Vượt khó giữa rừng tràm U Minh hạ

Thứ Năm, 15/02/2007, 09:25
“Mình là công an, là chiến sĩ cách mạng, còn người ta là tội phạm. Nếu mình ở trong nhà, cho họ ở ngoài sân chịu nắng, chịu mưa thì họ sẽ hiểu không đúng về mình” - Giám thị Trại giam Cái Tàu, Trần Hoàng Thọ tâm sự.

Tính cách y hệt như nhiều “Hai Lúa” Nam Bộ này, Thọ “đen” luôn cởi trần và rít thuốc lá liên tục. Qua cả ngày trò chuyện với ông “giám thị nông dân” này, tôi thích nhất là chuyện khẩn hoang vùng rừng thiêng nước độc để làm lúa, trồng rừng, nuôi tôm, nuôi cá.

Và cũng bắt đầu từ những ngày tháng gian lao đã hun đúc nên đức tính truyền thống của Trại. Đó là sự đồng cam, cộng khổ của tập thể cán bộ, chiến sĩ để biến rất nhiều điều tưởng rằng không thể thành có thể cùng lúc với việc cảm hóa, giáo dục hàng ngàn con người lầm lỗi thành người tốt. Trong làn gió xuân ấm áp tràn về, tôi đắm mình trong những câu chuyện của Cái Tàu - Trại giam nằm xa xôi, biệt lập nhất trên vùng đất cực Nam Tổ quốc.

Thượng tá Trần Hoàng Thọ - bạn bè quen gọi anh là Thọ “đen” năm nay đã bước vào tuổi sáu mươi. Cho đến Tết này, anh không nhớ đã cùng anh em, bạn bè, đồng đội ăn Tết giữa chốn rừng U Minh khắc nghiệt này bao nhiêu lần rồi.

Cởi chiếc áo thun vắt lên đùi, để lộ thân mình đen sạm như cột nhà cháy, anh đốt thuốc rồi bắt đầu câu chuyện với tôi từ cái mốc thời gian mà tập thể cán bộ, chiến sĩ của Trại không thể nào quên cái ngày Thọ “đen” cùng 20 cán bộ, chiến sĩ và 17 phạm nhân cùng ngồi  trên một chiếc ghe cũ nát để chuyển từ Cây Gừa về điểm đóng quân mới - xã Khánh An, huyện U Minh - nơi tôi và anh đang ngồi đây. Cả vùng đất hàng ngàn hecta là một phần diện tích của cánh đồng mà chỉ có cỏ sống được vào mùa mưa. Mùa nắng, cả cánh đồng vàng chát.

Giám thị Trần Hoàng Thọ tổ chức học tập nội quy trại cho phạm nhân.

Khắc nghiệt quá nên nhiều nông dân kỳ cựu cũng không chịu nổi, bỏ xứ mà đi. Nhưng với một người từng là chiến sĩ nhí của Tiểu đoàn U Minh 2 - đơn vị vũ trang chủ lực của Cà Mau, và sau này có hàng chục năm làm “dân” PCCC như Thọ “đen” thì chẳng có gì là khó cả. “Súng đạn, lửa bỏng không làm mình ngã xuống thì cớ gì thời bình lại chịu thua cái khó!”.

"Chỉ cách trung tâm tỉnh lỵ 15 cây số, chắc chắn mai này, ở đây sẽ có đường, có điện”. Trấn an thuộc cấp như thế rồi Thọ “đen” lại sắp xếp cho 17 phạm nhân vào 5 căn nhà lá của đơn vị trước đó không chịu nổi vùng đất khó này để lại.

“Mới chuyển về chỗ mới, sao lấy căn nhà đó để làm việc hoặc không thì cho anh em ở mà lại làm chuyện ngược đời - lo cho phạm nhân?” Tôi hỏi. Thọ “đen” gạt ngang: “Mình là công an, là chiến sĩ cách mạng, còn người ta là tội phạm. Nếu mình ở trong nhà, cho họ ở ngoài sân chịu nắng, chịu mưa thì họ sẽ hiểu không đúng về mình; hình ảnh người chiến sĩ Công an cách mạng bị nhòa trong tâm trí, tình cảm họ”.

Các CBCS trẻ của Trại Cái Tàu trong phút giây thư giãn.

Nói như vậy chứ Thọ “đen” lăn lộn, cùng anh em chạy đắp nền, rồi tìm tràm, tìm lá lo chỗ làm việc và nơi ở cho cán bộ, chiến sĩ. Đưa cho tôi miếng mứt gừng cay cay, anh nhắc lại việc lo cái ăn cho hàng ngàn phạm nhân vào những năm đầu lập Trại Cái Tàu. “Để họ đói thì dẫn tới hậu quả: một là, họ không có sức lao động; hai là, ảnh hưởng tới chế độ, chính sách”.

Vậy là anh em thống nhất chủ trương khiến cả những phạm nhân không thể ngờ: “Tất cả cán bộ, chiến sỹ đều phải lao động cùng với phạm nhân!”. Nói xong, bất kể trời đang mưa dông rào rào, anh cởi trần, quần đùi nhảy xuống đồng cỏ cùng với anh em và phạm nhân đào đất, xẻ kênh xổ phèn.

Chạy đua với thời gian, có lúc người ta thấy tập thể cán bộ, chiến sỹ và hàng ngàn phạm nhân làm quần quật luôn cả ban đêm dưới ánh đèn măng-sông. Một lần nọ, Thọ “đen” tâm đắc với ý của cấp phó mình rằng phạm nhân trốn trại phần đông là họ không chịu nổi cực khổ. Nếu anh em mình nỗ lực lao động, chấp nhận cực khổ như họ thì họ sẽ có suy nghĩ khác đi rất nhiều.

Cán bộ quản giáo và phạm nhân trong giờ lao động.

Thọ “đen” nhớ lại: “Sau khi đất được xổ phèn, vụ lúa đầu tiên được 2 tấn/ha. Nhiều người không tin, nhưng khi tới trực tiếp thực địa, người ta lại chẳng thể ngờ. Chẳng bao lâu sau đó, Trại Cái Tàu lại nổi tiếng hơn khi thực hiện thành công các mô hình sản xuất: Rừng - Tôm - Cá hay Cá - Lúa - Rừng...

Với công tác bảo vệ rừng, khó ai có thể quên được hình ảnh hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và mấy trăm phạm nhân cùng lăn xả vào khói lửa để cứu rừng U Minh hạ vào mùa khô 2002, 2003.

Đại úy Đặng Ngọc Huy - Đội trưởng Tham mưu Trại cho biết, từng có mặt ngay từ những ngày đầu khó khăn, vất vả, ngoài anh Thọ “đen”, còn có anh Tố A, Mười Dũng, Sáu Nhiệm, Hoàng Diệp, Thuận Nguyễn, Thuận Huỳnh, các anh Nô, Luốc, Vẹn, Đoàn, Cường...

Tất cả đều rất bình dị, dân dã, lam lũ nhưng hết sức nhân hậu, bao dung chẳng khác nào Thọ “đen”. Và khi tôi hỏi, họ nói chẳng khi nào nhẩm tính rằng mình đã bao nhiêu năm rồi ăn Tết giữa chốn rừng tràm, rừng đước nơi cuối đất này.

Hôm ngồi hỏi chuyện Tết trong Trại với Thiếu tá Thương - Đội trưởng quản giáo, anh kể: “Tết ở đây chủ yếu vẫn là cây nhà lá vườn: tôm cá, đặc sản đồng quê có sẵn; bánh tét, rượu nếp U Minh thơm lừng... Sau những hoạt động văn nghệ mừng xuân, anh em cán bộ, chiến sỹ chứng kiến niềm vui của số phạm nhân được đặc xá, đoàn tụ với gia đình cũng cảm thấy ấm áp, vui lây rồi!”.

Tôi đến Bệnh xá của Trại, gặp Thiếu tá, bác sĩ Diệp, 34 tuổi ngành, 28 tuổi nghề mà chẳng ngờ công việc của những thầy thuốc giữa chốn U Minh vào những dịp cuối năm cũng hết sức vất vả, bề bộn.

Nhà anh ở TP Cà Mau - cách đơn vị chỉ 15km nhưng cũng như nhiều cán bộ, chiến sỹ khác, chuyện Tết nhứt là vợ, con tự lo; phút giao thừa thì chúc nhau qua... điện thoại. Tất cả đều dồn sức lo cho những cái Tết của phạm nhân

Binh Huyền
.
.