng trong các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và có lúc là căn cứ của nghĩa quân Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Đồng chí Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; đồng chí Trung tướng Bùi Quang Bền - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nghe Ban tổ chức báo cáo công tác chuẩn bị khánh thành Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX.

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nơi đây là căn cứ của Quân khu IX, Xứ uỷ, Trung ương Cục Miền Nam, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ. U Minh Thượng có kinh xáng Chắc Băng là trung tâm khu tập kết 200 ngày thi hành Hiệp định Giơnevơ của miền Nam. 

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Kiệt và một số đồng chí lão thành Cách mạng xây dựng lại cơ sở, gây dựng lại phong trào. Và từ đó, U Minh Thượng là căn cứ Cách mạng của Liên Tỉnh ủy miền Tây (sau được đổi tên là Khu Tây Nam Bộ, tức Khu IX), Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, là nơi thành lập Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá,….

Sở dĩ nơi đây được chọn làm vùng căn cứ địa cách mạng lâu đời, xuyên suốt qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh Mỹ, là nơi dung trú, xúc tích lực lượng và xuất phát tấn công địch – theo Thượng tá Phạm Hoàng Kiệt là do người dân U Minh Thượng mang trong mình dòng máu bất khuất; có truyền thống cần cù lao động sản xuất; đóng góp sức người và của, bảo vệ cách mạng – đặc biệt là bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não cách mạng các cấp đóng trên địa bàn.

Thứ trưởng Bùi Quang Bền kiểm tra công tác chuẩn bị cho Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử Khu An ninh IX.

Chính nhờ yếu tố hết sức quan trọng này mà tại đây, lãnh đạo Khu ủy Khu IX và Tỉnh ủy Rạch Giá đã bám đất, bám dân, xây dựng căn cứ trong rừng, trong lòng dân để lãnh, chỉ đạo LLVT cùng nhân dân trên địa bàn tiến hành cuộc kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ, hy sinh, tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn giải phóng tỉnh Rạch Giá (nay là Kiên Giang) nói riêng và Khu IX, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đối với lực lượng An ninh Khu IX, đứng giữa U Minh Thượng Anh hùng, chúng tôi được nghe kể thêm: Sau hiệp định Giơnevơ 1954, Công an Nam bộ tuy giải thể, nhưng do yêu cầu bảo vệ các tổ chức Đảng, đặc biệt là bảo vệ cơ quan Xứ ủy đóng chân tại miền Tây Nam bộ, các Ban địch tình của Khu ủy và của các Tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ được thành lập. Đây là tổ chức tiền thân của lực lượng An ninh Khu IX và là một trong những lực lượng nòng cốt của phong trào cách mạng miền Tây Nam Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tháng 3/1962, khi Liên tỉnh miền Tây được đổi tên gọi là Khu Tây Nam Bộ. Trước đó, vào cuối năm 1961, Ban an ninh Khu được thành lập tại kênh 9, xã Trí Phải, huyện Thới Bình (Cà Mau) nay thuộc vùng U Minh Thượng. Lúc mới thành lập, chỉ có 12 đồng chí nhưng cán bộ, chiến sĩ của Ban An ninh Khu IX luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Khu ủy, nêu cao phẩm chất cách mạng, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, vừa chiến đấu vừa trưởng thành trong máu lửa của chiến tranh khốc liệt.

Từ vị trí Thường vụ Khu ủy, Trưởng Ban An ninh Khu IX, đồng chí Lâm Văn Thê (người từng 2 lần giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, sau này có thời gian là Thứ trưởng Bộ nội vụ, nay là Bộ Công an - PV), trực tiếp tổ chức và chỉ đạo Ban An ninh các tỉnh Tây Nam Bộ xây dựng mạng lưới An ninh nhân dân, mạng lưới điệp báo chống tình báo địch, bảo vệ vững chắc căn cứ Cách mạng, bảo vệ phong trào quần chúng đấu tranh với địch. 

Hình ảnh được phục dựng trong Nhà trưng bày tại Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX.

Được sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh đạo Khu ủy, được nhân dân hết lòng đùm bọc, chở che, các lực lượng, đơn vị thuộc An ninh khu IX đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, một lòng tận trung với Đảng; kiên trì bám đất, bám dân, vận động và tổ chức quần chúng nhân dân đấu tranh chống phản cách mạng, hợp đồng chặt chẽ cùng các lực lượng cách mạng, bảo vệ Khu ủy, Tỉnh ủy.

Lực lượng An ninh Khu IX đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cách mạng khác đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Đẩy lùi 3 chiến dịch càn quét liên tục từ cuối năm 1969 đến đầu năm 1972, hòng “Nhổ cỏ U Minh” của địch. Cùng với quân và dân miền Tây Nam Bộ đã đồng loạt tấn công, nổi dậy, góp phần quan trọng vào chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chúng tôi được nghe kể trong giai đoạn từ tháng 6/1969 đến cuối năm 1971, địch mở 3 cuộc hành quân quy mô cấp quân đoàn, thực hiện kế hoạch bình định, lấn chiếm U Minh Thượng, vừa đánh đường hành lang 1C chuyển quân, vũ khí từ TW chi viện cho miền Tây Nam Bộ . 

Trong thời gian ác liệt này, cơ quan của Khu ủy và Tỉnh ủy Rạch Giá liên tục di dời, có lúc từ Xẻo Gia (Vĩnh Bình Bắc) về ấp Khân (xã Vĩnh Hòa), ven rừng U Minh Thượng. Cùng với nhiều bộ phận trọng yếu khác, lực lượng An ninh phải chiến đấu trong tình cảnh phải chống chọi với muỗi; lúc quá khó khăn, có những ngày không có gạo ăn, phải ăn cá, rau trừ cơm.

Có một sự kiện lịch sử không thể nào quên và đó cũng là một trong những trận chiến đấu nhớ đời của lực lượng An ninh. Vào ngày 12/3/1971, tại căn cứ Xẻo Quao, xã An Hòa, huyện An Biên, có cuộc hội nghị quan trọng có mặt của các đồng chí lãnh đạo Khu uỷ Khu IX, Khu Sài Gòn – Gia định như: Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Vũ Đình Liệu, Trần Văn Long, Trần Ngọc Hưng, Trần Hải Phụng, cùng nhiều sĩ quan tham mưu. 

Tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc trong khuôn viên Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX.

Cuộc hội nghị bị lộ. Địch lập tức cho máy bay các loại dọn bãi, dùng pháo binh đánh phá vào khu vực hội nghị và cho một đại đội trinh sát của trung đoàn 33, sư đoàn 21 nhảy dù.

Với tinh thần quả cảm, ngoan cường, quyết tâm bảo vệ Đảng, cán bộ, đơn vị đã đã chia ra thành nhiều tổ, vượt qua làn mưa bom, đạn pháo của địch, đẩy lùi 4 đợt tấn công của địch. Trận này, người đội trưởng mưu trí Phạm Văn Hớn (Mười Thành) cùng 3 chiến sĩ khác (cùng thuộc Đội an ninh vũ trang bảo vệ Tỉnh ủy Rạch Giá) đã anh dũng hy sinh (sau này đã được tuyên dương AHLLVTND). Bọn địch phải trả giá bằng 35 tên chết, bị thương (có 2 tên cấp uý) và bị rớt một trực thăng.

Trước và trong ngày 30/4/1975, lực lượng An ninh Khu IX đã phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả với các lực lượng, các mũi tiến công, đúng theo phương án mà lãnh đạo cấp trên đã đề ra, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân lịch sử…

Tôi nhớ tại lễ mừng công An ninh khu IX cùng 2 cá nhân (là đồng chí Ngô Quang Hớn và đồng chí Lê Tiền – nguyên phó trưởng Ban An ninh Khu IX) được tuyên dương Anh hùng LLVTND vào ngày 12/8/2010 được Bộ Công an long trọng tổ chức tại TP biển Rạch Giá, đồng chí Trần Đại Quang – Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Công an - PV), xúc động phát biểu nhấn mạnh: 

“Để có được những chiến công xuất sắc, biết bao đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh trong những trận chiến không cân sức. Sự hy sinh lẫm liệt của các anh hùng liệt sĩ; phẩm chất trung dũng, kiên cường, tinh thần và nghị lực phi thường của thế hệ An ninh nói chung, An ninh Khu IX nói riêng thời kỳ chống Mỹ, cứu nước không chỉ là tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng, mà còn là nguồn tài sản vô giá cho thế hệ CAND noi theo, làm hành trang cho mình để sống và chiến đấu”.

Để tri ân những chiến công, sự hinh sinh cao cả và đáp ứng nguyện vọng của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ An ninh Khu IX, Công an các tỉnh Tây Nam Bộ; đồng thời để giáo dục truyền thống đối với lực lượng CAND và các thế hệ sau này, trước đó, vào ngày 30/6/2010, Đảng ủy Công an TW và lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định xây dựng Di tích lịch sử An ninh Khu IX tại xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng.

Chiều 16/4, gặp chúng tôi trước tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc nằm trong khuôn viên Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX trước giờ khánh thành, Thiếu tá Phan Hoài Phong – Phó Trưởng Ban quản lý Khu di tích, thuộc Phòng công tác  Chính trị Công an tỉnh Kiên Giang, bộc bạch: “Lớp trẻ chúng tôi đi giữa màu xanh của U Minh Thượng mà cảm nhận được giá trị của sự yên bình. Càng tự hào về những trang sử hào hùng, càng nhận thức được trách nhiệm của mình hôm nay”.

Đến U Minh Thượng hôm nay, du khách không chỉ đắm mình trong những câu chuyện lịch sử mà còn nghe chuyện Công an địa phương luôn vượt mọi khó khăn, ngày đêm, giữ gìn ANTT địa bàn; đặc biệt được nghe những câu dân gian từ thuở cha ông “mang gươm đi mở cõi” cách nay trên 300 năm, chuyện rắn, chuyện ong, chuyện cá đồng, cá sấu, chim muông,… Du khách sẽ cảm thấy lý thú khi tìm hiểu hàng lọat địa danh của Miệt Thứ (từ Thứ Nhất đến thứ Mười Một, xen kẽ đó là Ba Rưỡi, Chín Rưỡi, Mười Rưỡi), Xẻo Rô, rạch Bà Cư, Nằm Bếp, Chà Và, Ngã ba Tàu, Chắc Băng, rạch Ông Lang, Xẻo Ngát, Xẻo Lá;...

Tối hôm nay 16/4, Ban tổ chức đã long trọng tổ chức lễ an vị tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời làm lễ cầu siêu cho hơn 5.000 liệt sĩ. 

Cùng chiều hôm nay, đồng chí Thượng tướng Đặng Văn Hiếu - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; đồng chí Trung tướng Bùi Quang Bền - Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nghe Ban tổ chức báo cáo công tác chuẩn bị khánh thành Khu di tích lịch sử An ninh Khu IX.

Thái Bình
.
.