Vì nguồn máu an toàn phục vụ đồng đội

Thứ Hai, 21/12/2009, 20:00
Được thành lập từ năm 1979, Khoa Huyết học và Truyền máu đã có 30 năm phát triển, trưởng thành. Từ một tổ xét nghiệm huyết học, đến nay đã có 22 cán bộ, nhân viên với gần 50% có trình độ đại học và sau đại học. Hiện Khoa có hai bộ phận chính: xét nghiệm huyết học - truyền máu và ngân hàng máu. Đặc biệt, Khoa có hai phòng xét nghiệm đạt chuẩn quốc gia: phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định và phòng xét nghiệm H1N1.

Lãnh đạo Bệnh viện 19-8 và cán bộ, nhân viên Khoa Huyết học -Truyền máu luôn đặt lên hàng đầu yêu cầu bảo đảm an toàn nguồn máu "đầu vào" của ngân hàng máu. Ngân hàng máu của Khoa là đầu mối duy nhất trong hệ thống y tế ngành Công an; hằng năm, lấy và lưu trữ 4.000 - 5.000 đơn vị máu.

Ths. Trần Văn Tính, Phó trưởng khoa cho biết: Từ năm 2006, khi Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện của Bộ Công an được thành lập, đến nay 41% nguồn máu là từ cán bộ, chiến sĩ, sinh viên Công an tự nguyện hiến. Ban chỉ đạo đặt mục tiêu, đến năm 2010 nâng tỉ lệ này lên hơn 80% và năm 2011 là 100% lượng máu có được từ nghĩa cử của những người tình nguyện hiến máu.

Ths. Trần Văn Tính tâm sự: Qua 30 năm xây dựng, trưởng thành, các thế hệ cán bộ, nhân viên trong Khoa luôn trăn trở làm sao bảo đảm nguồn máu phục vụ công tác điều trị, đặc biệt là những cán bộ, chiến sĩ bị thương trong khi đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, đột xuất về thiên tai, tai nạn...

Trước khi tiến hành lấy máu tự nguyện, các y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên trong khoa thường đến tận các đơn vị, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giao lưu để tạo sự gắn kết. Bản thân cán bộ, nhân viên trong khoa cũng nêu cao tinh thần tự nguyện hiến máu vì đồng đội. Bên cạnh đó, được sự quan tâm của Ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện của Bộ, gần đây, nhận thức về hiến máu nhân đạo đã được lãnh đạo Công an các đơn vị, các trường CAND quan tâm, ủng hộ.

Mới đây, khi tổ chức tiếp nhận hiến máu tại Học viện ANND, một nữ sinh viên do thiếu cân nặng nên không được lấy máu, đã bật khóc và nhất quyết xin được hiến máu. Hoặc trường hợp một cán bộ trại giam Nam Hà (Cục V26) tới Bệnh viện 198 thăm người quen đang nằm điều trị, đã tìm tới Khoa Huyết học - Truyền máu, xin được hiến máu. 

Trong những năm gần đây, Khoa Huyết học và Truyền máu đã tiến hành sản xuất thành công huyết tương giàu tiểu cầu, hồng cầu khối, hồng cầu rửa, khối tiểu cầu... phục vụ điều trị tại các chuyên khoa. Các chế phẩm này đã góp phần giải quyết tốt đợt cao điểm điều trị bệnh nhân bị sốt xuất huyết và cúm A/H1N1 vừa qua...

Đặc biệt, khoa đã triển khai thêm nhiều xét nghiệm sinh học phân tử theo kĩ thuật PCR có giá trị trong chẩn đoán viêm gan; các xét nghiệm phục vụ ghép thận, phục vụ tốt 4 ca ghép thận đầu tiên của Bệnh viện 19-8.

Trong những năm tới, Khoa Huyết học - Truyền máu phấn đấu trở thành Trung tâm Huyết học - Truyền máu nhằm phát triển về chuyên môn, mở rộng khả năng hợp tác và phục vụ tốt yêu cầu điều trị của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Với những thành tích đã đạt được trong 30 năm xây dựng, trưởng thành, tập thể và nhiều cán bộ, nhân viên Khoa Huyết học - Truyền máu Bệnh viện 198 đã được Bộ Công an, Tổng cục Hậu cần trao tặng nhiều phần thưởng. Song phần thưởng rất ý nghĩa, rất lớn với họ chính là niềm tin của đồng chí, đồng đội

Duy Hiển
.
.