Thế giới 2019 - một năm đầy biến động

Thứ Tư, 01/01/2020, 22:07
Thế giới đã trải qua năm 2019 đầy biến động với hàng loạt sự kiện: Brexit; cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông; cái chết của Abou Bakr al-Baghdadi; sự nóng lên gay gắt của khí hậu toàn cầu; người đàn ông quyền lực nhất thế giới - Tổng thống Mỹ bị luận tội… chúng ta cùng điểm lại một số sự kiện quốc tế nổi bật đã diễn ra trong 2019 này.


Sự nóng lên của khí hậu toàn cầu

Tháng 6 và tháng 7 năm 2019 được xem là những tháng nóng nhất với mức nhiệt cao kỷ lục đã được ghi lại trong lịch sử thế giới. Sóng nhiệt cao kỷ lục này đã dẫn đến cái chết của nhiều người ở khắp nơi trên thế giới, chỉ riêng nước Pháp đã có hơn 1.500 người thiệt mạng. 

Vào tháng 12, Tổ chức Khí tượng Thế giới đã đưa ra nhận định rằng “Năm 2019 sẽ được ghi nhận là năm xếp thứ hai hoặc thứ ba trong số những năm nóng nhất đã được ghi nhận”.

Vượt qua rất nhiều nhân vật nổi tiếng khác, Greta Thunberg đã được Tạp chí Time bầu là nhân vật của năm, biểu tượng của cuộc đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tháng 9, cô gái trẻ người Thụy Điển Greta Thunberg đã có một bài phát biểu đầy giận dữ tại diễn đàn Liên hợp quốc. Trong bài phát biểu này cô đã lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng các đám cháy đang tàn phá những khu rừng ở California và Amazon. 

Còn tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP25 mới diễn ra ở Madrid, cô cáo buộc các nhà lãnh đạo của các quốc gia đã “dối trá” trong những cam kết chống lại sự nóng lên của khí hậu toàn cầu. Vào cuối năm, Tạp chí Time đã bầu cô là nhân vật của năm, một biểu tượng của cuộc đấu tranh để bảo vệ môi trường.

Biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông

Vốn là một thuộc địa cũ của nước Anh, Hồng Kông đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1997, thời điểm mảnh đất này được bàn giao lại cho Trung Quốc. Khởi đầu từ những cuộc biểu tình phản đối một dự luật cho phép dẫn độ tội phạm về Trung Quốc đại lục, nhưng cả khi dự luật này đã chính thức bị hủy bỏ, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra, những người biểu tình đã mở rộng các yêu sách của họ, đòi hỏi một chế độ phổ thông đầu phiếu bầu ra cơ quan lập pháp Hồng Kông.

Những người biểu tình Hồng Kông đối đầu với lực lượng cảnh sát.

Tháng 11, tại Đại học Bách khoa (PolyU), hàng trăm người biểu tình đã đối đầu gay gắt với cảnh sát. Tuy nhiên mức độ bạo lực giữa những người biểu tình và cảnh sát đã giảm đi đáng kể từ sau chiến thắng áp đảo của các ứng cử viên dân chủ trong cuộc bầu cử cấp quận ngày 24-11. 

Trưởng Đặc khu Hồng Kông Carrie Lam cho biết, chính phủ của bà “tôn trọng kết quả bầu cử”. Tuy nhiên nhà lãnh đạo này không có được sự tin cậy của những người biểu tình, họ kiên quyết đòi hỏi bà phải từ chức. Được Bắc Kinh bổ nhiệm, Carrie Lam luôn tỏ ra hăng hái ủng hộ Bắc Kinh trong chương trình “cải tổ” chính quyền Hồng Kông.

Brexit: liên tục bị trì hoãn

Việc nhiều lần phủ quyết thỏa thuận đã được ký kết giữa cựu Thủ tướng Theresa May và Liên minh châu Âu đã đẩy nước Anh vào một tương lai bất định. Sau ba lần hoãn ngày Brexit ( 29-3, 12- 4 và 31-10- 2019), cuối cùng thì chiến thắng vang dội của đảng Bảo thủ dưới sự lãnh đạo của Boris Johson trong cuộc bầu cử vào Hạ viện đã mở  rộng đường để nước Anh có thể rời khỏi EU vào ngày 31-1-2020 như đã dự kiến.

Ngày 19-12, Thủ tướng Anh Boris Johson đã đọc diễn văn về một chương trình lập pháp, trọng  tâm là việc triển khai kế hoạch Brexit vào ngày 31-1-2020 và việc tái cấp vốn cho dịch vụ y tế quốc gia (NHS), vốn đã suy sụp sau nhiều năm thắt lưng buộc bụng.

Bầu cử Tổng thống ở Ukraina

Vào ngày 31-3, người dân Ukraina được kêu gọi đi bầu vị tổng thống tương lai của họ. Chán ngán với giới chính trị truyền thống bị xem là bất tài và tham nhũng, người dân Ukraina đã có một lựa chọn đầy bất ngờ: nam diễn viên Volodymyr Zelensky đã được bầu lên làm Tổng thống. 

Kể từ khi ông lên cầm quyền, đã xuất hiện một số bước đi làm giảm căng thẳng giữa Nga và Ukraina. Tháng 12 đã có cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Zelensky và Putin, như một phần của các cuộc đàm phán nhằm khởi động lại tiến trình hòa bình tại Ukraine. 

Cuộc gặp mặt này diễn ra dưới sự bảo trợ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ngừng bắn, tiếp tục trao đổi nốt những tù binh còn lại, rút quân ra khỏi một số vùng chiến sự. Hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo đã phát đi những tín hiệu tích cực cho một nền hòa bình ở Ukraine.

Luận tội Tổng thống Mỹ

Ba năm sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ngày 31-10, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn một cuộc điều tra luận tội để bãi nhiệm ông Donald Trump. Bị tố cáo “lạm quyền” và “cản trở những hoạt động đúng đắn của Quốc hội”, ông là vị Tổng thống thứ tư của nước Mỹ bị điều tra để miễn nhiệm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với cuộc điều tra luận tội.

Người đứng đầu đảng Dân chủ, bà Nancy Pelosi, từ trước đó rất lâu tìm cách khởi động một tiến trình pháp lý chống lại Tổng thống Trump, khởi đầu từ “vụ việc Nga”.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã tiến hành một cuộc điều tra để tìm hiểu xem liệu có sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 hay không? Lần này đảng Dân chủ “quy kết” rằng tổng thống đã lạm quyền khi yêu cầu người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky mở cuộc điều tra con trai của một trong các đối thủ của ông, Joe Biden, để đổi lấy viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ. 

Hạ nghị viện Mỹ đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn cuộc luận tội vào ngày 18-12. Cuộc luận tội tại Thượng viện dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6-1-2020. Trên thực tế hiện nay, người ta còn chưa chắc chắn về những bước đi trong các phiên luận tội tại Thượng viện và thời gian diễn ra sự kiện này kéo dài bao lâu. Nhưng ông Donald Trump tiếp tục tại vị là chắc chắn, bởi để phế truất được tổng thống, đảng Dân chủ phải có được 67 lá phiếu ở Thượng viện trong khi họ chỉ có tối đa là 47 phiếu.

Khủng hoảng xã hội ở nhiều nơi trên thế giới

Kể từ đầu năm, những cuộc biểu tình trên đường phố với sự tham gia của đông đảo người dân đã nổ ra ở khắp các châu lục, từ Chile qua Iraq tới Liban. Những cuộc biểu tình này đều là những phản ứng gay gắt của người dân với chính quyền liên quan đến một số chính sách điều hành quốc gia. Một số chính quyền đã đáp trả bằng những biện pháp đàn áp cứng rắn, điều này thường dẫn đến những sự vi phạm nhân quyền khá thô bạo.

Các cuộc biểu tình vẫn liên tục diễn ra cho đến tận những ngày cuối cùng của năm 2019. Tại Chile, cuộc khủng hoảng đã làm hàng ngàn người chết và bị thương, chỉ tính riêng từ tháng 10 đến nay. Liên hợp quốc và nhiều tổ chức khác đã lên tiếng tố cáo những hành vi vi phạm nhân quyền của cảnh sát và quân đội của nước này. 

Để đáp trả, ngày 16-12, Tổng thống Sebastian Pinera tuyên bố sẽ đưa ra một dự luật với các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những kẻ tấn công cảnh sát. Tương tự như vậy, trong suốt một năm qua Liban vẫn là sân khấu nơi diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại giới tinh hoa chính trị bị tố cáo là bất tài và tham nhũng. Ngày 15-12 khán giả đã la ó phản đối, buộc cựu Thủ tướng Fouad Siniora phải rời khỏi một cuộc hòa nhạc Giáng sinh tại đại học Mỹ ở Beirut.

Cái chết của kẻ đứng đầu Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS)

Ngày 26-10, Abou Bakr al-Baghdadi, kẻ đứng đầu Nhà nước Hồi giáo tự phong (IS) đã kích hoạt một quả bom tự sát trong một cuộc đột kích vào nơi ẩn náu của hắn tại Syria do lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiến hành. 

Xác của Baghdadi sau đó đã được quăng xuống biển và Lầu năm góc không cung cấp thêm bất kỳ thông tin chi tiết nào liên quan đến địa điểm vứt xác của Baghdadi. IS ngay lập tức đã bầu người lãnh đạo mới của tổ chức này:  Abou Ibrahim Al-Hachimi Al-Qourachi. Nhân vật này cho đến nay vẫn hoàn toàn là bí ẩn với các cơ quan tình báo trên thế giới, một kẻ “hoàn toàn xa lạ”. 

Theo một quan chức cao cấp Mỹ, người ta đang cố gắng tìm hiểu xem Abou Ibrahim Al-Hachimi Al-Qourachi, có giống như người tiền nhiệm của hắn Baghdadi, đã từng là tù binh của quân đội Mỹ hay không. 

Kể từ khi tự xưng là người đứng đầu của “vương quốc Hồi giáo”, một vùng lãnh thổ với 7 triệu dân bao gồm những phần đất chiếm được của Iraq và Syria, Baghdadi đã trở thành kẻ bị truy lùng gắt gao nhất trên thế giới. Sau cái chết của hắn, những vụ tấn công đã tăng lên nhanh chóng ở miền bắc Syria.

Venezuela chìm trong khủng hoảng

Kể từ sau cái chết của Tổng thống Hugo Chavez vào năm 2013, nhất là sau sự sụt giá của dầu mỏ, nguồn thu chủ yếu của quốc gia Venezuela đã lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và xã hội: lạm phát phi mã, lương thực, thuốc men và các loại nhu yếu phẩm thiếu trầm trọng, gần 4 triệu người Venezuela đã phải bỏ nước ra đi. 

Bên cạnh khủng hoảng kinh tế và xã hội lại bùng phát thêm cuộc khủng hoảng về chính trị, khởi nguồn từ chiến thắng của phe đối lập trong cuộc bầu cử  quốc hội. Phe đối lập đã đáp trả bằng tuyên bố tự phong làm tổng thống lâm thời đưa ra ngày 23-1-2019 của Juan Guaido, lãnh tụ phe đối lập. Mỹ và một số nước đồng minh đã ngay lập tức tuyên bố công nhận “tổng thống” Juan Guaido. 

Mới đây nhất, ngày 3-12, 15 quốc gia trên lục địa châu Mỹ đã ban hành lệnh cấm Tổng thống Chavista Nicolas Maduro và một số đồng minh của ông vượt qua biên giới nước họ, lệnh cấm này như một phần trong các nỗ lực ngoại giao để đẩy nhà lãnh đạo này ra khỏi chiếc ghế quyền lực.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.