Ấm áp tình người của những cán bộ quản giáo

Thứ Sáu, 21/12/2018, 08:50
Năm 2018, Trại giam Mỹ Phước (Cục C10, Bộ Công an) tròn 35 tuổi. Nơi đây từ vùng đất hoang hoá, phèn chua trở thành khu sản xuất, phát triển thành trại giam vững mạnh như ngày hôm nay.

Trải qua các giai đoạn lịch sử là cả quá trình dày công xây dựng và một lòng đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ chiến sỹ - những người đã hy sinh thầm lặng trong việc quản lý, giáo dục và cảm hoá để trả về cho xã hội hàng vạn con người tiến bộ, có ích cho gia đình và xã hội.

“Ban giám thị xác định, muốn giáo dục phạm nhân tiến bộ trở thành người tốt, có ích cho xã hội thì phải lấy tình thương để giáo dục, hướng cho họ con đường trước mắt và tương lai sau này”, Thượng tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam bộc bạch. Rất nhiều người sau khi mãn hạn cải tạo, trở lại cuộc sống đời thường đã ghi đậm tấm lòng bao dung, đầy nhân ái, sự thu phục nhân tâm của cán bộ quản giáo.

Cán bộ quản giáo nắn từng nét chữ cho phạm nhân trong giờ học.

Từ năm 2013 đến nay, Trại Giam Mỹ Phước luôn tiếp nhận gần 2.000 phạm nhân. Có thời điểm, số phạm nhân vượt quy mô quản lý và đa số đều có tính chất nguy hiểm, phức tạp. Vì vậy, Đảng ủy - Ban giám thị xác định rõ nhiệm vụ, yêu cầu công tác. Các đội nghiệp vụ, Cảnh sát bảo vệ trại giam, trinh sát phối hợp chặt chẽ với các phân trại. Tăng cường công tác quản lý, giam giữ, nắm chắc diễn biến tư tưởng phạm nhân, chủ động phòng ngừa đấu tranh, ngăn chặn không để phạm nhân chống, phá, trốn, phạm tội mới, vi phạm nội quy trại giam.

Đơn vị kịp thời phát hiện và ngăn chặn những phạm nhân có âm mưu trốn trại, gửi thư trái phép hoặc có ý đồ lập thành băng nhóm. Chính vì vậy, tình trạng “đầu gấu”, “anh chị” không xảy ra tại các phân trại. Nhiều năm liền, đơn vị không có phạm nhân đưa ma tuý, điện thoại di động vào trại giam cất giấu, mua bán sử dụng.

Ban giám thị chú trọng tập trung đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản giáo, đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, đưa công tác giáo dục phạm nhân ngày càng đi vào chiều sâu, có nề nếp.

Trại giam Mỹ Phước có hơn 43% quân số là cán bộ chiến sĩ trẻ, đây cũng là lực lượng tiên phong, xung kích trên các mặt công tác và đã xuất hiện nhiều gương điển hình, mô hình hay và cách làm hiệu quả. Trại giam thường xuyên tổ chức huấn luyện, thực tập cho CBCS có tác phong nhanh nhẹn, tư thế sẵn sàng triển khai đội hình theo đúng phương án chiến đấu đã đặt ra. Phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, các đơn vị liên quan và người dân nơi đóng quân, bảo đảm an toàn an ninh trong mọi tình huống.

Trại giam thực hiện đúng quy định, chế độ chính sách đối với phạm nhân về ăn, mặc, ở, vui chơi giải trí, xét đề nghị đặc xá, giảm thời hạn, xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù, luôn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy trình, thủ tục. Lực lượng đoàn viên thanh niên, Hội phụ nữ tham gia xây dựng thư viện, thường xuyên tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí cho phạm nhân trong dịp lễ, tết, ngày nghỉ, như: đánh bóng chuyền, kéo co, giao lưu văn nghệ, thi vẽ tranh, viết báo tường…

Những hoạt động này đã thắp sáng niềm tin, hướng thiện cho phạm nhân yên tâm cải tạo tiến bộ. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho phạm nhân được lãnh đạo quan tâm, đầu tư các trang thiết bị hiện đại và năng lực chuyên môn của cán bộ. Từ năm 2013 đến nay, Bệnh xá trại giam khám chữa bệnh cho trăm nghìn lượt phạm nhân. Trung bình mỗi ngày, các y bác sĩ thăm khám, chữa bệnh cho khoảng 250 lượt bệnh nhân.

Trại giam Mỹ Phước thường xuyên phát động các phong trào thi đua để phạm nhân nỗ lực phấn đấu, mở lớp học văn hóa cho những phạm nhân mù chữ. Hơn 2.000 đầu sách được trang bị, phục vụ nhu cầu đọc nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật, văn hoá ứng xử, rèn luyện đạo đức lối sống cho phạm nhân. Ngoài việc giáo dục cho phạm nhân chấp hành nghiêm 15 điều nội quy, 4 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù, Ban giám thị còn đưa ra các khẩu hiệu thi đua, như: “Quyết tâm thi đua, vượt cờ xanh, giành cờ đỏ, bỏ cờ vàng”, “Lao động tốt, nói lời hay”... 

Từ đó, các phạm nhân tự soi rọi hàng ngày. Năm 2018 là năm thứ 4, Trại giam Mỹ Phước tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân. Thông qua đó, đơn vị kịp thời thông báo cho gia đình phạm nhân về kết quả học tập, chấp hành án của phạm nhân. Phát động các phong trào viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi” trong phạm nhân, xây dựng quỹ “Tấm lòng vàng” dành cho phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, không người thăm gặp. Nhờ đó, các phạm nhân luôn an tâm tư tưởng, chấp hành nghiêm nội quy, phấn đấu thi đua cải tạo tiến bộ.

Đi đôi với việc giáo dục, cảm hóa, Trại giam Mỹ Phước chú trọng, duy trì đào tạo nghề, truyền nghề hướng nghiệp cho các phạm nhân. Đơn vị cũng phối hợp với Trường trung cấp nghề Bình Thuận, Công ty liên doanh Hưng Tín và Trường Cao đẳng công nghiệp Cao Su mở 10 lớp dạy nghề và cấp chứng chỉ (xây dựng, hàn, may công nghiệp) cho 350 phạm nhân. Hầu hết các phạm nhân khi trở về đều có việc làm ổn định, không tái phạm tội. Họ chí thú làm ăn. Nhiều người thành đạt đã quay lại hỗ trợ, giúp đỡ phạm nhân khác học nghề, tạo việc làm ổn định khi họ hết thời hạn chấp hành án.

Trong 5 năm qua, có 578 phạm nhân được đặc xá và giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù, 5.008 lượt phạm nhân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Tỷ lệ phạm nhân cải tạo từ mức khá trở lên đạt trên 85%, tỷ lệ phạm nhân vi phạm nội quy luôn giảm. Nếu năm 2015 là 8,49%, thì đến năm 2018 tỷ lệ này còn 1,65%.

Trải qua 35 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Trại giam Mỹ Phước vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba cùng nhiều bằng khen của Bộ Công an, UBND tỉnh Tiền Giang và các phần thưởng cao quý khác cho các cá nhân và tập thể. Những thành tích, chiến công đó đã khắc họa rõ nét hình ảnh cao đẹp về lòng nhân ái, bao dung, sự sáng tạo, đức tính kiên trì bền bỉ, chịu đựng gian khổ, hy sinh của các thế hệ CBCS Trại giam Mỹ Phước trong sự nghiệp giáo dục, cải tạo lại những con người lầm lỗi.

Thượng tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước bộc bạch: Để có được những thành tựu đó, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an qua các thời kỳ; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tiền Giang; lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang.

Đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp hơn 10 năm qua của Đảng ủy - lãnh đạo Cục V26, lãnh đạo Tổng Cục VIII (nay là Cục C10) và sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân nơi trại đóng quân trong suốt 35 năm qua. Một nhân tố không kém phần quan trọng, đó là sự đoàn kết, nhất trí cao của Đảng uỷ, Ban giám thị Trại giam Mỹ Phước cùng sự nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ chiến sĩ từ những ngày đầu khai hoang, thành lập trại cho đến nay.

Văn Vĩnh
.
.