Các anh đã thực hiện đúng lời thề thiêng liêng của người chiến sĩ CAND
- Bộ trưởng Tô Lâm: Các cán bộ chiến sĩ đã hi sinh vì bình yên cuộc sống của nhân dân
- Truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho 3 cán bộ chiến sĩ hi sinh tại Đồng Tâm
- Chia buồn với gia đình 3 cán bộ, chiến sỹ hi sinh tại xã Đồng Tâm
Nhà Đại tá Nguyễn Huy Thịnh nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn Vàng 3, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đó là ngôi nhà cũ được bố mẹ anh tự đóng gạch, đắp đất xây từ năm 1979 nằm khuất sau vườn rau, phía trước khoảng sân gạch được kê vội vài dãy ghế để xóm giềng, đơn vị đến chia buồn.
Sau khi Đại tá Nguyễn Huy Thịnh cùng 2 đồng đội hy sinh, chiều 9-1, Thiếu tướng Phạm Văn Bảng, Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh CSCĐ đại diện lãnh đạo đơn vị đã đến gia đình báo tin buồn, động viên chia sẻ với thân nhân anh Thịnh. Những cái nắm tay chặt, những lời nói nghẹn ngào không ngăn được dòng nước mắt.
Bộ trưởng Tô Lâm thăm hỏi, động viên vợ và các con của Đại tá Nguyễn Huy Thịnh. |
Từ thời khắc đó, Thượng tá Vũ Văn Khánh, Phó Trung đoàn Trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô cùng đồng đội đã ở cùng gia đình để động viên, phối hợp lo tang lễ cho anh Thịnh. Và cũng từ lúc đó, trong ngôi nhà này, hầu như chưa ai chợp mắt. Kể cả các đồng đội của anh như Thượng tá Vũ Văn Khánh, Trung tá Nguyễn Huy Trụ...
Phóng viên Báo CAND thăm hỏi, động viên gia đình Đại tá Nguyễn Huy Thịnh. |
Mẹ anh – bà Hoàng Thị Phúc – người phụ nữ từng tham gia thanh niên xung phong, từng vào sinh ra tử trong chiến tranh nhưng cũng gục ngã. Em rể anh – Thượng tá Phùng Toàn Thắng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc Bộ - cũng là người đồng đội cùng đi lính một ngày, cùng rèn luyện trong trường Cảnh sát đặc nhiệm vốn cứng cỏi là thế cũng lấy tay lén lau dòng nước mắt trước sự ra đi của người anh vợ - người đồng đội thân yêu.
Cháu Nguyễn Gia Huy, SN 2000, con trai đầu Đại tá Nguyễn Huy Thịnh kể trong nước mắt: “Khoảng 7h tối 8-1, cháu đi đá bóng về thì bố đã nấu cơm xong. Lúc đó, mẹ đưa em đi học. Cháu định đi tắm nhưng bố bảo xới cho bố bát cơm bố ăn còn đi công tác”. Bố chỉ ăn 1 bát cơm rồi bảo: “Đêm nay bố phải hành quân rồi, con không được nói với ai, ai hỏi chỉ bảo bố đi trực nhé. Con ở nhà chăm sóc mẹ và em”. Trước lúc bố đi, bố còn nhắc lại “bố đi đây...”.
Mặc dù bố đi công tác hàng trăm lần rồi nhưng lúc bố nói thế, cháu thấy trong lòng lo lắng nên hỏi bao giờ bố về, bố bảo: “Yên tâm đi, mai kia bố về, bố còn đi lớp bồi dưỡng cán bộ”. Đến sáng hôm sau, cháu đọc trên mạng thấy thông tin có 3 cán bộ chiến sỹ Công an hi sinh ở Đồng Tâm, cháu xem, thấy lo lắm. Rồi trong các comment có người bình rằng: “ông bác hy sinh rồi” – cháu nghĩ, đó phải là người lớn tuổi. Rồi đọc những dòng comment tiếp theo thì thấy tên bố cháu. Cháu rụng rời chạy vào đơn vị bố. Chẳng ai nói với cháu là bố hy sinh, nhưng nhìn ánh mắt họ, cháu hiểu đã mất bố rồi. Cháu chạy về nhà tìm mẹ, tìm em…”.
Từ khi biết tin con trai hy sinh, mẹ Đại tá Nguyễn Huy Thịnh hầu như không ăn, không ngủ được. Khi thấy chúng tôi – đồng đội của anh đến thăm, bà gượng dậy.
Ngôn ngữ mộc mạc, chân thành, bà nói về con trai cả trong nước mắt: “Nhiều năm nay nó có về ăn Tết đâu. Gần nhất là hôm mùng 6 nó về gặp tôi, hỏi nó năm nay có về ăn Tết không thì nó bảo con chưa biết, công việc còn bộn bề lắm, may ra thì sau Tết con về. Thế mà, cả nhà đang chuẩn bị đón Tết thì nó đi mất. Biết bao giờ gặp được con…”.
Bà bảo, anh Thịnh đi Công an gần 30 năm nhưng chỉ dăm năm ăn Tết ở nhà còn thường phải trực, hết Tết mới về nên năm nào bà cũng mong gia đình có cái Tết trọn vẹn bên nhau.
Thượng tá Vũ Văn Khánh kể về người đồng đội của mình bằng sự trân trọng rằng, Đại tá Nguyễn Huy Thịnh là một cán bộ năng nổ, tận tâm và trách nhiệm. Là cán bộ chịu khó học hỏi và rèn luyện bản lĩnh, anh luôn hoàn thành tốt công việc của người lãnh đạo, chỉ huy.
|
Theo nguyện vọng của gia đình, Đại tá Nguyễn Huy Thịnh sẽ được đưa về nghĩa trang liệt sỹ xã Cổ Bi, vùng quê thanh bình nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi có mẹ, có anh chị em luôn thương nhớ và tự hào về anh...
Trưa 9-1, hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội về người vợ trẻ bên chồng là chiến sỹ Công an với dòng chữ nghẹn ngào: “Chồng ơi, sao lại là anh…” khiến người xem không ai cầm được nước mắt. Một trong 3 người hi sinh hôm đó, Thượng úy Phạm Công Huy, cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an TP Hà Nội – chồng chị Như Quỳnh – người chia sẻ dòng chữ nghẹn ngào trên. Nhưng chồng của người vợ trẻ đó, bố của cô con gái 6 tháng tuổi sẽ không bao giờ có thể nghe và trả lời câu hỏi ấy. Bởi anh đã ra đi mãi mãi...
Cho đến khi đồng đội, bà con xóm giềng đến chia buồn, chị Quỳnh dường như vẫn chưa tin được chồng đã hi sinh. Bởi chị còn nhớ như in cuộc điện thoại vào tối 8-1, anh bảo, anh phải đi công tác vài ngày, điện thoại chập chờn nên không liên lạc được, mới nhận lương nên sẽ chuyển ngay cho vợ để chi tiêu, mua sữa cho con. Chỉ vài phút sau, chị Quỳnh đã nhận được tiền lương anh chuyển về. Thế nên, khi nghe tin anh ra đi mãi mãi, chị không bao giờ muốn tin đó là sự thật.
Chiều 10-1, chúng tôi có mặt tại căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm trên phố Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, TP Hà Nội) của gia đình Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân (SN 1992), thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Thủ đô (Bộ Tư lệnh CSCĐ Bộ Công an).
Lúc chúng tôi đến, họ hàng, bà con láng giềng, đồng đội của Quân đang túc trực, an ủi, động viên mẹ và chị gái của Quân. Những tiếng khóc được nén chặt, khuôn mặt ai nấy đều đau đớn, bàng hoàng. Góc nhà, trên chiếc bàn thờ lập vội, vẫn chưa có di ảnh của người chiến sỹ trẻ.
Gượng nén nỗi đau, người cô ruột của Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân cho biết, gia đình nhận được tin Hoàng Quân hi sinh từ hôm qua. Nỗi đau này, với cả gia đình hai bên nội, ngoại đều quá lớn. Hoàng Quân là cháu đích tôn trong dòng họ.
Người cô kể, ông Dương Đức Mậu (bố Quân) là anh cả trong gia đình, tham gia kháng chiến chống Mỹ rồi bị thương nặng. Trở về địa phương, sức khỏe của ông ngày càng suy giảm, năm 1996, ông Mậu mất sau một thời gian dài lâm trọng bệnh. Lúc đó Hoàng Quân chưa đầy 4 tuổi.
Chồng mất sớm, một mình bà Bích (mẹ Quân) ngày ngày chạy chợ tần tảo rau mắm nuôi hai chị em Quân ăn học. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, thương các con thiệt thòi sớm mất cha, bà Bích dồn hết yêu thương, gắng nuôi hai con nên người. Hai chị em Quân hiểu gia cảnh, hiểu sự vất vả của mẹ, nên rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập và đỡ đần mẹ. Ngay từ nhỏ, Quân đã luôn phấn đấu học tập với mơ ước sau này được vào lực lượng Công an.
Kể về cậu em trai của mình, chị Dương Thị Thu Huyền tự hào chia sẻ: Khi Hoàng Quân thi đỗ đại học, rồi ra trường, nhận công tác tại Trung đoàn CSCĐ Thủ đô, gia đình, họ hàng hai bên đều vui mừng. Nhất là bà Bích, bà luôn nói với mọi người, giờ bà tạm yên tâm vì đã nuôi được con trai học hành đến nơi đến chốn, có nghề nghiệp ổn định, thực hiện được ước mơ trở thành người chiến sĩ CAND. Nhà neo người, thi thoảng bà cũng giục yêu cậu con trai sớm lập gia đình, cho bà có cháu nội. Ấy vậy mà giờ đây, niềm mong mỏi của bà sẽ chẳng thể nào thành hiện thực…
Bạn bè, gia đình, người thân đều đau xót, bàng hoàng bởi sự ra đi quá đột ngột của Hoàng Quân. Bà Bích nhớ lại, trước khi chào mẹ lên đường, Quân còn hứa sớm hoàn thành nhiệm vụ để trở về cùng mẹ lo sắm sửa đón Tết. Hôm qua, thấy có điện thoại từ cơ quan của con gọi đến, tưởng có việc gì, ai ngờ đó là cuộc điện thoại báo tin Quân đã hi sinh. Nỗi đau quá lớn khiến bà Bích bàng hoàng, ngã quỵ, không dám tin điều đó là sự thật. Lúc Quân đi bà nghĩ con đi làm nhiệm vụ như mọi lần, nhưng bà chẳng thể ngờ lần này Quân đã ra đi mãi, chẳng thể trở về...