"Bịt lỗ hổng" trong công tác quản lý người nước ngoài nhập cảnh trái phép

Thứ Ba, 18/05/2021, 08:46
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý XNC thì từ ngày 1/1 đến nay, đã có hơn 46 nghìn người NNN nhập cảnh vào Việt Nam. Phòng 4 đã tăng cường nắm tình hình, quản lý cư trú của NNN. Qua đó, phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm, đã báo cáo chuyển cơ quan ANĐT

Lợi dụng chủ trương của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nước ngoài (NNN) là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp được nhập cảnh,… nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lập danh sách xin phê duyệt, cấp thị thực nhập cảnh cho nhiều trường hợp không đúng đối tượng, không làm việc cho doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, không làm việc cho doanh nghiệp bảo lãnh…

Hành vi trên không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật, mà còn tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Vạch trần thủ đoạn tinh vi của các đối tượng phạm tội

Thêm một đêm không ngủ, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Trưởng phòng Quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú NNN (Phòng 4), Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an lặng lẽ nghiên cứu hồ sơ gửi đến.

Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ, Phòng 4 đã chủ động nắm tình hình; khẩn trương tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo về chính sách giải quyết cho NNN nhập cảnh trong từng thời điểm theo diễn biến của dịch bênh; đồng thời tạo điều kiện giải quyết cho NNN là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, công chức thực hiện công vụ…, được giải quyết nhập cảnh song vẫn phải đảm bảo thực hiện nghiêm, an toàn phòng, chống dịch bệnh. 

Từ đó, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch bệnh, đúng với tinh thần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ.

Từ công tác thực tiễn, Đại tá Đặng Tuấn Việt và các cán bộ Phòng 4 đã phát hiện nhiều thủ đoạn tinh vi của một số đối tượng tại một số tỉnh, thành phố lợi dụng pháp nhân doanh nghiệp, lập doanh nghiệp “ma” để làm thủ tục mời, bảo lãnh cho NNN vào làm việc không đúng đối tượng theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm thu lời bất chính.

“3 người Hàn Quốc gồm: ông Lee K.Y (SN 1968); ông Lee B.G (SN 1973) và ông Seo Y.J (SN 1973), tự nhận là nhân viên của Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP Đà Nẵng đến Cục nộp hồ sơ đề nghị nhập cảnh cho khoảng 60 “chuyên gia” Hàn Quốc theo bảo lãnh của trên 40 doanh nghiệp khác nhau ở nhiều tỉnh, thành (chủ yếu ở các thành phố lớn như Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội, Quảng Nam,...).

Lee K.Y và Seo Y.J lấy danh nghĩa của “Hiệp hội người Hàn Quốc” thu, gom hồ sơ, liên hệ các cơ quan chức năng để hoàn thiện thủ tục xin cấp giấy tờ chấp thuận nhập cảnh và phương án cách ly của Sở Y tế để hoàn tất hồ sơ đề nghị nhập cảnh cho “chuyên gia” Hàn Quốc, không phải chức năng, hoạt động của các công ty đang bảo lãnh cho các đương sự, là có dấu hiệu vi phạm” - Đại tá Đặng Tuấn Việt trao đổi với anh em đơn vị.

Từ đó, cán bộ Phòng 4 đã bắt tay vào quá trình xác minh. Những thông tin thu thập được đã cho thấy nhận định của họ là hoàn toàn chính xác. Quá trình làm việc, ông Lee K.Y cho biết là Giám đốc của Công ty E.YE.LUX (tại Đà Nẵng) đồng thời là Phó Chủ tịch “Hiệp hội người Hàn tại Đà Nẵng” (hoạt động tự phát, chưa có giấy phép hoạt động).

Ông Lee K.Y lợi dụng mối quan hệ tại Đà Nẵng và danh nghĩa của “Hiệp hội người Hàn Quốc” để hỗ trợ các công ty nhận được chấp thuận nhập cảnh và phương án cách ly của Sở Y tế để hoàn tất hồ sơ đề nghị nhập cảnh cho “chuyên gia” Hàn Quốc, (thu 40 triệu đồng/khách bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly, kiểm tra y tế) và đã hoàn tất thủ tục cho hơn 50 người Hàn Quốc. Các hồ sơ được nhận qua mạng, không rõ về các công ty và người Hàn Quốc được bảo lãnh.

Ông Seo Y.J cho biết là nhà đầu tư và làm Giám đốc của Công ty H IN H (tại Đà Nẵng, đã 5 lần thay đổi Giấy ĐKKD và tên), kinh doanh trong lĩnh vực du lịch. Do tình hình dịch bệnh COVID - 19 diễn ra, Công ty H IN H tạm dừng hoạt động, ông Seo Y.J tham gia “Hiệp hội người Hàn tại Đà Nẵng”, hỗ trợ hướng dẫn và kiểm tra hồ sơ nhập cảnh cho người Hàn Quốc.

Quá trình thu thập tài liệu, Phòng 4 còn xác định “Hiệp hội người Hàn tại Đà Nẵng” là tổ chức tự phát, không được cơ quan chức năng cho thành lập. 

Từ các căn cứ thu thập được, Phòng 4 đã đề xuất Cục xử phạt đối với ông Lee K.Y và ông Seo Y.J; thu, hủy giấy tờ cấp; trao đổi các cơ quan chức năng trong ngành Công an phối hợp quản lý nắm tình hình hoạt động của nhóm này. 

Hiện, Công an TP Đà Nẵng đã làm rõ, khởi tố vụ án liên quan 14 NNN. Đây chỉ là một trong những thủ đoạn đối tượng hoạt động để đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam không đúng diện đối tượng. 

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý XNC thì từ ngày 1/1 đến nay, đã có hơn 46 nghìn người NNN nhập cảnh vào Việt Nam theo diện chuyên gia, cùng thân nhân…

Phòng 4 đã tăng cường nắm tình hình, quản lý cư trú của NNN. Qua đó, phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm, đã báo cáo chuyển cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội và Công an tỉnh Bắc Ninh điều tra, xử lý các đối tượng lợi dụng danh nghĩa pháp nhân của 21 doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh gồm Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hà Nội để xin chủ trương của UBND tỉnh, thành phố, làm hồ sơ xét duyệt nhân sự nhập cảnh cho hàng trăm NNN. 

Số này, sau khi nhập cảnh đã không làm việc cho doanh nghiệp bảo lãnh mà đến các doanh nghiệp khác tại Hải Dương, Hải Phòng, Bình Dương, Hoà Bình, Hưng Yên…, để làm việc hoặc thu, mua nông sản, thuỷ sản tự phát, thăm thân hoặc giải quyết các mục đích khác.

Kết quả ban đầu, ngày 21/1, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”; khởi tố bị can đối với 7 đối tượng và áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam đối với 3 đối tượng.

Gần đây nhất, Phòng 4 đã phát hiện 28 doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương có dấu hiệu làm giả giấy tờ xin cấp giấy phép lao động cho khoảng 400 trường hợp để hợp thức hoá thủ tục cư trú cho NNN tại Việt Nam. 

Từ đó, đã có công văn trao đổi với Công an tỉnh Bình Dương kiểm tra, xác minh và hiện đang phối hợp với Công an các địa phương kiểm tra, xác minh mở rộng.

Cán bộ Phòng 4, Cục Quản lý xuất nhập cảnh xử lý các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép.

Những chiến công thầm lặng của một lực lượng tuyến đầu chống dịch

Đại tá  Đặng Tuấn Việt, Trưởng phòng 4 chia sẻ: Hiện nay, “nóng” nhất vẫn là việc quản lý NNN xin nhập cảnh theo dạng chuyên gia vào làm việc, việc giấy phép lao động để hợp thức hoá việc cư trú và hoạt động trái phép. Phần lớn số NNN nhập cảnh vào đường bộ nhưng cũng có nhiều trường hợp nhập cảnh bằng đường hàng không..., nên 24/24h, vào các ngày trong tuần, CBCS của phòng vẫn phải căng mình làm nhiệm vụ.

Theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Phòng 4 đã chỉ đạo lực lượng XNC địa phương chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về XNC… Từ đó, đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp NNN cư trú “lỳ”, cư trú trái phép hoặc có những vi phạm pháp luật khác.

Đại uý Đặng Quang Thiều cho biết, trước đó, đơn vị đã xử lý nhiều trường hợp NNN vi phạm pháp luật, cư trú không có mục đích rõ ràng, cư trú trái phép… Trong số đó, việc xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính với một đối tượng người Đức mà quá trình xử lý gặp khó khăn, cũng như có nhiều dấu ấn để lại.

Khi xử lý các trường hợp NNN vi phạm pháp luật phải đồng thời đảm bảo yếu tố pháp luật, chính trị và ngoại giao… - Đại uý Đặng Quang Thiều cho biết. Khi đưa được đương sự về trụ sở, đơn vị đã nhanh chóng khai thác, làm rõ quá trình cư trú, mục đích cư trú của đương sự.

Đơn vị đã báo cáo lãnh đạo Cục có văn bản trao đổi với Đại sứ quán Đức đề nghị phối hợp xử lý. Qua xác minh, Đại sứ quán Đức cho biết, đương sự đã rời bỏ quê hương 10 năm; mối liên hệ với gia đình hầu như không có.

Trong khi đó, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các chuyến bay quốc tế lại không có sẵn nên việc phối hợp với cơ quan ngoại giao làm thủ tục gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng vừa làm việc, vừa động viên, CBCS Phòng 4 đã cảm hoá được đương sự.

Từ chỗ chống đối quyết liệt, kiên quyết không về nước, không xuất cảnh theo đường hàng không, không tắm rửa…người đàn ông này đã hợp tác một cách tích cực.

Đây là lần thứ 3, Thiếu tá Hoàng Thị Mỹ Loan, cán bộ Đội 4 phải thực hiện cách ly với gia đình và cơ quan. Với nhiệm vụ được giao là cán bộ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục cho NNN đang cư trú tại Việt Nam gần 5 năm nay, chị có không ít kinh nghiệm. Nhưng là cán bộ trực tiếp, tuyến đầu, nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.

Thiếu tá Hoàng Thị Mỹ Loan chia sẻ: Công việc "làm dâu trăm họ" thường ngày đã không dễ dàng, với các trường hợp có liên quan đến NNN thì còn khó khăn hơn nhiều. Còn nhớ, những tháng đầu năm 2020, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Vào thời điểm đó, việc hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ xin gia hạn tạm trú cho NNN tại Cục Quản lý XNC gia tăng với số lượng đột biến, đặc biệt là số NNN tăng cao…

Trong những ngày đó, là lực lượng tuyến đầu, chị cùng các cán bộ tiếp dân phải trực tiếp tiếp xúc với nhiều nguồn nguy cơ lấy nhiễm bệnh cao, họ vừa phải hoàn thành nhiệm vụ khối lượng công việc trong ngày mà còn phải đảm bảo an toàn phòng, tránh dịch cho người đến làm thủ tục và bản thân.

Với các thành tích trên, năm 2020, Phòng 4 đã ba lần được tặng bằng khen của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an, 44 lượt CBCS được tặng giấy khen, bằng khen của các cấp. Năm 2018, 2019, 2020, Phòng 4 đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”.

Song phần thưởng có ý nghĩa nhất đối với họ chính là những lá thư khen của một số Đại sứ quán gửi đến Phòng 4 khi họ được CBCS Phòng 4 hỗ trợ tối đa trong công tác bảo hộ công dân bị mắc kẹt tại Việt Nam trong thời gian dịch bệnh COVID-19 và nhập cảnh cho chuyên gia cũng như cán bộ ngoại giao sang công tác tại Việt Nam.

Xuân Mai
.
.