Căn cước công dân gắn chíp điện tử - bước đột phá cải cách hành chính

Thứ Sáu, 18/12/2020, 07:47
Theo Đại tá Lê Công Vân, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hồ Chí Minh, thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử có nhiều ưu điểm, lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn, có thể tích hợp thêm các thông tin của các bộ, ngành khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe… phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay.


Đặc biệt, mức độ bảo mật rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên CCCD gắn chíp là không thể thay đổi và không thể giả mạo.

Để giúp bạn đọc và người dân hiểu rõ hơn xung quanh vấn đề Bộ Công an triển khai việc cung cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Công Vân, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh.

PV: Thưa Đại tá Lê Công Vân, xin ông cho biết lý do của việc thay đổi và cấp CCCD gắn chíp điện tử ?

Đại tá Lê Công Vân: Việc thay đổi và cấp CCCD gắn chíp điện tử là sự thay đổi mang tính tất yếu. Bởi trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an được giao trọng trách xây dựng dự án Luật Cư trú (sửa đổi); dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) và dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD, trong đó đổi mới quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng số giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin. Quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên CSDLQGVDC và cấp CCCD có gắn chíp điện tử thay cho thẻ mã vạch như hiện nay.

Đại tá Lê Công Vân, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP Hồ Chí Minh.

Việc cấp CCCD có gắn chíp để phục vụ công tác quản lý Nhà nước được đồng bộ từ cấp Trung ương đến cấp phường, xã, thị trấn và hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và phù hợp với xu thế nhiều nước trên thế giới vì tính tiện ích, cũng như tạo sự thuận lợi cho công dân khi thực hiện các giao dịch, dịch vụ trực tuyến.

PV: Ở địa bàn TP Hồ Chí Minh, hiện tại Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai việc này như thế nào? 

Đại tá Lê Công Vân: Thực hiện Hướng dẫn số 6397/C06-TTDLDC ngày 30/10/2020 của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH Bộ Công an về thực hiện việc cấp CCCD trên phạm vi toàn quốc, ngày 3/12/2020, Công an TP Hồ Chí Minh đã ban hành Hướng dẫn số 2625/CATP-PC06 thực hiện việc cấp CCCD trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Để việc chuyển đổi sang thẻ CCCD gắn chíp điện tử được thực hiện đồng bộ và góp phần hoàn thành chỉ tiêu của Bộ Công an cấp 50 triệu thẻ được thuận lợi trên phạm vi toàn quốc, trước mắt, từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/7/2021, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức cấp CCCD cho các nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên thường trú, tạm trú chưa được cấp CCCD (nhân khẩu thường trú cấp trước, nhân khẩu tạm trú cấp sau và khuyến khích nhân khẩu tạm trú là người thường trú thuộc các tỉnh, thành phố giáp ranh, gần địa bàn TP Hồ Chí Minh trở về nơi đăng ký thường trú để làm CCCD) tại trụ sở tiếp dân Công an quận, huyện; Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (địa chỉ số 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1), đồng thời tổ chức cấp lưu động tại địa bàn phường, xã, thị trấn - nơi công dân đang cư trú. Điểm mới trong việc cấp CCCD ngoài những thủ tục hồ sơ theo quy định thì công dân không phải kê khai tờ khai CCCD.

TP Hồ Chí Minh có thuận lợi là trong 24 quận, huyện, Cảnh sát QLHC và Cảnh sát khu vực của 19 quận, huyện đã được đào tạo cơ bản các nghiệp vụ công tác chuyên môn quản lý hành chính cho nên việc này được triển khai đến người dân khá tốt, sẽ đạt yêu cầu về thời gian đã đề ra.

PV: Đại tá Lê Công Vân có thể cho biết tiến độ công việc mà Công an TP Hồ Chí Minh đang thực hiện?

Đại tá Lê Công Vân: Công an TP Hồ Chí Minh sẽ chủ động rà soát, lập danh sách và tổ chức cấp lưu động tại địa bàn phường, xã, thị trấn (theo hình thức cuốn chiếu từng đơn vị) cho người từ đủ 14 tuổi trong diện được cấp CCCD đang cư trú trên địa bàn, kể cả người sống trên vùng sông nước, tại trụ sở các đơn vị cho người từ đủ 14 tuổi trong diện được cấp CCCD đang là học sinh, sinh viên các trường trú đóng trên địa bàn; công nhân viên chức trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn, lực lượng vũ trang, công nhân đang cư trú trong các khu nhà ở tập thể, ký túc xá công nhân, cơ sở tôn giáo, trung tâm bảo trợ xã hội... trên địa bàn.

Đồng thời, nhằm tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, Công an TP Hồ Chí Minh yêu cầu CBCS trực thuộc trong diện được cấp CCCD phải tiên phong đi đầu làm thủ tục đổi từ CMND 9 số sang thẻ CCCD.

Đối với trường hợp đang sử dụng CMND 12 số và CCCD mã vạch vẫn tiếp tục được sử dụng đến khi thẻ hết giá trị sử dụng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện các giao dịch, cải cách hành chính hướng tới thực hiện Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến khích công dân thực hiện đổi thẻ CCCD mã vạch sang thẻ CCCD gắn chíp điện tử.

PV: Vậy việc cung cấp thẻ CCCD gắn chíp điện tử, người dân sẽ được hưởng những lợi ích gì?

Đại tá Lê Công Vân: Thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí. Bởi khi người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ sử dụng thẻ CCCD thực hiện các giao dịch, đi lại. Ngoài ra, trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ CCCD thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Chưa kể việc quản lý cư trú từ phương thức thủ công bằng số giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng công nghệ thông tin (quản lý dân cư thông qua phương thức mới bằng mã số định danh cá nhân trên CSDLQGVDC) giúp thời hạn giải quyết đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho công dân cũng đơn giản, rút ngắn về cả thủ tục và thời gian.

Từ CSDLQGVDC, các bộ, ngành có thể tra cứu các thông tin như: Di biến động về tình hình dân cư, số lượng người đến độ tuổi lao động tại các địa phương, từ đó có thể bố trí, sắp xếp các khu kinh tế trọng điểm tại địa phương mình; số lượng trẻ dưới 14 tuổi và trên 14 tuổi để sắp xếp xây dựng các trường hợp...

PV: Hiện nay có thông tin một số người dân lo ngại sẽ lộ lọt thông tin hay bị ảnh hưởng đời tư khi có nhiều thông tin cá nhân tích hợp trong thẻ CCCD gắn chíp điện tử. Ngoài ra, còn có cả lo ngại thẻ này có thể bị làm giả, ông nhận định thế nào trước ý kiến này?

Đại tá Lê Công Vân: Khi đề xuất sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử, Bộ Công an đã xây dựng phương án đảm bảo tính bảo mật thông tin được lưu trữ trên chíp. Phương án này được các đơn vị chuyên môn đánh giá, nghiệm thu đảm bảo bảo mật trước khi đưa vào phát hành sử dụng rộng rãi trong xã hội.

Chíp được gắn trên thẻ CCCD là để lưu trữ các thông tin của công dân trên thẻ CCCD với mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại, nâng cao hiệu quả của Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Đặc biệt, chíp gắn trên thẻ CCCD không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chíp tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm.

Hơn nữa, chíp điện tử sử dụng trên thẻ CCCD tuân thủ quy định bảo mật của thế giới và Việt Nam, trên chíp có thực hiện ký số do vậy khó có thể làm giả, đảm bảo độ tin cậy trong thực hiện các giao dịch. Chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như dấu vân tay) cho phép xác thực đảm bảo chính xác, giảm thiểu mọi nguy cơ về giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật, nhất là trong các giao dịch tài chính.

PV: Xin cảm ơn Đại tá Lê Công Vân về cuộc trao đổi này!

Phú Lữ (thực hiện)
.
.