Ban soạn thảo Luật đảm bảo TTATGT đường bộ họp phiên thứ nhất
Tham dự có: Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng ban soạn thảo; các thành viên ban soạn thảo; đại diện các bộ, ngành chức năng.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành trong xây dựng hồ sơ Luật bảo đảm TTATGT đường bộ. Bộ Công an đã nhận được nhiều ý kiến góp ý xác đáng, chất lượng hoàn thiện hồ sơ Luật.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp. |
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng Luật đảm bảo TTATGT đường bộ, đó là tai nạn giao thông ở Việt Nam ở mức cao so với các nước trên thế giới, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thong chưa đáp ứng yêu cầu, ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất kém; vi phạm có tính phổ biến; tình trạng sử dụng rượu, bia, ma tuý khi tham gia giao thông nhiều; các tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp. |
“Cuộc họp này để triển khai quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Luật đảm bảo TTATGT đường bộ; thông qua Kế hoạch triển khai xây dựng Luật và cho ý kiến góp ý đối với dự thảo để sớm hoàn thiện, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2020” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Trình bày Dự thảo kế hoạch xây dựng Luật và một số nội dung cơ bản, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và xu thế chuyên sâu hoá trong xây dựng pháp luật để đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành và bổ sung quy phạm pháp luật; luật hoá quy định về đảm bảo TTATGT tồn tại ở các văn bản dưới luật và bổ sung nhiều chế định mới đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam, tương thích với các điều ước quốc tế.
Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ điều chỉnh những nội dung về trật tự , an toàn giao thông đường bộ và đảm bảo an ninh, trật tự trên đường bộ, tách bạch với vấn đề xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải sẽ được quy định trong Luật giao thông vận tải đường bộ.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng trình bày kế hoạch xây dựng Luật |
Luật điều chỉnh 7 chính sách, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về đảm bảo TTATGT đường bộ, trong đó có 4 chính sách mới chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành gồm: Tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý trong phát hiện và xử lý vi phạm; Trách nhiệm quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ. Còn lại 3 chính sách đã được luật hoá trong Luật giao thông đường bộ nhưng chưa đầy đủ, nay được kế thừa có chọn lọc, bổ sung đầy đủ, rõ ràng hơn.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đồng tình với chủ trương phải xây dựng Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ vì an toàn giao thông là vấn đề rất quan trọng liên quan đến tính mạng, tài sản của người tham giao thông.
Đồng tình với 7 chính sách được dự thảo trong Luật, đồng chí Nguyễn Văn Thanh cho biết, hiện chúng ta đang quá dễ dãi trong đào đào tạo, cấp đổi GPLX. Việc này đã được thương mại hoá nên chất lượng không đảm bảo.
“Thực tế các phương tiện cướp đường, lấn làn không phải do đường chật, đèo dốc mà do ý thức của lái xe. Hiện nay, việc đào tạo lái xe với tập trung vào dạy lái chứ chưa đào tạo văn hoá tham gia giao thông, kỹ năng ứng xử trên đường cho lái xe” – đồng chí Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh và đề nghị kinh doanh đào tạo GPLX phải có điều kiện rất chặt chẽ, phân biệt rõ 3 cấp đào tạo: xe cá nhân; xe khách và xe tải với những quy định rõ ràng và cần đưa nội dung văn hoá ứng xử và đào tạo.
Các đại biểu đóng góp cho dự thảo Luật. |
Đồng chí Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, sẽ giao cho các cơ quan chức năng của Bộ làm việc chi tiết với tổ biên soạn để thống nhất các nội dung liên quan đến hai Luật trên tinh thần phân công rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước, 1 cơ quan làm, 1 cơ quan giám sát.
Phát biểu kết luận phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm trả lời, giải thích thêm một số vấn đề các đại biểu nêu, đồng thời cho biết, mặc dù thời gian rất gấp nhưng Ban soạn thảo, Tổ biên tập làm việc rất tích cực, hoàn thiện khối công việc lớn để đưa dự thảo Luật trình các cơ quan chức năng.
Bộ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo, Tổ biên tập trong tháng 6/2020 phải hoàn thành Báo cáo đánh giá tác động kinh tế xã hội và các văn bản khác theo quy định. Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Bộ Giao thông vận tải, đặc biệt là hai Ban soạn thảo Luật Giao thông vận tải đường bộ và Luật đảm bảo TTAGT phải bám sát kế hoạch, thống nhất nội dung với nhau.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng giao cụ thể thời gian cho các đơn vị phải hoàn thành để đảm bảo lộ trình xây dựng Luật.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, thời gian chúng ta tiến hành các công việc xây dựng Luật không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc rất lớn, do đó phải tiến hành khẩn trương, đồng bộ với phương pháp, cách thức khoa học, hợp lý vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng để ban hành một đạo luật giải quyết những vấn đề cấp bách về TTATGT đường bộ hiện nay.