Xây dựng văn hóa để cải tạo phạm nhân

Thứ Tư, 25/06/2008, 10:14
Chúng tôi đến Trại giam Thanh Phong (đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa) vào những ngày cuối tháng 6, khi những con đường trong khuôn viên trại trải đầy rơm vàng. Không khí học tập, lao động, cải tạo vui tươi nơi đây khác hẳn với những gì người ta thường nghĩ về nhà tù.

Chúng tôi còn bất ngờ khi biết, nhiều năm nay hơn 3.000 phạm nhân rất tích cực tham gia phong trào "Ủng hộ những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, không người thăm gặp". Ở nơi lao tù, phong trào giàu tính nhân văn cao cả này đã đánh thức tâm can bao con người một thời lầm lạc.

Trưởng thành từ gian khó

Nhìn cơ ngơi của Trại giam Thanh Phong hôm nay với những dãy nhà khang trang, kiên cố ẩn mình trong tán cây xanh, ít ai biết rằng đã có thời điểm trại gặp khó khăn tưởng chừng không thể vượt. Năm 1978, trại được xây dựng trên vùng đồi 4.000ha (thuộc địa giới 3 xã Hóa Quỳ, Thanh Phong và Thanh Lâm thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Đồi núi rậm rạp, khí hậu khắc nghiệt, lũ lụt thường xuyên, đi lại trắc trở khiến những người đầu tiên xây dựng trại gặp không ít khó khăn. Đội ngũ cán bộ cốt cán hôm nay là những người  từng chịu đựng khó khăn gian khổ. Quần chúng, chính quyền địa phương đã giúp đỡ trại rất nhiều trong những ngày đầu.

Tháng 2/1979 chiến tranh biên giới, trại phải tiếp nhận 4.000 phạm nhân di chuyển từ các trại cải tạo số 1, Trại Phong Quang và khu sản xuất Hồng Thắng đóng trên địa bàn tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ. Vừa tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa tiếp nhận phạm nhân mới trong điều kiện phải đảm bảo yêu cầu giam giữ ở mức tối thiểu có thể.

Chỉ từ tháng 6/1978 đến tháng 12/1979 trại đã hoàn chỉnh cơ bản xây dựng khu giam giữ phạm nhân, nơi ăn ở, công tác của cán bộ, chiến sĩ 5 phân trại. Từ tháng 12-1980 đến tháng 6-1982 trả tự do cho 3.911 đối tượng, dẫn giải trên 2.000 phạm nhân Z6 vào các trại giam phía Nam đảm bảo an toàn. Tháng 5-1982 trại được bàn giao cho Công an tỉnh Thanh Hóa và xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn mới ở huyện Nông Cống và một phần huyện Như Xuân.

Thời điểm mới thành lập, cơ sở vật chất của trại đều tạm bợ, hệ thống giam giữ chủ yếu bằng tranh tre, phương tiện nghiệp vụ phục vụ cho công tác chiến đấu còn thiếu thốn. Cộng vào đó, lụt lội thường xuyên xảy ra, hiệu quả sản xuất thấp. Năm 1989, cơn bão số 6 tàn phá hầu hết cơ sở của trại. Năm 1992, trại được chuyển về Cục Quản lý trại giam (Bộ Nội vụ) và tiếp tục xây dựng các khu sản xuất với nhiều ngành nghề.

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Thanh Phong phát huy truyền thống cha anh, bằng ý thức tự lực tự cường, năng động sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, xây dựng đơn vị ngày càng phát triển, tạo một cơ sở vật chất vững chắc. Việc mở mang ngành nghề, quy mô sản xuất tạo đủ việc làm cho phạm nhân, góp phần nâng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân.

Từ năm 1990 đến nay, trại tiếp nhận quản lý giam giữ 9.622 phạm nhân, tham gia truy bắt theo kế hoạch 327 của Bộ Công an được 30 phạm nhân trốn từ những năm trước, mở 35 lớp khai thác cho 3.500 phạm nhân, ngăn chặn được trên 500 lượt phạm nhân vi phạm nội quy trại giam.

Cùng với thành tích trong công tác quản lý, giam giữ phạm nhân đảm bảo trại giam an toàn, công tác giáo dục thực hiện chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước được quan tâm. Đặc biệt, môi trường văn hoá trại giam luôn được Ban Giám thị quan tâm xây dựng và phát triển. Văn hóa trại giam được thể hiện trong chính sách đối với phạm nhân, trong các hoạt động văn hóa thể thao và cả cách tuyên truyền, giáo dục nhân cách để cảm hóa con người.

Xây dựng môi trường văn hóa

Điều chúng tôi ấn tượng nhất khi đến Trại giam Thanh Phong có lẽ là hình ảnh những phạm nhân lao động trong trạng thái tinh thần rất vui vẻ. Đâu đó vang lên tiếng nhạc, tiếng hát yêu đời. Trung tá Nguyễn Ngọc Nhung, Đội trưởng Đội Giáo dục Trại giam Thanh Phong còn kiêm cả phụ trách Đội văn nghệ.

Trại là đơn vị luôn có phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi. Các hoạt động vui chơi giải trí, học tập nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp đều được Ban Giám thị đặc biệt quan tâm. Bởi vậy, từ năm 1994 đến nay, trại luôn phối hợp với Học viện CSND, Trung cấp CSND mở các lớp đào tạo cho cán bộ, chiến sĩ.

Đối với phạm nhân, việc giáo dục cũng được áp dụng nhiều phương pháp linh hoạt. Lớp học xóa mù cho các phạm nhân luôn được duy trì thường xuyên. Nhiều phạm nhân khi ra trại biết đọc, biết viết đã rất xúc động, nhất là gia đình họ. Nhiều gia đình cảm động đã viết thư cảm ơn trại tạo điều kiện giúp họ học văn hoá.

Từ năm 1998 đến nay đã có 10 lớp văn hóa xoá mù cho 400 phạm nhân chưa biết đọc, biết viết. Ở tất cả các phân trại của Trại giam Thanh Phong, nơi ăn ở sinh hoạt của phạm nhân đều ngăn nắp, sạch sẽ. Tất cả các phân trại đều có phòng đọc sách, 100% buồng giam có tivi màu, quạt thông gió, phân trại có bệnh xá điều trị cho phạm nhân.

Hiện tại trại có 3 khu điều trị tại 3 bệnh viện huyện, tỉnh. 4/4 phân trại có sân bóng chuyền, cầu lông. Ngoài các chế độ, chính sách của Nhà nước, hàng năm trại chi cho phạm nhân ăn thêm, tiền thuốc men chữa bệnh, tiền thưởng cho phạm nhân từ 700-800 triệu đồng...

Có một việc làm đặc biệt và rất nhân văn ở Trại giam Thanh Phong mà hiếm nơi nào có được, đó là phong trào "Ủng hộ những phạm nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không người thăm gặp" được tổ chức trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Từ năm 2005 đến nay, phạm nhân đã ủng hộ thông qua tiền lưu ký được trên 30 triệu đồng để tổ chức mua quà cho số phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Với nỗ lực, cố gắng của các cán bộ, chiến sĩ, Trại giam Thanh Phong đã tạo cho mình bề dày thành tích. Khó mà kể hết những phần thưởng, danh hiệu xứng đáng mà cán bộ, chiến sĩ của trại đã được tặng thưởng: Nhiều năm liền Đảng bộ được công nhận trong sạch vững mạnh; năm 2000, 2003 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba, hạng nhì; được nhận Bằng khen văn hóa cấp Bộ; Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng nhì... Năm 2008 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất...

Chúng tôi tạm biệt Trại Thanh Phong để rồi nhớ mãi hình ảnh các phạm nhân bắt tay chúc mừng phạm nhân Mai Văn Hoàng ngày mai được ra trại. Khuôn mặt họ tươi rói, những cái bắt tay chắc nịch, lời dặn dò ở lại cải tạo tốt... Cuộc sống vẫn đang ở phía trước, chờ đợi họ bên ngoài. Ngày mai họ sẽ hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng

Việt Hà - Cao Hồng
.
.