Lực lượng Công an triển khai nhiều phương án giúp người dân vùng lũ

Thứ Tư, 11/10/2017, 08:43
Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng chục CBCS đến các địa bàn trọng điểm, kiên cố lại các vị trí đê xung yếu có nguy cơ bị vỡ, tổ chức giúp đỡ người dân, kiên cố lại nhà cửa và đưa đến vị trí an toàn.


Tiếp tục chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới, trong 3 ngày qua trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tình hình mưa lớn kéo dài, lượng nước ở thượng nguồn đổ về mạnh cùng với việc xả lũ đã làm cho nhiều vùng bị ngập lụt nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản.

Chiều ngày 10-10 đoạn sông Yên chảy qua địa bàn huyện Tĩnh Gia, nước sông dâng nhanh đã làm nhiều đoạn đê xung yếu bị tràn qua, khiến nhiều nhà dân tại xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia đã bị ngập, nhiều khả năng bị cô lập. Nắm được tình hình, Phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa đã điều động hàng chục CBCS cùng các phương tiện đến giúp đỡ người dân di dời tài sản và gia cố nhà cửa.

Cùng với đó để đề phòng nguy cơ vỡ đê tại các vị trí có nguy cơ cao, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh đã huy động hàng chục CBCS đến các địa bàn trọng điểm, phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng kiên cố lại các vị trí đê xung yếu có nguy cơ bị vỡ, tổ chức giúp đỡ người dân kiên cố lại nhà cửa và đưa đến vị trí an toàn. Tổ chức công tác tuyên truyền vận động người dân chèo chống nhà cửa và di tản không cố thủ ở trong nhà.

Riêng sáng 11-10-do tình hình lũ tại các sông trên địa bàn tỉnh vẫn có diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều xã trên địa bàn huyện Thường Xuân, huyện Lang Chánh đã bị cô lập hoàn toàn, nhiều người dân bị mắc kẹt.

Ngay từ sáng sớm, Cảnh sát PCCC tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để triển khai cứu nạn cứu hộ, huy động thêm lực lượng, phương tiện, lương thực giúp đỡ người dân tại vùng lũ.

Công tác CNCH tại huyện Tĩnh Gia.

Ngay sau đó, CBSC cùng với phương tiện CNCH, cano, thuyền thúng, phao bơi và nhiều lương thực, thực phẩm đã được những người chiến sỹ mang đến xã Xuân Dương, huyện Thường Xuân và các địa bàn ngập lụt khác cùng với người dân chiến đấu trong cơn lũ.

Thực phẩm được đưa đến nơi an toàn. Ảnh: Thái Thanh.

Mưa to còn kéo dài đến 12/10

Sau khi đi vào Hà Tĩnh - Quảng Bình rạng sáng nay, áp thấp nhiệt đới đã sang Lào lúc 10h. Hoàn lưu áp thấp kết hợp với gió đông gây mưa to cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) từ đêm qua đến sáng nay, phổ biến 100-200 mm. Một số nơi trên 200 mm, như: Phủ Lý (Hà Nam); TP Thanh Hóa; Quỳnh Lưu, TP Vinh (Nghệ An); Hương Sơn (Hà Tĩnh) 277 mm…

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, hiện phía bắc có khối không khí lạnh di chuyển xuống, gió đông trên cao tiếp tục hoạt động mạnh. Do đó từ chiều nay đến ngày 12/10, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ còn mưa. Riêng đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa to.

Tổng lượng mưa phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 200 mm. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh vùng núi như: Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình. Ngập úng ở vùng trũng thấp và các đô thị có khả năng xảy ra tại Hà Nội, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình.

Mưa lớn, thuỷ điện Hoà Bình mở 5 cửa xả đáy

Lúc 4h sáng 11/10, Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương phòng chống lụt bão đã có điện khẩn về việc Thuỷ điện Hoà Bình xả lũ.

Theo đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp gây mưa to, mực nước đổ về hồ tăng nhanh, trong ngày 10/10, Ban chỉ đạo có công điện yêu cầu Thuỷ điện Hoà Bình mở 1 cửa xả đáy vào 7h ngày 11/10.

Tuy nhiên do lượng nước tiếp tục về hồ nhanh hơn dự báo, Thuỷ điện Hoà Bình đã chủ động mở 4 cửa xả đáy vào tối ngày 10 và rạng sáng 11/10. Hiện lưu lượng nước về hồ tiếp tục cao, Thuỷ điện Hoà Bình sẽ phải tiếp tục mở cửa xả đáy trong thời gian tới.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thuỷ điện Hoà Bình, 6h sáng 11/10, Ban chỉ đạo đã yêu cầu Thuỷ điện Sơn La dừng tất cả các tổ máy phát điện, không xả nước về hạ du.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ gây ra, Ban chỉ đạo đề nghị các tỉnh, thành hạ du thuỷ điện Hoà Bình thông báo đến người dân, tổ chức hoạt động trên sông, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản biết thông tin; đồng thời rà soát các phương án chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là đê điều.

Trước đó, đợt mưa lũ kéo dài hơn một tháng khiến mực nước thượng nguồn lên cao, thuỷ điện Hoà Bình phải mở ba cửa xả hồi cuối tháng 7. Việc này dù không tác động tới các điểm xung yếu của hệ thống đê điều, nhưng làm 170 tấn cá lồng bè của dân chết, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn cấp ứng phó mưa lũ và đảm bảo an toàn hồ đập

Theo dự báo, mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp, nhất là trên hệ thống sông Hồng, sông Hoàng Long, sông Mã. Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương chủ động triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ, tập trung một số nhiệm vụ sau:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tiếp tục kiểm tra, rà soát, chủ động sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, khu vực hạ lưu các hồ đập có nguy cơ xảy ra sự cố để bảo bảo an toàn tính mạng cho người dân. Bằng mọi biện pháp tiếp cận các khu dân cư còn bị cô lập do ngập sâu, hỗ trợ sơ tán bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói. Chủ động bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn. Triển khai các biện pháp bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập trên địa bàn. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường.

Đối với các địa phương ở hạ lưu hệ thống sông Hồng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố sau đập thủy điện Hòa Bình cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ và kế hoạch xả lũ của các hồ thủy điện; triển khai ngay phương án phòng, chống lũ theo cấp báo động, tập trung bảo vệ hệ thống đê điều, nhất là tại các khu vực trọng điểm xung yếu; bằng mọi biện pháp thông báo kịp thời thông tin mưa lũ đến người dân sinh sống hoặc có các hoạt động trên sông, ven sông để chủ động phòng, chống; tổ chức rà soát, chủ động sơ tán các hộ dân sinh sống ngoài bãi sông khi có nguy cơ xảy ra ngập sâu.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, tổ chức vận hành an toàn các hồ đập và công trình thủy lợi, giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, hoạt động thủy sản, nhất là các hoạt động trên sông và ven sông Hồng.

3. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị quản lý hồ đập thủy điện triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện và hệ thống điện; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc vận hành các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa lớn trên hệ thống sông Hồng, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

4. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố trong các đợt mưa lũ vừa qua; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực trọng điểm, xung yếu có nguy cơ sạt lở để sẵn sàng khắc phục ngay khi xảy ra sự cố; chỉ đạo bảo đảm an toàn đối với các hoạt động giao thông vận tải thủy.

5. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng hỗ trợ địa phương tổ chức sơ tán dân cư và cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tăng mật độ bản tin dự báo phục vụ công tác chỉ đạo vận hành các hồ chứa, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân chủ động ứng phó.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng tăng tần suất, thời lượng phát sóng, đưa tin kịp thời về diễn biến mưa, lũ, chỉ đạo ứng phó của các cơ quan chức năng, nhất là thông tin xả lũ đột xuất của các hồ chứa để các cơ quan và người dân biết, chủ động các biện pháp ứng phó, tránh tư tưởng chủ quan.

8. Các Bộ ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp với các địa phương sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với mưa lũ theo quy định.

9. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; quyết định ban hành lệnh vận hành các hồ chứa thủy điện lớn theo Quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình đầu mối, an toàn vùng hạ du, nâng cao hiệu quả phát điện; kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của các Bộ, ngành và địa phương triển khai các biện pháp ứng phó; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền.


Đức Hòa - Cao Hường - chinhphu.vn
.
.