Hà Nội tăng tốc “phủ sóng” cấp căn cước công dân:

Tạo lập giá trị, xây dựng công dân số (kỳ 2)

Thứ Hai, 22/05/2023, 06:56

Trong buổi làm việc với Thành ủy, UBND TP Hà Nội vào cuối tháng 4 vừa qua, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ khẳng định: Hà Nội phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Công an trên các mặt trận đảm bảo an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH).

Những kết quả của Hà Nội đã và đang triển khai sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 06, xây dựng thành công công dân số, xã hội số và Chính phủ số, thúc đẩy mạnh mẽ, bền vững những mục tiêu, nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô và cả nước.

Nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết: TP đã ban hành Kế hoạch số 95/KH_UBND ngày 20/3/2023 về triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 năm 2023 và trên 30 văn bản chỉ đạo, triển khai việc thực hiện Đề án 06 trên địa bàn TP. Cùng với đó, TP đã tổ chức 4 cuộc họp để đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ Đề án 06 trên địa bàn; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện các quy định có liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trên địa bàn TP; nhiệm vụ triển khai vận hành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP. Từ ngày 11/4/2023, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP đưa vào vận hành thử đã thực hiện kết nối chính thức vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Kỳ 2:Tạo lập giá trị, xây dựng công dân số -0
Nhiều điểm tạo lập, hướng dẫn tài khoản định danh điện tử đã được Công an Thủ đô triển khai góp phần xây dựng công dân số.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, hiện UBND TP đã thống nhất về chủ trương triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến Hà Nội để triển khai thực hiện việc cấp chữ ký số công cộng miễn phí cho người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Thống kê, tính đến 20/4/2023, có 4 nhà mạng đã thực hiện cấp 2.485 chữ ký số cho công dân và tiếp tục thực hiện tại các đơn vị trên toàn địa bàn TP. Thực hiện Đề án 06, cùng với những nỗ lực cố gắng của lực lượng Công an, UBND TP Hà Nội còn tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, công bố, công khai, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) có yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận tại nơi cư trú.

“Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo và quán triệt, chấn chỉnh việc thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, đã rà soát và xác định 65 TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền của TP có thành phần hồ sơ là sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy phải nộp hoặc xuất trình khi thực hiện TTHC, đồng thời chỉ đạo các sở, ngành thực hiện các nội dung nhiệm vụ về rà soát, công bố, công khai, hướng dẫn việc thực hiện, bỏ quy định trên theo đúng Luật Cư trú”- đồng chí Lê Hồng Sơn thông tin.

Muốn người dân thực hiện những dịch vụ công thì trước tiên cán bộ công nhân viên chức của TP phải là những người tiên phong, gương mẫu, đi đầu. TP Hà Nội đã chỉ đạo, yêu cầu 100% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện dịch vụ công trực tuyến và tuyên truyền người thân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp. Sở Nội vụ cũng đã ban hành Văn bản số 906/SNV-CCHC ngày 6/4/2023, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tuyên truyền, vận động 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu thực hiện và vận động người thân, gia đình thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06, đồng thời đưa nội dung này thành tiêu chí xét thi đua trong nội bộ đơn vị. Trên cơ sở giao nhiệm vụ của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đối với Công an TP Hà Nội tại buổi làm việc với Thành ủy, UBND TP Hà Nội vào cuối tháng 4 vừa qua, Mệnh lệnh số 01 của Giám đốc Công an TP Hà Nội được ban hành nhằm cụ thể hóa những chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, UBND TP trong công tác thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số. Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đánh giá cao điểm cấp CCCD gắn chip, tạo lập tài khoản định danh điện tử của Công an TP Hà Nội là vô cùng quan trọng để Hà Nội phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng trên địa bàn Thủ đô mà còn đóng góp ngày càng quan trọng, đậm nét hơn trong cơ cấu phát triển chung của cả nước.

Theo đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội, việc cấp CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp không chỉ Hà Nội mà còn là tất cả các bộ, ngành, địa phương có những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, cũng như những nhiệm vụ đặc thù được giao.

UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở y tế, bệnh viện sử dụng thẻ CCCD gắn chip tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán viện phí. Đến nay, TP hiện đã có 4.734.188 người có thẻ BHYT được đồng bộ, xác thực dữ liệu với CCCD, có thể sử dụng CCCD để đi khám, chữa bệnh. Cùng với đó, có 586 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng CCCD tra cứu khám, chữa bệnh; 237.177 lượt công dân sử dụng CCCD để tra cứu khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Tạo môi trường số  phục vụ công dân số

Về việc triển khai thanh toán chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt, hiện Hà Nội đã có 56/71 cơ sở y tế (gồm 39/41 bệnh viện, 16/30 trung tâm y tế) đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Mục tiêu của năm 2023 đó là, tiếp tục đôn đốc các cơ sở y tế còn lại triển khai thực hiện, đảm bảo gần như 100% số cơ sở này thanh toán không dùng tiền mặt. Đáng chú ý, đã triển khai ứng dụng quản lý nguồn thu, kết nối, tích hợp dữ liệu với cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo để kết nối với các ngân hàng, ví điện tử để triển khai nhiệm vụ trên theo Kế hoạch của UBND TP.

“Chúng tôi đã triển khai cấp tài khoản an sinh xã hội cho 100% công dân TP thuộc đối tượng an sinh xã hội và chi trả trợ cấp bằng hình thức điện tử. Đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc làm sạch và bổ sung CCCD đối với đối tượng người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội; phối hợp cơ quan Công an thực hiện việc cấp tài khoản an sinh xã hội đồng thời cập nhật dữ liệu an sinh xã hội theo diện hộ gia đình và theo diện công dân trên phần mềm DC 01 mở rộng; một số quận, huyện trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện thí điểm chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội và thống kê số đối tượng hưởng có tài khoản”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết.

Câu chuyện về sự cần thiết, gấp rút phải xây dựng hệ sinh thái, dữ liệu dùng chung để tạo ra giá trị mới phục vụ hiệu quả hơn phát triển kinh tế - xã hội, đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ trong Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số quốc gia vào cuối năm 2022 vừa qua. Năm 2023 được Chính phủ và Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ xác định là “Năm dữ liệu”, trong đó có nhiệm vụ tạo lập dữ liệu, tạo nên những giá trị mới.

Theo tìm hiểu của PV, với nhóm dữ liệu hộ tịch, hiện TP Hà Nội có 8/30 quận, huyện đã số hóa sổ hộ tịch với tổng số 2.596.774 trường hợp. Tuy nhiên, rõ ràng, để phát triển các dịch vụ công liên thông, trực tuyến, đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp thì nhóm dữ liệu này cần phải được số hóa nhanh hơn theo đúng tinh thần “đúng, đủ, sạch, sống” đã được Tổ công tác Đề án 06 chỉ ra. Đối với nhóm dữ liệu y tế, từ ngày 25/4/2022 đến nay, trên toàn TP đã đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với hơn 1 triệu trường hợp lỗi về CCCD/CMND. Hiện còn 450.093 trường hợp chưa gửi sang Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do lỗi về CCCD/ CMND; 905.177 đối tượng sai họ tên, ngày sinh và các thông tin khác cần phải “làm sạch”.

Toàn TP Hà Nội (không tính các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn) đã ký xác nhận được hơn 15,1 triệu mũi tiêm (đạt tỷ lệ 81%), hiện còn hơn 3,56 triệu mũi tiêm chưa ký xác nhận (chiếm tỷ lệ 19%). Việc đẩy mạnh “phủ sóng” cấp CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Tổ Công tác Đề án 06 Chính phủ cũng góp phần phục vụ chất lượng, hiệu quả, an toàn, chính xác an sinh xã hội. Hiện Hà Nội đã thực hiện việc cập nhật, chuẩn hóa và làm sạch đối với 2 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ em. Đối với các đối tượng người có công và đối tượng khác thuộc quản lý của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, nhiệm vụ này Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiếp tục phối hợp với Công an TP Hà Nội thực hiện.

Đối với dữ liệu về Bảo trợ xã hội, đã có 199.175 trường hợp được thực hiện chuẩn hóa vào hệ thống Cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội. Riêng dữ liệu về trẻ em, hiện Hà Nội đang triển khai thực hiện rà soát, cập nhật dữ liệu vào phần mềm quản lý thông tin trẻ em tại cơ sở (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng) và thực hiện quy trình 4 bước chuẩn hóa và làm sạch dữ liệu trẻ em theo đúng hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.

Với số lượng dân cư thuộc “top” đông nhất trên toàn quốc, khi Hà Nội số hóa những dữ liệu chuyên ngành, xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, củng cố yếu tố pháp lý, đầu tư hạ tầng tốt hơn thì chắc chắn không chỉ người dân Hà Nội mà tất cả người dân trên cả nước đều sẽ được thụ hưởng những kết quả trên từ Đề án 06, chuyển đổi số.

Hoàng Phong
.
.