Những "ốc đảo" làm việc dành riêng cho phụ nữ ở Arab Saudi

Thứ Ba, 23/07/2019, 22:08
Tại nhà máy thực phẩm Luna ở ngoại ô phía đông nam Jeddah, Mashael Elghamdi ngồi làm việc trước máy tính, mặc áo phông và quần jean - một hình ảnh rất hiếm gặp ở Arab Saudi.


Cô làm việc trong một văn phòng toàn nữ giới nên việc ăn mặc cũng được quy định đơn giản hơn, không phức tạp như khi làm việc tại văn phòng có cả nam giới.

"Tôi muốn xây dựng một nhà máy hoàn toàn do phụ nữ điều hành"

Ở một xưởng sản xuất khác của nhà máy thực phẩm Luna, những người phụ nữ mặc quần áo công nhân dán nhãn mác lên các hộp thành phẩm. "Có 90 phụ nữ làm việc tại đây. Họ làm tất cả các khâu trong quá trình sản xuất", giám sát viên Fatima Albocationi nói. 

Khu làm việc của các đồng nghiệp nam được ngăn cách bởi một hành lang và một cầu thang. "Nếu máy móc có vấn đề, công nhân nữ cũng có thể khắc phục sự cố. Nếu có thể, tôi muốn xây dựng một nhà máy hoàn toàn do phụ nữ điều hành, không có bóng dáng của đàn ông. Theo kinh nghiệm của tôi, phụ nữ luôn làm việc đúng giờ và ít mắc lỗi hơn", Fatima Albocationi nói tiếp.

Khu vực làm việc nam và nữ được tách riêng kể từ khi phụ nữ được giao đảm nhận vị trí quản trị viên ở nhà máy Luna tám năm trước. 40 phụ nữ đầu tiên bắt đầu làm việc trong xưởng sản xuất từ năm 2013. 

"Chúng tôi làm việc chăm chỉ hơn đàn ông. Tôi cho rằng, nên tách biệt khu vực làm việc giữa nam giới và phụ nữ. Nếu làm việc với đàn ông, chúng tôi phải mặc abaya và niqab rất bất tiện. Là phụ nữ, chúng tôi dễ dàng trao đổi với nhau mọi việc", nhân viên El Elamamdi nói.

Trong các văn phòng làm việc của "SheWorks", không gian làm việc chỉ dành cho phụ nữ ở Riyadh được trang trí bắt mắt với những chiếc ghề màu hồng hoặc tím nhạt. Phía dưới văn phòng là nhà trẻ, nơi phụ nữ có thể gửi con khi làm việc. "Tôi chọn tòa nhà này vì nó có nhà giữ trẻ ở tầng dưới. 

"SheWorks" cung cấp dịch vụ tư vấn cho phụ nữ muốn khởi nghiệp. Nữ doanh nhân hiện chiếm khoảng 39% tổng số doanh nhân trong nước, cao hơn các lĩnh vực khác vì phụ nữ giàu có thường chọn cách thành lập doanh nghiệp riêng thay vì làm việc trong công ty do đàn ông làm chủ", người sáng lập "SheWorks" vào cuối năm 2014, Maha Shirah nói.

Cách Jeddah một giờ di chuyển về phía Bắc, trên bờ Biển Đỏ, có một khu vực được quảng cáo là "nơi làm việc tương lai của nữ giới" hay "ốc đảo làm việc được thiết kế dành cho phụ nữ". Khu vực bao gồm 48 nhà máy sản xuất các sản phẩm trong lĩnh vực vật tư y tế, thực phẩm và công nghệ.

Cơ quan quản lý công nghiệp Arab Saudi hay còn gọi là Modon cho biết, ý tưởng về các khu công nghiệp dành riêng cho phụ nữ xuất hiện vào năm 2012. Vào thời điểm đó, bản thiết kế thành phố làm việc chỉ dành cho phụ nữ Hồi giáo ở Al-Ahsa, phía đông thủ đô Riyadh đã được đưa ra. Năm 2015, Modon công bố thêm bốn khu vực tương tự trên cả nước. Tuy nhiên, thông tin về những dự án này ít được các phương tiện truyền thông đề cập.

Nhiều người cho rằng, xây dựng không gian làm việc chỉ dành cho phụ nữ là "biểu tượng của tương lai và quá khứ", một cách để khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội. Không gian làm việc chỉ dành cho phụ nữ là một hình ảnh trực quan mạnh mẽ về sự thay đổi, định vị phụ nữ là biểu tượng của Ảrập Xê Út mới.

Một góc văn phòng làm việc dành riêng cho nữ giới của công ty "SheWorks".

Chỉ số về khoảng cách giới vẫn còn xa

Luật pháp Arab Saudi quy định, phụ nữ chỉ có thể làm việc trong các lĩnh vực phù hợp với bản chất, thể lực của họ. Nhiều chủ lao động vẫn tiếp tục phân biệt giới tính, ưu tiên lao động nam. Trong thực tế, các quy tắc này thường được các nhà tuyển dụng "vận dụng" như một biện pháp để không tuyển dụng nữ giới.

Số lượng phụ nữ Ả Rập làm các công việc ngoài xã hội rất hạn chế. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ phụ nữ làm việc ngoài xã hội tăng chưa đến 7% trong giai đoạn 1990-2018, hiện chiếm 16,8% tổng số lao động. Ở Arab Saudi con số này cao hơn, ở mức 22%. 

Các quan chức Arab Saudi cho biết, sẽ cơ cấu lại nền kinh tế, loại bỏ sự phụ thuộc vào dầu mỏ vốn chiếm khoảng 50% tổng sản phẩm quốc nội. "Chìa khóa" để giải quyết vấn đề này là thúc đẩy việc làm trong nước, đặc biệt là tăng tỷ lệ phụ nữ làm việc ngoài xã hội lên mức 30% vào năm 2030. Arab Saudi bị đánh giá là một đất nước mà xã hội có sự dịch chuyển chậm hơn rất nhiều so với những lời hoa mỹ chính thức. 

Trong khi "Sáng kiến Phụ nữ tại nơi làm việc" đòi hỏi phải trả mức lương bằng nhau cho những công việc như nhau nhưng khoảng cách lương vẫn rất lớn. Trung bình phụ nữ Ảrập được trả lương ít hơn 56% so với nam giới. Theo "Global Gender Gap Index", năm ngoái, Arab Saudi đứng thứ 145 trong số 149 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới.

Theo các nhà hoạt động nhân quyền, tình trạng đàn áp đối với phong trào quyền phụ nữ, tổ chức nhân quyền vẫn xảy ra. Năm ngoái, 11 phụ nữ đã bị bắt giữ và truy tố vì hành động thúc đẩy quyền lái xe của phụ nữ trước khi nó hợp pháp hóa.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.