Viện 69 và nhiệm vụ đặc biệt

Thứ Hai, 10/08/2009, 09:40
Ra đời đúng vào ngày kết thúc lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh (9/9/1969), 40 năm qua, Viện 69 mang trọng trách trực tiếp tiến hành toàn bộ công tác y tế và nghiên cứu khoa học công nghệ, để giữ gìn lâu dài và bảo vệ an toàn tuyệt đối thi hài Hồ Chủ tịch.

Bằng tình cảm với Bác, bằng ý thức trách nhiệm lớn lao, các giáo sư, bác sĩ ở đây đã cống hiến trí tuệ, sức lực, để luôn hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh. Năm 1995, Viện là đơn vị đầu tiên thuộc Bộ Tư lệnh (BTL) Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lao động.

Viện còn được nhận nhiều Huân chương Chiến công, Huân chương Quân công, Huân chương Lao động cùng nhiều Cờ thưởng của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và 25 năm liền là Đơn vị Quyết thắng. Viện còn được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ vào năm 2000.

Biết bao khó khăn đến với các bác sĩ ở Viện trong 4 thập kỷ qua, khi đây là ngành khoa học mới mẻ ở Việt Nam. Việc tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong thời kỳ đầu càng khó khăn, do hoàn cảnh chiến tranh, cơ sở vật chất và thiết bị cơ bản, hóa chất và ngay cả đồ vải, đồ hấp sấy phục vụ công tác bảo quản thi hài vô cùng thiếu thốn.

Nghiên cứu khoa học ở Viện 69 để phục vụ công tác gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch.

Hầu hết các hoạt động phải làm thủ công: giặt trang bị phòng hộ, vệ sinh môi trường... Song, với khát vọng sớm độc lập tự chủ trong nhiệm vụ đặc biệt này, ngay từ ngày đầu bỡ ngỡ, các bác sĩ đã tự khắc phục mọi khó khăn, mạnh dạn tiến hành các nghiên cứu khoa học, hình thành cơ sở nghiên cứu trong tương lai, thúc đẩy việc nghiên cứu thực nghiệm đúng hướng.

Nhiều hội thảo khoa học về những vấn đề liên quan đến việc gìn giữ nguyên vẹn, lâu dài thi hài Bác được tổ chức, mở ra định hướng lớn cho công tác nghiên cứu khoa học trong nhiệm vụ y tế đặc biệt của Viện.

Cũng từ thời kỳ đầu tiên, các bác sĩ đã mạnh dạn tiến hành ướp bảo quản và gìn giữ lâu dài các thi thể thực nghiệm và đến nay, kết quả đã được khẳng định. Chính sự mạnh dạn trong tiếp thu công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam, đã là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta quyết tâm gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch tại Việt Nam, đồng thời, tổ chức sơ tán thi hài Người nhiều lần trong những năm chiến tranh an toàn tuyệt đối.

Với nhận thức rằng, đội ngũ cán bộ khoa học giữ vai trò quyết định trong mục tiêu gìn giữ an toàn thi hài Hồ Chủ tịch ở mọi hoàn cảnh, Viện đã chú trọng tuyển chọn đội ngũ cán bộ kế cận có năng lực, bản lĩnh, được đào tạo ở trong và ngoài nước, để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, chất lượng công tác nghiên cứu.

Thực tế, với kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học, với những bài học kinh nghiệm quí, chỉ sau 10 năm, Viện đã trưởng thành về mọi mặt. Trên cơ sở đó, Viện từng bước tiếp nhận công nghệ từ các chuyên gia, tổ chức tốt nhiệm vụ làm thuốc thường xuyên, làm thuốc lớn cho Bác và phục vụ lễ viếng hiệu quả.

Với sự nỗ lực của từng thành viên đã giúp cho Viện 69 vững vàng bước qua những khó khăn tưởng như khó vượt khi Liên Xô tan rã. Các chuyên gia bạn từng có lúc gần nửa năm không sang giúp đỡ được, nhưng Viện vẫn đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ làm thuốc thường xuyên.

Đại tá Lê Công Bằng, Phó Giám đốc Viện 69, kể lại: Từ năm 1990, Viện đã chủ động đề xuất, trao đổi để bạn giúp từng bước đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc thi hài Bác, tiến tới làm chủ mọi mặt.

Trước những biến động ở Đông Âu, Viện đã sẵn sàng tinh thần làm chủ tình hình. Biện pháp quan trọng của Viện là luôn giáo dục mọi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc tính chất, yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn lâu dài an toàn thi hài Bác là nhiệm vụ hàng đầu. Từ đó, chỉ huy Viện đã bàn bạc thống nhất và mạnh dạn đề xuất với cấp trên việc chủ động làm thuốc khi các chuyên gia không sang được.

Kết quả của các thực nghiệm và các công trình nghiên cứu khoa học nhiều năm qua đã tạo được sức thuyết phục lớn, để các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước yên tâm về năng lực, trình độ của các bác sĩ của Viện đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Năm 1991, tổ chuyên gia thường xuyên đã giảm từ 3 người xuống 2 người, chủ yếu giúp ta đào tạo, tư vấn một số việc và phối hợp với ta làm thuốc lớn cho Bác. 

Bước tiến vượt bậc trong công tác gìn giữ lâu dài thi hài Bác được đánh dấu bằng việc vươn lên làm chủ công nghệ, khi năm 1992, bạn đã giao cho Viện quản lý dung dịch sau 23 năm trực tiếp quản lý. Cũng từ đây, các bác sĩ đã tự đảm nhiệm được việc làm thuốc thường xuyên.

Hơn thế, khi chuyên gia sang chậm 10 ngày, Viện đã tự làm thuốc lớn đúng thời gian qui định. Những cố gắng này là tiền đề quan trọng để từ năm 1995, Viện hoàn toàn tự chủ trong lĩnh vực ướp bảo quản thi hài, khi các chuyên gia thường xuyên kết thúc thường trực tại Việt Nam.

Đặc biệt, với lô dung dịch đầu tiên do Viện và các chuyên gia pha chế tại Hà Nội vào năm 2004, đã chứng tỏ bước phát triển mạnh mẽ về khoa học cũng như đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực này. Từ đây, mọi công việc làm thuốc thường xuyên và bảo vệ lâu dài thi hài Bác hoàn toàn do Viện đảm nhiệm, để chủ động được nhiệm vụ trong mọi hoàn cảnh.

40 năm qua, với số lượng cán bộ không nhiều, nhưng Viện 69 đã có tới 34 đề tài nghiên cứu khoa học trong nước và 9 đề tài hợp tác với bạn. Trong đó, có 4 đề tài cấp Nhà nước và 7 đề tài cấp Bộ với những đóng góp quan trọng vào công tác gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch: Năm 1987, lần đầu tiên, Viện tiến hành nghiên cứu khoa học đề tài cấp Nhà nước "Một số vấn đề về môi trường không khí khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh" (đồng chí Nguyễn Gia Quyền và Doãn Huy Nghi đồng chủ nhiệm).

Năm 1992, Viện tiếp tục tiến hành đề tài khoa học cấp Nhà nước "Nghiên cứu bảo quản thi hài lâu dài để phục vụ gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh" do PTS. Vũ Văn Bình làm chủ nhiệm. Với những đóng góp to lớn vào quá trình gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch, đề tài này đã được nhận Giải thưởng Nhà nước.

Với việc coi trọng công tác nghiên cứu khoa học, công tác gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch ở Viện ngày càng được tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất. Kết quả của các công trình khoa học đóng góp không nhỏ vào thực hiện nhiệm vụ trọng tâm ở Viện.

40 năm qua, không năm nào Viện không được nhận phần thưởng do các cấp trao tặng, đã cho thấy nỗ lực vươn lên của từng cán bộ, chiến sĩ ở vị trí đặc biệt này 

Thái Hoàng
.
.