Vị tướng gắn bó trọn đời mình với chủ quyền an ninh biên giới

Thứ Hai, 18/09/2006, 08:11

Dấu chân của Trung tướng Trịnh Trân đã in đậm trên khắp nẻo đường biên giới, hải đảo với tâm niệm là xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả phòng tuyến biên phòng.

6h10' ngày 14/9/2006, Trung tướng Trịnh Trân, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Quốc hội khóa IX, nguyên Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã vĩnh biệt chúng ta. Suốt 54 năm hoạt động cách mạng sôi nổi của đồng chí đã để lại cho chúng ta một tấm gương kiên trung, sáng ngời về ý chí cách mạng của một vị tướng gắn bó trọn đời mình vì sự nghiệp chủ quyền an ninh biên giới.

Sinh ngày 25/11/1928, ở thôn Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, nhưng tuổi thơ của Trung tướng Trịnh Trân lại gắn bó với khu phố Vườn Cam, thị xã Cao Bằng. Vì nhà nghèo gia đình phải phiêu bạt lên xứ gạo trắng nước trong, bởi âm hưởng của câu ca dao "Mình về nuôi cái cùng con; để anh đi trẩy nước non Cao Bằng". Lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, nhìn dòng Bằng Giang cuộn chảy, nghe tiếng còi tầm của thực dân Pháp gọi quân ở pháo đài thị xã đã gieo vào lòng đồng chí Trịnh Trân chí căm thù giặc sâu sắc và lòng yêu nước nồng nàn.

Ngày 8/2/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Pác Bó, Trường Hà, dòng chảy cách mạng từ Đôn Chương, Hà Quảng nhanh chóng lan xuống thị xã Cao Bằng tạo thành phong trào cách mạng sục sôi, trong lòng người thanh niên quê lụa tràn ngập niềm vui, cùng đoàn người dao phay, mã tấu đứng lên biểu tình chống lại sự đàn áp hà khắc của thực dân Pháp, thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng" khao khát sự đổi đời đến với mọi người.

Được cách mạng giác ngộ, tháng 5/1945, đồng chí Trịnh Trân gia nhập Mặt trận Việt minh thuộc khu Nước Giáp và tham gia cướp chính quyền tại thị xã Cao Bằng ngày 21/8/1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Trịnh Trân tham gia vệ quốc đoàn và được cử đi học lớp quân chính để về xây dựng lực lượng Công an và phong trào bình dân học vụ ở địa phương. Tháng 1/1947, được cử đi học Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 2 (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1), sau khi ra trường về tham gia chiến dịch Việt Bắc tại quê hương cách mạng Cao Bằng.

Từ một sĩ quan tham mưu tác chiến, chỉ huy Liên đội vũ trang tuyên truyền hoạt động phá tề trừ gian trong vùng địch hậu; Đội trưởng Đội Biệt động Trung đoàn 74, Cao Bằng; Chính trị viên Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316; cán bộ Cục Địch vận, Tổng cục Chính trị, phụ trách tù hàng binh, đến tháng 10/1959, đồng chí Trịnh Trân được bổ nhiệm Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang. Đây là bước ngoặt quan trọng để rồi 40 năm sau đó, đồng chí Trịnh Trân gắn bó với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Tháng 11/1961 đến tháng 11/1980, đồng chí Trịnh Trân được bổ nhiệm làm Phó Văn phòng, Phó Tham mưu trưởng, Tham mưu trưởng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Do sắc sảo trong công việc, nhạy bén trong chỉ đạo, tháng 12/1980, được bổ nhiệm Phó Tư lệnh và đến tháng 9/1990 làm Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Từ tháng 9/1991 đến tháng 11/1998 là Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội khóa IX. Do có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng, tháng 4/1984, đồng chí Trịnh Trân được phong quân hàm Thiếu tướng và đến tháng 12/1992 được phong quân hàm Trung tướng.

Trên cương vị là Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với tầm cao chiến lược, Trung tướng Trịnh Trân nhận thức sâu sắc rằng, biên giới - bờ biển, hải đảo, mảnh đất phên giậu của nước ta có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng và đối ngoại. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta mà trước hết là người dân nơi tuyến đầu biên giới đã đoàn kết một lòng, hy sinh xương máu để giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ thực tế sinh động của phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đồng chí Trịnh Trân đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ Tư lệnh tham mưu cho Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ ban hành Quyết định 16, lấy ngày 3/3 hàng năm là "Ngày Biên phòng toàn dân" huy động sức mạnh cả nước vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Để cụ thể hóa ngày Biên phòng trong tình hình mới, Trung tướng Trịnh Trân ngày đêm trăn trở, cùng Bộ Tư lệnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 15, tăng cường chỉ đạo, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở các xã, phường biên giới, biển đảo. Qua 17 năm thực hiện Ngày Biên phòng và 8 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, thế trận biên phòng được củng cố và nâng lên tầm cao mới, phong trào bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, tạo thành sức mạnh to lớn để quân, dân biên giới ngày đêm vững vàng bám trụ nơi biên cương Tổ quốc.

Dấu chân của Trung tướng Trịnh Trân đã in đậm trên khắp nẻo đường biên giới, hải đảo với tâm niệm là xây dựng, củng cố và nâng cao hiệu quả phòng tuyến biên phòng. Trên 40 năm gắn bó với lực lượng, Trung tướng Trịnh Trân đã xây dựng cho Bộ đội Biên phòng lớp cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên trì bám đất, bám dân, vượt qua mọi hy sinh, thử thách, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Tuy được Nhà nước cho nghỉ, nhưng Trung tướng Trịnh Trân vẫn dành thời gian nghiên cứu các tài liệu, tổng kết thành bài học, giúp cho Bộ đội Biên phòng những kinh nghiệm quý báu về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Trải qua nhiều cam go thử thách, đảm nhận nhiều cương vị công tác khác nhau, Trung tướng Trịnh Trân là một vị Tư lệnh giỏi cả về chính trị và quân sự, luôn kiên định vững vàng trước phong ba, bão táp, là tấm gương sáng về lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, trọn nghĩa, vẹn tình với anh em đồng chí, được cán bộ, chiến sĩ lực lượng Bộ đội Biên phòng và nhân dân biên giới tin yêu quý trọng.

Quá trình tham gia hoạt động cách mạng của đồng chí Trịnh Trân

- Từ tháng 4/1945 đến 8/1945 - Tham gia Thanh niên cứu quốc, Mặt trận Việt Minh khởi nghĩa tại thị xã Cao Bằng.

- Từ tháng 9/1945 đến 12/1946 - Tham gia Vệ quốc quân chi đội A Cao Bằng, cử về thị xã xây dựng tự vệ, hoạt động ở địa phương.

- Từ tháng 1/1947 đến 10/1947 - Học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 2.

- Từ tháng 11/1947 đến 12/1949 - Trợ lý tham mưu tác chiến, Chỉ huy Liên đội vũ trang, Đội trưởng Đội Biệt động thuộc E74 Cao Bằng.

- Từ tháng 1/1950 đến 6/1953 - Chính trị viên C674, Chính trị viên phó, Chính trị viên Tiểu đoàn 251.E174, F316.

- Từ tháng 7/1953 đến 8/1954 - Bổ túc chính trị trung cấp, Đội trưởng Đội phát động giảm tô đợt 1, 2; cán bộ Cục Địch vận Tổng cục Chính trị.

- Từ tháng 9/1954 đến 9/1959 - Trưởng ban Tuyên huấn Phòng Chính trị F350, Phó phòng Địch vận Tổng cục Chính trị.

- Từ tháng 10/1959 đến 10/1961 - Trưởng phòng Dân vận Cục Chính trị Công an nhân dân vũ trang (CANDVT).

- Từ tháng 11/1961 đến 4/1963 - Phó Văn phòng Bộ Tư lệnh CANDVT.

- Từ tháng 5/1963 đến 11/1974 - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh CANDVT, Học viên Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng ban Nghiên cứu Khoa học Biên phòng.

- Từ tháng 12/1974 đến 11/1980 - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh CANDVT.

- Từ tháng 12/1980 đến 4/1990 - Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng BĐBP.

- Từ tháng 5/1990 đến 8/1991 - Quyền Tư lệnh BĐBP.

- Từ tháng 9/1991 đến 11/1998 - Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương - Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh BĐBP.

- Từ năm 1992 đến 1997 - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Quốc hội khóa IX.

- Đồng chí Trịnh Trân được phong quân hàm Thiếu tướng tháng 4/1984, Trung tướng tháng 12-1992.

- Tháng 12/1999 đồng chí được Nhà nước cho nghỉ hưu.

Do những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Trung tướng Trịnh Trân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhì, hạng ba và nhiều Huân chương cao quý khác.

Lê Ngọc Đỉnh
.
.