Cảnh sát Tây Ban Nha mạnh tay với tham nhũng

Thứ Năm, 04/02/2016, 08:00
Quyết định bắt thêm 14 đối tượng tại khu vực Valencia, miền Đông Tây Ban Nha của cảnh sát Tây Ban Nha hôm 26-1, đã nâng tổng số người bị bắt trong vụ bê bối tham nhũng mới có liên quan tới các cựu quan chức cấp cao của đảng Nhân dân (PP) cầm quyền lên con số 24. 


Theo cảnh sát, đây là một phần trong hoạt động điều tra một mạng lưới tham nhũng có liên quan tới nhiều quan chức nhà nước tại Valencia, xoay quanh việc nhận hối lộ từ các hợp đồng thuộc lĩnh vực công. Và trong những đối tượng bị bắt giữ kể trên đáng chú ý nhất là Alfonso Rus, cựu chủ tịch đảng PP của khu vực Valencia.

Phó Thủ tướng Soraya de Santamaria đã tuyên bố từ chức hôm 22-1 do một trong những cộng sự chính của mình có dính líu tới tham nhũng tại công ty quốc doanh về nước mà bà từng chịu trách nhiệm giám sát. Đây là vụ tham nhũng mới nhất trong những vụ bê bối từng gây ảnh hưởng tới uy tín của đảng PP, cũng như đảng Xã hội đối lập, khiến người dân Tây Ban Nha bất bình. Và vấn nạn tham nhũng từng khiến Thủ tướng Mariano Rajoy mất nhiều phiếu ủng hộ trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12-2015.

Thủ tướng Mariano Rajoy đối mặt với bê bối tham nhũng.

Hơn 1 năm trước (26-11-2014), Bộ trưởng Y tế Ana Mato đã từ chức và trở thành chính khách cấp cao đầu tiên trong chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy phải ra đi vì liên quan tới cáo buộc tham nhũng. Bà Ana Mato quyết định từ chức sau bình luận của người đứng đầu cuộc điều tra vụ án tham nhũng mang tên Guertel.

Trong vụ án này, hơn 40 chính khách của đảng PP tại địa phương và khu vực bị tố cáo đã nhận lại quả và hối lộ từ các nhà thầu tư nhân. Chồng cũ của Bộ trưởng Y tế là nghi can chính trong vụ án này.

Trước đó (30-10-2014), Tòa án Tây Ban Nha từng buộc tội 26 chính trị gia thuộc đảng PP cầm quyền và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn trong vụ bê bối tham nhũng lớn nhất lịch sử nước này. Thẩm phán Eloy Velasco đã ra lệnh tạm giam tiếp 5 nghi phạm, cho phép bảo lãnh 8 nghi phạm, phóng thích 1 nghi phạm và buộc tội 1 nghi phạm.

Trong số các nghi phạm phải hầu tòa, dư luận quan tâm tới 2 Thị trưởng, 15 thành viên Hội đồng thành phố và Chủ tịch Didier Maurice của Spain for Cofely (công ty con của hãng năng lượng Pháp GDF Suez), người bị tình nghi gian lận và tham nhũng. Tiếp đến là Francisco Granados, từng là nhân vật số 2 của đảng PP tại Madrid, đã từ chức hồi tháng 2-2014 sau khi tờ Tây Ban Nha El Mundo cáo buộc ông có tài khoản trị giá 1,5 triệu euro tại một ngân hàng ở Thụy Sĩ, nhưng không khai báo.

Ngày 28-10-2014, cảnh sát đã bắt 51 người, bao gồm nhiều thành viên cấp cao của đảng PP để phục vụ cho cuộc điều tra tham nhũng kể trên. Và vụ bắt giữ này diễn ra khi phiên tòa xét xử vụ án tham nhũng lớn nhất trong lịch sử Tây Ban Nha đang quy án đối với 95 bị cáo, trong đó có những quan chức cấp cao, và tổng án phạt dành cho họ lên tới 500 năm tù. Phiên tòa này khai đình ở thành phố Malaga với sự tham dự của 100 luật sư và 300 phóng viên.

Phó Thủ tướng Soraya de Santamaria tuyên bố từ chức hôm 22-1.

Theo tờ The Guardian, đây là một phần của cuộc điều tra nhằm vào "một mạng lưới tham nhũng" liên quan đến các hợp đồng trị giá khoảng 250 triệu euro. Trong khi đó trang The Local cho biết, cuộc điều tra tập trung chủ yếu vào các tòa thị chính và chính quyền ở Madrid, Murcia, Leon và Valencia. Theo thông báo của Văn phòng công tố viên chống tham nhũng Tây Ban Nha, các nghi phạm sẽ phải đối mặt với những tội danh nhận hối lộ, rửa tiền, tham ô và lợi dụng chức vụ trong việc cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp.

Việc hàng loạt vụ tham nhũng bị phơi bày trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, phúc lợi xã hội bị cắt giảm, nền kinh tế suy yếu khiến người dân Tây Ban Nha vô cùng bức xúc. Khi đó, Thủ tướng Mariano Rajoy đã phải chính thức xin lỗi trước công chúng vì vụ bê bối tham nhũng này. Đồng thời nhấn mạnh, không chấp nhận mọi hình thức tham nhũng và tất cả những thành viên đảng PP bị bắt trong vụ bê bối kể trên đều bị khai trừ khỏi đảng ngay lập tức.

Gần nửa năm trước, cảnh sát từng tiến hành một loạt cuộc khám xét bất ngờ tại nhiều địa điểm thuộc quyền quản lý của Tổ chức Vì Độc lập xứ Catalan, trong khuôn khổ điều tra về những nghi vấn tham nhũng tại đây. Việc này diễn ra sau khi cảnh sát nghi vấn Fundacio CatDem bí mật làm trung gian, nhận những khoản tài trợ bất hợp pháp của một số doanh nghiệp, sau đó chuyển khoản tài trợ này cho Đảng Hội tụ và Dân chủ xứ Catalan. Đổi lại, chính quyền Catalan đã trao nhiều dự án phát triển ở địa phương cho số doanh nghiệp kể trên.

Trước đó (tháng 7-2015), cảnh sát đã khám xét nhà riêng, trụ sở văn phòng và thẩm vấn Jordi Sumarroca Claverol, doanh nhân thành đạt ở xứ Catalan, xung quanh những nghi vấn này.

Tuệ Sỹ
.
.
.