Thực hành chính trị - xã hội tại các trường CAND:

Gần dân để hiểu và giúp dân nhiều hơn

Thứ Bảy, 18/08/2018, 12:48
Trong lực lượng Công an, công tác dân vận đóng vai trò quan trọng. Vì thế, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, những học viên luôn được tạo điều kiện đi thực tế ở những vùng sâu vùng xa, sống "ba cùng" với bà con dân bản.

Ngoài việc vừa giúp bà con phát triển kinh tế, các học viên còn tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần quảng bá hình ảnh của người chiến sĩ Công an gần gũi, thân thiện hơn với nhân dân…

Chúng tôi có mặt tại xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An cũng đúng dịp các học viên Học viện Cảnh sát nhân dân đang “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc) tại đây.

Những hạt mưa không ngừng rơi trên địa bàn trong nhiều ngày qua do ảnh hưởng của bão khiến những cây lúa vừa chín bị chìm ngập trong nước, học viên Đinh Thị Mỹ Châu, lớp B16, Học viện Cảnh sát nhân dân đang mải miết cùng các bạn học của mình bì bõm dưới các thửa ruộng, nhanh chóng cùng người dân gặt lúa. Đây là lần đầu tiên lớp cô được đi thực hành chính trị - xã hội tại đây, lại đúng thời điểm xảy ra trận mưa lớn nên mọi thứ trở nên khác lạ so với những gì cô tưởng tượng trước đó.

Các học viên trường CAND phụ giúp cùng người dân thu hoạch chè.

Ngay buổi sáng, khi nghe chính quyền địa phương chia sẻ một số thông tin trên địa bàn, trong đó tình hình hoa màu có thể bị mất trắng do mưa lớn, các học viên như Mỹ Châu sau khi trở về nhà dân trên địa bàn đã nhanh chóng cầm liềm đi gặt lúa giúp nhân dân.

Sau một chiều lao động chạy đua với thời gian, nữ Thủ khoa đầu vào khối C của Học viện CSND năm 2015 cho biết, trái với khuôn mặt đầy lo lắng ban đầu, bà con sau đó phấn khởi lắm vì với sự hỗ trợ của các học viên, nhiều thửa ruộng đã được gặt xong trong ngày. “Việc được giúp đỡ nhân dân, ngắm nhìn nụ cười hạnh phúc của người dân khiến chúng em cảm thấy thật hạnh phúc. Vui nhất là được bà con tin yêu gọi là cán bộ, mỗi tối còn được các bé ở đây nắm chặt tay nhờ dạy học, dạy múa, hát…” – Mỹ Châu nhớ lại.

Cũng như Mỹ Châu, học viên Ngô Trần Yến Linh, lớp B7D48, Học viện An ninh nhân dân vừa trở về sau những ngày “ba cùng” với người dân ở xã Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ. Hằng ngày, các học viên như cô dậy từ 5h, hết bài thể dục quen thuộc, các bạn sinh viên trẻ sẽ vào bếp nấu ăn sáng cho cả gia đình nơi mình đang ở cùng. Sau khi phụ giúp gia đình đổ thóc ra phơi, cô lại theo mọi người đi hái lá chè...

Kể cho chúng tôi nghe những ngày được cùng ăn, cùng ở và làm việc với nhân dân tại đây, Linh bảo, kỷ niệm thì nhiều lắm nhưng với Linh có lẽ là đêm diễn văn nghệ tổ chức trước hôm đoàn về. Do địa điểm nhà văn hóa của thôn cơ sở vật chất còn hạn chế nên các thành viên phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để chuẩn bị. Khi những chiếc loa âm thanh và đèn được mang về thì nguồn điện tại đây rất yếu nên hay bị sập. Cuối cùng, các thành viên đã trang trí một sân khấu không thể giản dị hơn với những chiếc đèn bàn học tập mượn của các em nhỏ.

Ban đầu, ai cũng lo lắng nhưng khi thấy người dân tưng bừng reo hò, nắm tay cùng nhảy, múa hát với các thành viên trong đoàn, ai đấy đều thở phào nhẹ nhõm vì chương trình thành công ngoài sức mong đợi. Tối đó, ai cũng mệt nhưng lòng thấy vui hơn bình thường, mọi người nằm ngủ mà lòng cứ thao thức bởi dư âm của buổi biểu diễn… “Hôm buổi lễ chia tay diễn ra tại UBND xã, các bác, các cô, chú tại đây bịn rịn mãi, mọi người còn ôm nhau khóc và tiễn đoàn một đoạn đường dài ra khỏi xã. Tối hôm trước đó, tại mỗi nhà dân, các gia đình đều tổ chức một bữa cơm nho nhỏ để chia tay các học viên như chia tay chính con em mình trước chuyến đi công tác xa nhà...” – Yến Linh cho biết thêm.

Chia sẻ với chúng tôi về công tác thực hành chính trị - xã hội, Thượng úy Dương Xuân Khiêm, Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện An ninh nhân dân cho biết, đây là hoạt động thường niên được Học viện ANND tổ chức từ năm 2008. Tại địa bàn, sinh viên thực hiện “ba cùng” với nhân dân, tham gia vào các hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt chính trị - xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao; các hoạt động tình nghĩa, uống nước nhớ nguồn.... Có thể nói, công tác dân vận là hoạt động thiết thực giúp sinh viên rèn luyện bản lĩnh chính trị, nhân cách nghề nghiệp và phương pháp tiếp cận thực tế.

Trong các đợt đưa học viên đi thực hành chính trị, các trường CAND còn tổ chức khám, cấp phát thuốc chữa bệnh miễn phí cho nhân dân trên địa bàn.

Được biết, tại các địa bàn, các học viên ngoài trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động tổ chức nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới, các sinh viên trẻ còn tổ chức tuyên truyền pháp luật phòng chống ma túy, về ý thức chấp hành luật giao thông, và phong trào chống bạo lực học đường trong các trường học phổ thông trên địa bàn nơi mình đóng quân. Cũng qua hoạt động thực hành chính trị - xã hội các học viên có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người dân, bản thân cũng được rèn luyện thêm nhiều kỹ năng, giúp mỗi người tự tin trong giao tiếp và sinh hoạt...

Trước đây, Học viên Nguyễn Tân Việt, học viên lớp khóa D2-LK (khóa liên kết giữa Học viện Chính trị CAND và Bộ Tư lệnh CSCĐ đào tạo) khá nhút nhát, cũng nhờ “ba cùng” với người dân tại địa bàn xã Đông An, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã giúp chàng sinh viên trẻ không chỉ tự tin mà còn là cầu nối gắn kết yêu thương với mọi người dân những nơi mà anh và đồng đội được đặt chân tới.

Thời gian ở hai thôn khó khăn nhất xã là Đập Dóm và Lâm Trường, ngoài việc đảm nhiệm phụ giúp gia đình nơi các bạn học viên đang ở cùng, Việt và các bạn còn dành thời gian phụ đạo kiến thức văn hóa cho các em trong khu, xóm, nhất là việc hướng dẫn ôn bài cho các học sinh phổ thông trung học. Việc được phụ đạo cho các em nhỏ dân tộc thiểu số tại đây, nghe các em gọi là thầy khiến chàng học viên mang quân hàm xanh đứng lớp thấy tự hào, tự tin và có trách nhiệm hơn.

Trong 3 tuần ở đây, con đường trục chính vào thôn trước kia chiều ngang “khiêm tốn”, dốc, ghồ ghề bên ruộng, gây rất nhiều khó khăn khi các phương tiện đi qua được Việt và gần 200 học viên phát quang, san lấp các ổ gà, mở rộng đường tới ba, bốn mét. Trong ngày chia tay các học viên, có nhiều cụ già tuổi đã cao nhưng vẫn nhờ con, cháu chở xe máy ra tận xã để được tạm biệt các em. Đôi mắt cụ rưng rưng chắc bởi lần đầu cụ được dự một chương trình nghệ thuật, được nghe các chiến sỹ Công an hát, được ân cần thăm hỏi và khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí…” – học viên Nguyễn Tân Việt chia sẻ.

Theo Trung úy Đặng Bá Vinh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Học viện Cảnh sát nhân dân, hoạt động thực hành chính trị là hoạt động thường niên được nhà trường tổ chức cho sinh viên năm 2 của hệ đào tạo chính quy trong thời gian đầu bước vào năm học mới. Các em sẽ có 3 tuần “ba cùng” với nhân dân trên địa bàn.

Không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; rèn luyện và củng cố bản lĩnh chính trị, tích lũy thêm kinh nghiệm sống, kinh nghiệm giao tiếp xã hội, kinh nghiệm vận động nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cho sinh viên. Mà sau quá trình thực hành, sẽ giúp sinh viên nhận thức sâu sắc hơn các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; khăng khít hơn tình cảm quân dân ấm áp, góp phần vào công cuộc xây dựng phong cách người chiến sĩ CAND “bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” cho sinh viên Học viện CSND.

Thảo Vy
.
.