Đảng bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng:

Vững vàng trong cuộc chiến với tội phạm “cổ cồn trắng”

Thứ Ba, 13/10/2015, 08:02
Tội phạm “cổ cồn trắng” lúc nào cũng sẵn sàng bỏ ra một số tiền rất lớn để mua chuộc lực lượng Công an khi bị điều tra về hành vi phạm tội của mình. Họ cũng có nhiều mối quan hệ nên khi rơi vào vòng lao lý luôn tìm mọi cách tác động để thoát tội.

“Chính vì đối tượng đấu tranh của lực lượng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về kinh tế và tham nhũng rất nhạy cảm, khó khăn và phức tạp nên Đảng ủy và lãnh đạo Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng đã xác định công tác xây dựng lực lượng là nhân tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đến thành công của đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ được giao”- Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng cho biết.

Để “rèn” được một đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất tốt, hoàn thành nhiệm vụ được giao, hằng năm, Đảng ủy Cục đều có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng cán bộ có phẩm chất năng lực để tăng cường cho các phòng. Tổ chức rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, bố trí luân chuyển, sắp xếp cán bộ vào các vị trí phù hợp với năng lực sở trường của từng đồng chí; đưa các cán bộ trẻ xuống địa phương học hỏi kinh nghiệm thực tế…

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng chỉ đạo công tác tại đơn vị.

Đảng ủy, lãnh đạo Cục đã xây dựng những quy chế, quy trình làm việc hết sức chặt chẽ. Mỗi cán bộ, chiến sỹ khi làm việc phải tuân thủ nghiêm ngặt việc báo cáo các cấp lãnh đạo. Nhưng theo Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đức Thịnh, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người. Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Và trước hết, lãnh đạo các cấp trong đơn vị phải là “đầu tàu gương mẫu”, có tâm và có tầm trong công việc. Tất cả các hoạt động phải minh bạch: công tác cán bộ, hậu cần, kinh phí nghiệp vụ, phân công con người làm nhiệm vụ…  

Không phải ngẫu nhiên, danh sách các vụ án điểm được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề cập đến hầu hết do Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng điều tra. Trong nhiệm kỳ, số chuyên án mới được xác lập tăng cao hơn nhiệm kỳ trước, nhiều chuyên án lớn nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được khám phá và khởi tố điều tra. Số vụ án khởi tố mới cũng như số tiền, tài sản thu hồi qua các vụ án nộp ngân sách Nhà nước cũng tăng cao hơn nhiệm kỳ trước. Trong nhiệm vụ, đơn vị đã phát hiện, khởi tố mới 153 vụ với 599 bị can; kết luận điều tra 150 vụ với 828 bị can…

Những vụ án “nổi tiếng” được khám phá khiến dư luận đánh giá cao như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng Giao dịch Ngân hàng Công thương Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, lừa đảo chiếm đoạt trên 4.600 tỷ đồng của các tổ chức và cá nhân, khởi tố 23 bị can. Rồi vụ bắt giữ Nguyễn Đức Kiên, tức “bầu Kiên”, Chủ tịch HĐQT của 3 công ty phạm các tội “kinh doanh trái phép”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”.

Quan trọng hơn cả, qua công tác bắt giữ, xử lý, đơn vị đã phát hiện một số vướng mắc trong cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước, từ đó kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành bổ sung, sửa đổi các văn bản cho phù hợp với tình hình thực tế. Như qua vụ án Nguyễn Đức Kiên đã chứng minh với Đảng, Nhà nước, Chính phủ về hoạt động “thâu tóm” ngân hàng, phục vụ “lợi ích nhóm” bằng thủ đoạn lợi dụng sơ hở trong Luật Tổ chức tín dụng và quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các đối tượng đã phát hành trái phiếu để vay tiền ngân hàng, sau đó dùng tiền vay mua cổ phiếu ở các ngân hàng khác tạo sở hữu chéo, “thâu tóm” ngân hàng.

Sau đó, các đối tượng dùng tiền huy động chuyển cho công ty “sân sau” phục vụ cho lợi ích nhóm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tài chính tiền tệ của Nhà nước. Khi vụ án được đưa ra xét xử một cách nghiêm minh đã được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ, Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá cao, góp phần quan trọng làm lành mạnh thị trường tài chính - tiền tệ.

Trong nhiệm kỳ, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (trước khi hợp nhất là Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ và Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng) đã có 4 tập thể và 14 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân, Huy chương hạng nhất, nhì và ba; 6 tập thể, 20 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; đơn vị Cục nhiều năm liền  được Bộ Công an tặng Cờ đơn vị thi đua xuất sắc và danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; 22 tập thể, 74 cá nhân được Bộ Công an tặng Bằng khen và nhiều tập thể và cá nhân được các bộ, ngành và Tổng cục Cảnh sát tặng Giấy khen…
T. Hòa
.
.