Dấu ấn tại Đại hội Thi đua ‘Vì An ninh Tổ quốc’

Thứ Sáu, 07/08/2015, 08:29
Khi nghe anh nói bằng tiếng dân tộc Sán Chỉ, cả hội trường thinh lặng ngạc nhiên. Khi nghĩa của câu nói ấy được anh dịch sang tiếng Việt là lời chúc mừng nồng nhiệt, tất thảy tán thưởng bằng tràng pháo tay hân hoan...

Điều bình dị

Sằn A Phật - người chiến sĩ trong bộ sắc phục đại lễ mang hàm Thượng úy đọc tham luận kể lại những điểm nhấn trong công tác của mình, về kỷ niệm dân vận ở đồng bào dân tộc huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Nghe hành văn suôn chảy, những diễn tả chân thực mà lắng sâu, tôi hình dung “bài văn giàu cảm xúc” mà tác giả cũng là nhân vật chính được đề cập trong bài.

Sằn A Phật kể lại chính việc làm của mình và câu chuyện chân thực lại pha chất dí dỏm này như tô điểm sắc màu mới tại Đại hội: “Có lần vừa lên bản, tôi được một thanh niên nhất định kéo vào nhà uống  rượu mừng. Anh ta liến thoắng bằng tiếng dân tộc. Nghe xong, tôi hiểu anh ta đang khoe: Hồi cưới cái vợ, bố mẹ vợ thách cưới cao quá. Giờ anh ta không thích cái vợ nữa nên gả cho thằng A Tài ở xã bên, anh ta thách cưới cao hơn cả bố mẹ vợ mà thằng A Tài vẫn ưng. Thế là có lãi rồi... Tôi biết, hủ tục “bán vợ” vẫn còn tồn tại đây đó trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các khái niệm hôn nhân một vợ, một chồng, luật hôn nhân gia đình đối với họ còn rất xa lạ. Tôi phải vận dụng hết vốn hiểu biết tiếng dân tộc của mình, giảng giải cho bà con dần dần cho dễ hiểu để bà con từ bỏ và làm theo đúng quy định của pháp luật”.

 
Thượng úy Sằn A Phật.

Hay việc bỏ học của trẻ em ở các xã vùng cao là chuyện thường diễn ra, Sằn A Phật phải tìm cách tiếp cận các em. “Có thời gian cứ chuẩn bị lên bản là tôi mang theo bánh kẹo với trang phục chỉnh tề ngồi chơi cùng bọn trẻ. Chúng rất thích trang phục của các chú Công an, đứa đòi đội mũ kêpi, đứa mân mê cầu vai, ve hàm. Tôi mới mang chính câu chuyện của bản thân mình ra kể, từ hồi học lớp 4 đến hết lớp 9, ngày nào tôi cũng mất nửa ngày đường đi bộ từ nhà ở xã Đại Dực xuống trường ở Trung tâm huyện Tiên Yên để đi học. Nhiều lần đói, mệt, nản quá cũng muốn bỏ học, nhưng nếu bỏ học thì làm sao bây giờ được đứng trong hàng ngũ của lực lượng Công an. Bọn trẻ nghe xong thấy có vẻ cũng rất thấm thía, chúng bảo nhau cố đi học... vì thích mặc trang phục Công an” – người lính dân tộc Sán Chỉ kể bằng sự chân thực của mình.

Đại hội thi đua, tất nhiên trong nghìn vạn việc tốt, nếu viện dẫn những câu chuyện trên thì thật bé nhỏ, chỉ là những buổi xuống bản thôi, như bao ngày những người lính an ninh vẫn làm. Nhưng điều thường nhật, dung dị, lại rất chất phác ấy thực sự có ý nghĩa lan tỏa và thấm lòng người, tựa như ngụm nước mát không có gì to tát mà vẫn dịu êm lòng người.

Chú - cháu và hai người anh hùng

Xen lẫn giữa những điều bình dị ấy, lại có những việc làm, những hành động mà chúng ta thường dùng tính từ “anh dũng, can trường, mưu trí” để mô tả, nhất là khi nói khí phách của cá nhân, đơn vị điển hình. Chính sự gom trộn giữa các sắc thái ấy làm nên bức tranh tổng hòa của Đại hội thi đua Vì ANTQ, có những cung bậc mạnh, những việc làm lớn lao đan xen sắc thái dịu nhẹ, những điều bình dị thường ngày. Tôi tham dự cả ba kỳ Đại hội thi đua Vì ANTQ gần nhất và nhận thấy mẫu số chung ở sự kiện này. 10 năm trước, người đứng đầu Phòng CSĐT tội phạm về ma túy xứ Nghệ là Đại tá Hồ Xuân Hòa, anh làm hội trường lắng lại khi thể hiện chất thi sĩ với vần thơ tặng vợ viết sau những đêm nằm lán truy bắt “cọp xám” (trùm ma túy) ở ven đô nước bạn Lào. 

Hai Anh hùng LLVTND: Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm và Thượng tá Nguyễn Đức Cường.

Nghe thơ, lại ngẫm những chuyện kể của người chiến sĩ – thi sĩ trong cuộc chiến chống lại tội phạm vượt qua “tuyến lửa” hai bên dãy Trường Sơn, tôi tin rằng, ở địa bàn ấy, ở đơn vị và con người ấy, chất liệu anh hùng đã tự lan tỏa. 5 năm sau, tại Đại hội thi đua Vì ANTQ lần thứ VI, bản tham luận của Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, vị “tư lệnh” Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Nghệ An đã thực sự lay chạm vào góc thiêng liêng nhất: cái tình người, tình đồng chí, đồng đội trong lằn ranh giữa sự sống và cái chết. 

Bản tham luận của anh kể về người lính mà ngoài đời vẫn gọi mình bằng chú – cháu trong trận đánh với tội phạm ma túy ở miền Tây xứ Nghệ, tháng 5/2010.

Trong trận đánh lúc sương núi còn bủa vây ấy, đạn từ súng của tội phạm đã nã vào tổ công tác, trong đó Thiếu tá Nguyễn Đức Cường bị thương rất nặng ở vùng bụng. “Chú ơi, chú đừng lo, cháu vẫn xông lên trấn áp được” – người lính nói giọng cứng cáp sau khi dính đạn và lao lên phía trước. Súng đã ngưng nổ, Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm và đồng đội nén nước mắt vào trong khi phát hiện những vệt máu đỏ ộc chảy từ bụng người chiến sĩ… 

Nhiều người dự đại hội năm ấy đã móc vội túi áo lau nhanh dòng nước mắt rớm rưng. Tại đại hội đó, người nêu trong bản tham luận của Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm là Thiếu tá Nguyễn Đức Cường cùng có mặt, anh là nhân chứng, là điển hình làm nên sự lắng đọng đầy ý nghĩa cao cả và thiêng liêng. Hai năm sau, anh Cường được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Và thật kỳ duyên, lên bục nhân danh hiệu vinh dự Anh hùng LLVTND tại Đại hội lần này là Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, từng là thuyền trưởng của Phòng CSĐT tội phạm ma túy đất Nghệ. Một lần nữa, hai thầy - trò, hai anh hùng, hai chú – cháu, hai người đồng đội trên trận tuyến chống cái chết trắng đều cùng có mặt để Đại hội tôn vinh. Giờ đây, Thượng tá Nguyễn Đức Cường tiếp bước Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm trên cương vị Trưởng phòng CSĐT tội phạm ma túy, Công an tỉnh Nghệ An. “Ngày đó, nếu viên đạn kẻ ác dịch vài phân thì bây giờ mình đã xanh cỏ” – anh nắm chặt tay tôi...

Vượt lên số phận

Nhiều chia sẻ, nhiều cảm xúc lắng sâu sau mỗi kỳ đại hội. Trong giờ giải lao Đại hội, tôi dừng lại trước người cán bộ quản giáo và nhận ra ở anh sự thánh thiện toát lên ngay cái nhìn đầu tiên. Anh là Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh, cán bộ Trại giam Thủ Đức. Vo tròn tờ giấy kẻ ô ly trong tay, anh nói: “Bản báo cáo của tôi đây, xin gửi nhà báo”. 

Bước lên góc sau hội trường Đại hội, tôi mở tờ giấy ô ly ra. Thật không thể ngờ, một con người đang mắc căn bệnh thế kỷ như anh vẫn dung dị, vẫn thánh thiện và thực sự can trường. 15 năm trước, trong một lần chăm sóc, giáo dục phạm nhân, anh bị một đối tượng bị AIDS hắt cả ca máu và dịch vào người. 

“Năm 2003, tôi xây dựng gia đình, đến tháng 7/2004, khi vợ chồng tôi chuẩn bị đón đứa con đầu lòng tại Bệnh viện 30-4 thì tôi được Bệnh viện thông báo kết quả xét nghiệm 2 vợ chồng dương tính với HIV. Tất cả như sụp đổ trong tôi và trong lúc đau đớn, vợ tôi đã mất khi chưa một lần được cho con bú hay nghe tiếng gọi “mẹ”. 

Ở vào hoàn cảnh như thế nhưng những tâm sự của anh, người cán bộ Cảnh sát trại giam vẫn toát lên nghị lực, can trường: “Công tác ở đơn vị quản lý, giáo dục số lượng phạm nhân khá đông, đặc biệt các phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo nhưng tôi không nề hà, không mặc cảm, mà tự đáy lòng mình hiểu rõ tâm lý người bệnh để tìm cách giáo dục, cảm hóa. Tôi chỉ nghĩ điều chân thực: còn sống ngày nào, tôi vẫn phải làm cho trọn, cho xứng bộ sắc phục mình mang trên người”…

Gói lại một vài ngày, rồi đại hội khép lại. Cuộc sống vẫn cuộn chảy để hẹn thêm 5 năm nữa, nhiều người trong số họ sẽ gặp lại nhau. Nhưng sự cuộn chảy ấy không bao giờ làm chìm những gì phía trước; ngược lại đó là sự kế tục, sự tỏa thiêng trên nền truyền thống, như những gì các bậc tiền bối đã dựng tạo, như những con người tôi vừa nhắc ở trên.

Đúng như sự ghi nhận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Chúng ta vui mừng, phấn khởi, xúc động và khâm phục những tấm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu, là những bông hoa đẹp trong vườn hoa tươi thắm và tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; các đồng chí đã nêu cao tinh thần xả thân vì nước, vì dân, vượt lên khó khăn gian khổ và cám dỗ đời thường”…

Đăng Trường
.
.