Bước chuyển mình mạnh mẽ của giáo dục CAND

Thứ Sáu, 05/02/2021, 11:18
Chủ trương “Học đi đôi với hành”, “giảm lý thuyết, tăng thực hành” đã và đang được các trường CAND triển khai mạnh mẽ để học viên sau khi tốt nghiệp ra trường đáp ứng được yêu cầu công tác chiến đấu.

Nếu như trước đây, học viên các trường chủ yếu học lý thuyết nhiều hơn thực hành thì nay, họ đã được xuống cơ sở để rèn “tay nghề” như một cán bộ Công an cơ sở.

Chú trọng kỹ năng thực hành  

Sân trường như một thao trường là cảm nhận của chúng tôi khi đến Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân (CSND) I, một trong những “lò” đào tạo Cảnh sát của lực lượng CAND. Đầu sân này là nơi luyện tập bắn súng, giữa sân là nơi tập võ thuật và cuối sân là nơi thực hành các thao tác nghiệp vụ cơ bản. 

Để đào tạo ra được một chiến sỹ trinh sát giỏi, biết sử dụng tốt các loại công cụ hỗ trợ, các học viên phải trải qua quá trình luyện tập nghiêm ngặt được tiến hành thường xuyên trong cả khóa học, với cường độ rất cao trong mọi điều kiện gian khổ, kể cả nguy hiểm. Hiện giáo trình giảng dạy của trường là áp dụng 30% lý thuyết, 70% thực hành. 

Tại Trường Đại học PCCC, việc giảng dạy các môn nghiệp vụ cơ bản cũng đã liên tục được điều chỉnh theo hướng tăng thời lượng thực hành. Thiếu tướng Lê Quang Bốn, Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC, cho biết: Bên cạnh việc huấn luyện, giảng dạy, Trường Đại học PCCC còn thành lập Đội chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vừa phục vụ đào tạo, vừa tham gia hỗ trợ cùng lực lượng Cảnh sát PCCC cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn nhà trường đóng quân. 

Đây chính là môi trường để “rèn” kỹ năng chiến đấu, tính thực tiễn để học viên có thể bắt nhịp nhanh với công việc ngay sau khi tốt nghiệp ra trường.

Giờ thực hành Tin học của sinh viên Học viện ANND.

Từ năm 2012 đến nay, Đội chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ Trường Đại học PCCC đã tham gia chữa cháy cứu nạn, cứu hộ 273 vụ trên địa bàn Hà Nội…

Xác định đổi mới giảng dạy thực hành các môn nghiệp vụ là khâu đột phá, trong thời gian qua, Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) đã xây dựng nhiều phòng thực hành với nguồn kinh phí khác nhau. 

Đặc biệt, năm 2017, nhà trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm huấn luyện thực hành nghiệp vụ với diện tích hơn 16.000m², gồm 20 phòng thực hành nghiệp vụ gắn với từng chuyên ngành đào tạo, trang bị đầy đủ trang thiết bị hiện đại, mô hình hóa các môi trường công tác thực tiễn để giáo viên có điều kiện giảng dạy trực quan, sinh động, còn học viên được sớm thực hành kỹ năng. 

Theo Thiếu tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện CSND, năm học 2019-2020, Học viện CSND là cơ sở đào tạo CAND đầu tiên chính thức đưa và triển khai hệ thống phần mềm tuyển sinh sử dụng mạng WAN nội bộ của Bộ Công an giúp kết nối, trao đổi dữ liệu tuyển sinh giữa Học viện và Công an các đơn vị, địa phương. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Học viện đã triển khai có hiệu quả 40 phần mềm ứng dụng phục vụ quản lý, điều hành công tác hành chính cũng như quản lý giáo dục, nghiên cứu khoa học.   

Một buổi diễn tập phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của Đội Phòng cháy và cứu hộ trực thuộc Trường Đại học PCCC.

Xuất phát từ thực tiễn chiến đấu, lực lượng CAND luôn phải đấu tranh trực diện với các các đối tượng côn đồ hung hãn sử dụng vũ khí “nóng”, vì vậy, trong chương trình đào tạo, bên cạnh việc học văn hóa, học kiến thức nghiệp vụ, các học viên phải thường xuyên rèn luyện, trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức võ thuật CAND, biết cách sử dụng, vận dụng linh hoạt sáng tạo trong từng hoàn cảnh, nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, đồng đội và nhân dân. 

Thượng tá Lê Mạnh Cường, Trưởng bộ môn Quân sự, Võ Thuật, Thể  dục Thể  thao, Học viện ANND cho biết: Tại Học viện ANND, võ thuật là nội dung có thời lượng học nhiều nhất với 190 tiết, trong đó, nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến công tác chiến đấu của lực lượng CAND...

Học viên Học viện CSND tham gia tuyên truyền về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh.

“3 cùng” với dân, gắn bó với đơn vị nghiệp vụ như “bám địa bàn”

Thực hiện chủ trương của Bộ Công an về đổi mới công tác thực hành, thực tập của học viên, gắn lý luận với thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong tình hình mới, các học viện, trường CAND đã đưa hàng nghìn học viên thực hành chính trị - xã hội, thực hiện 3 cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với nhân dân" tại các địa bàn trọng điểm. 

Trở về Hà Nội sau đợt thực hành chính trị-xã hội tại Vĩnh Linh (Quảng Trị), học viên Vũ Thanh Hằng, lớp B12, D39, Học viện CSND chia sẻ:  Thực tiễn “3 cùng” với nhân dân đã giúp cho những chiến sĩ trẻ thêm gắn kết với nhân dân nhiều hơn. Người dân đã quen với hình ảnh cần mẫn của các học viên ra rừng phụ giúp bà con lấy mủ cao su từ 2-3 giờ sáng; cũng đã quen với sắc xanh áo lính đẫm mồ hôi trên cánh đồng, dọn dẹp đường làng, không ngại bất cứ việc gì khó khăn. 

Không chỉ khối các trường Cảnh sát, những năm gần đây, các trường khối An ninh cũng đã chú trọng đổi mới phương thức tổ chức đào tạo, gắn lý luận với hoạt động thực tế tại địa phương thông qua việc tổ chức cho học viên các khóa đi thực tế công tác chính trị, xã hội. 

Đây là môi trường thuận lợi để các học viên rèn luyện, củng cố bản lĩnh chính trị, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng sống để có thể phục vụ tốt cho quá trình công tác sau này.

Học viên tham gia diễn tập chống khủng bố tại Trường Cao đẳng CSND I.

Bên cạnh các môn nghiệp vụ, tính thực hành trong các môn thiên về kỹ năng như Tin học, Ngoại ngữ cũng được các trường CAND chú trọng hơn. Để chuẩn bị sẵn sàng cho học viên có thể gia nhập đội ngũ cán bộ chiến sĩ CAND, đáp ứng yêu cầu cao về phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế, Học viện ANND đã hợp tác với tổ chức khảo thí hàng đầu của Hoa Kỳ áp dụng chuẩn đầu ra về tiếng Anh bằng bài thi TOEIC, chuẩn đầu ra về trình độ sử dụng Tin học văn phòng bằng bài thi MOS cho sinh viên Học viện, bắt đầu từ khóa D45. 

Khả năng sử dụng ngoại ngữ và tin học của học viên được nâng cao cả về chất lượng đại trà lẫn mũi nhọn khi tham gia các sân chơi trí tuệ, và sinh viên Học viện ANND luôn giành thứ hạng cao. Còn tại Học viện CSND, việc ứng dụng CNTT cũng đã và đang được nhà trường đẩy mạnh nhằm  hiện thực hóa mục tiêu “đại học thông minh”. 

Từ năm 2013, Học viện đã tổ chức đào tạo trực tuyến E-learnling. Nhà trường cũng đã đầu tư trang bị các phòng bắn súng mô phỏng tự động hiện đại. 

Bước vào năm học 2017-2018, Học viện tổ chức xây dựng Khu huấn luyện thực hành, trong đó xây dựng các phòng bắn súng mô phỏng, phòng lái ôtô, lái tàu thủy mô phỏng, các phòng điều tra, khám nghiệm hiện trường mô phỏng và nhiều các phòng học có sử dụng các công nghệ mô phỏng, công nghệ ảo, công nghệ thông tin viễn thông, công nghệ số, công nghệ hóa sinh... để phục vụ đào tạo Cảnh sát.

Nhà trường đã và đang tiến hành số hóa các tài liệu học tập, nhất là các tài liệu pháp luật, chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng đào tạo các môn nghiệp vụ chuyên ngành cũng như Tin học, Ngoại ngữ.

Huyền Thanh
.
.