IS đang “mai phục” khắp Indonesia

Thứ Năm, 22/06/2017, 14:59
Người đứng đầu quân đội Indonesia vừa lên tiếng báo động về việc “các phần từ ẩn mình” của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang “lót ổ” khắp nơi trên đất nước, không chỉ đe dọa nước này mà toàn bộ khu vực Ðông Nam Á.


Hãng tin Reuters dẫn lời Tướng Gatot Nurmantyo cho biết, các mạng lưới bí mật liên quan đến tổ chức khủng bố IS đã xuất hiện “ở hầu hết các tỉnh” của quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới. Ông cũng cảnh báo các phần tử cực đoan này “có thể dễ dàng móc nối với các phần tử cực đoan khác”.

Nguy cơ tiềm ẩn

Các lực lượng vũ trang của Chính phủ Philippines đang bị kẹt cứng trong cuộc chiến khốc liệt với các lực lượng khủng bố thân IS trong nhiều tuần qua ở thành phố Marawi, phía nam đất nước, cách một số hòn đảo ở Indonesia không xa. Reuters dẫn lời quân đội Philippines cho biết các tay súng đã kiểm soát khoảng 20% số thành phố, nhưng các nguồn tin của khủng bố nói họ kiểm soát phần lớn thành phố.

“Việc chuyển từ Marawi sang Indonesia rất dễ dàng, nên tất cả chúng ta phải cẩn thận với những phần tử ẩn thân đang bị kích động ở Indonesia”, ông Murmantyo phát biểu trước các phóng viên tại một cuộc họp báo ở thủ đô Jakarta.

Tướng Gatot Nurmantyo trong cuộc họp báo mới đây ở Jakarta.

Indonesia là một nước Hồi giáo thế tục, với dân số Hồi giáo theo truyền thống thực hành các hình thái Hồi giáo vừa phải. Tuy nhiên, những năm gần đây, đất nước của khoảng 257 triệu người đã chứng kiến sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan cùng với các vụ tấn công khủng bố và các vụ đánh bom thường xuyên. 

Đất nước này đang thay đổi theo hướng ngày càng ít khoan dung với các tôn giáo khác. Điều này có thể thấy qua sự lao dốc chính trị của cựu Thống đốc nổi tiếng Jakarta, ông Basuki Tjahaja Purnama, một Kitô hữu thường được gọi là Ahok. Gần đây, ông này đã phải ngồi tù với cáo buộc báng bổ đạo Hồi.

Đe dọa toàn khu vực

Một khi IS và chân rết của chúng thiết lập được “cứ địa” ở Indonesia, Philippines hoặc một nước nào đó trong khu vực, toàn bộ Đông Nam Á sẽ bị đe dọa do tình trạng an ninh biên giới lỏng lẻo giữa các nước hiện nay.

Hầu hết các nước đang phát triển và các nước thu nhập trung bình đều thiếu tài nguyên và năng lực cần thiết để đối phó với những mối đe dọa xuyên quốc gia, vì vậy các chính phủ ngày càng tỏ ra lúng túng trước những hoạt động xuyên biên giới của các tổ chức tội phạm và khủng bố.

Thực tế, các mạng lưới tội phạm đang kiểm soát các hoạt động trải dài khắp Đông Nam Á hoặc kết nối các vùng khác nhau. IS và các nhóm khủng bố khác được tài trợ bằng số tiền thu được từ các loại tội phạm xuyên quốc gia và những dòng tiền bất hợp pháp khác.

Nghiên cứu mới nhất của Văn phòng Tội phạm và Ma túy Liên Hiệp Quốc cho biết, thu nhập của các loại tội phạm xuyên quốc gia toàn cầu vào khoảng 1.000 tỷ USD/năm, tương đương với GDP của một số nước trong G20. Tại Đông Nam Á, các tổ chức tội phạm đã buôn lậu người, vũ khí, động vật, ma túy và nhiều thứ khác qua các biên giới, với số tiền thu về ước tính lên tới 100 tỷ USD/năm.

Thêm vào đó, tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của khu vực đã cải thiện đáng kể con đường kết nối giữa các quốc gia, đã làm lợi cho các tổ chức tội phạm và khủng bố. Trong khi đó, mối quan hệ giữa các tổ chức tội phạm và khủng bố đã được biết đến từ lâu: Các tổ chức khủng bố nhúng tay vào hoạt động tội phạm để tăng ngân sách, và các tổ chức tội phạm dùng các hình thức khủng bố như những phương tiện để kiểm soát.

Đông Nam Á đã bị tổn thương vì khủng bố trong một thời gian dài, chẳng hạn các vụ tấn công ở Bali (2002 và 2005), Jakarta (2003, 2005, và 2009) và phía nam Philippines (2004). Các nhóm phiến quân Hồi giáo ở nam Philippines như Abu Sayyaf đã chiến đấu với chính quyền trong nhiều năm trời, và tỉnh có đông dân số Hồi giáo ở nam Thái Lan đã chứng kiến sự nổi dậy từ năm 2001. Với sự chuyển hướng của IS, nguy cơ khu vực chìm trong bạo lực khủng bố ngày càng gia tăng.

Nam Tiên
.
.
.