Trưởng Công an xã Ndu Ha Bông: "Chiến binh thép" của Tây Nguyên

Thứ Bảy, 09/09/2006, 07:57

Nghe xong những điều Trưởng Công an xã Ha Bông nói, dân làng ai cũng gật gù cho là rất phải. Từ khi Ha Bông dạy mọi người tin vào... khoa học kỹ thuật, tin vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước thì những thầy cúng "hết đất làm ăn"...

Ngày nào cũng vậy, đôi chân chắc nịch của Ndu Ha Bông miệt mài sải khắp bình nguyên bao la của xã Đạ M'Rông (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) như không thấy mệt. Ndu Ha Bông bảo, người M'Nông, người Cil ở xã vùng xa, vùng sâu nơi Ha Bông ở và làm Trưởng Công an xã ấy thật thà như đất đỏ bazan, hiền lành như hạt thóc trong bồ vậy nên trước đây đã bị kẻ xấu như con cọp, con beo trong rừng dụ dỗ, lừa phỉnh mà bỏ nương, bỏ rẫy chui rúc tít tắp vào chốn ngàn sâu theo bè đảng Fulrô.

Khi "thiên đường" chẳng thấy đâu, chỉ thấy những khổ cực đói khát, ốm đau thì những người lầm lạc đã quay về. Chính vậy, Ha Bông phải đi, phải đến từng nhà, gặp từng người để động viên, hướng dẫn họ không nghe theo kẻ xấu, chí thú làm ăn trên chính mảnh đất quê mình...

Bài trừ hủ tục

Với dân Đạ M'Rông ngày trước thì Ha Bông là người nhiều chữ. Chính thế, sau giải phóng, Bộ đội Cụ Hồ đã vận động Ha Bông làm thầy giáo để dạy cái chữ cho đồng bào. Ha Bông bảo, chính từ những tháng ngày vất vả làm "kỹ sư tâm hồn" dạy cái chữ Bác Hồ ấy mà Ha Bông ngày càng được người M'Nông, người Cil ở Đạ M'Rông tin yêu. Năm 1990, Ha Bông được bà con tín nhiệm, chính quyền địa phương tin tưởng bầu làm Trưởng Công an xã. Thấm thoát đã gần 20 năm Ha Bông gắn bó với... nghề Công an...

Ha Bông kể, trước đây, người M'Nông, người Cil ở cao nguyên bao la ấy luôn bị "con ma đói nghèo", "con ma hủ tục" rình rập. Cách TP Đà Lạt chưa đầy 150 cây số mà người Đạ M'Rông như sống trong một thế giới khác. Ở đó, mọi người chỉ tin tưởng vào thầy cúng, mo then. Giầu nghèo không do sự siêng năng chăm chỉ quyết định mà nghĩ do con ma nó ám, muốn sung sướng thì phải mổ con lợn mấy gang, con bò mấy sải cúng ma thì mới... thỏa ước mong. Kinh hoàng hơn, thủa ấy, nghe lời mo then, hễ có mâu thuẫn gì là mọi người giải quyết với nhau bằng "luật của ma lai" chứ không cần chính quyền, đoàn thể...

Làm Trưởng Công an xã, Ndu Ha Bông quyết tâm xoá sạch tận gốc vấn nạn đã trở thành kinh niên này. Ha Bông biết, chính cái lối suy nghĩ lạc hậu, những hủ tục rườm rà tốn kém đã làm dân Đạ M'Rông nghèo. Muốn mọi người nghe theo lời mình để thay đổi nếp nghĩ, thì mình phải là người đi trước, phải chăm chỉ làm ăn để nhà quanh năm được ấm no. Có thế nhà nhà mới theo, người người mới thôi nghe lời mo then mà luôn làm theo những điều mình chỉ bảo.

Thực hiện "kế hoạch dài hạn" ấy, việc đầu tiên là Ha Bông tự học để nâng cao kiến thức cho mình. Cái chữ Ha Bông có thủa trước là nhiều, nhưng giờ, so với xã hội hiện đại thì anh tự thấy còn vơi lắm. Vậy nên, mỗi tối, con Ha Bông lôi sách vở ra học, Ha Bông cũng đèn sách miệt mài. Ha Bông học cách trồng cây lúa cho ra nhiều hạt, trồng cây ngô cho những bắp to. Cứ mải mê học, miệt mài làm chỉ sau có mấy năm, nhà Ha Bông thóc lúa đã đầy bồ, ngô sắn chất đống ngoài hiên, trâu bò thì đếm ngón tay không hết.

Thấy nhà Ha Bông giàu, người M'Nông, người Cil ở đây không bảo cũng cứ lũ lượt tới hỏi xem Ha Bông làm cách nào mà ấm no đến vậy. Và, những khi ấy, Ha Bông thỏa sức nói những điều mà mình tâm huyết. Ha Bông kể, nghe xong những điều anh nói, dân làng ai cũng gật gù cho là rất phải. Từ khi Ha Bông dạy mọi người tin vào... khoa học kỹ thuật, tin vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước thì những thầy cúng "hết đất làm ăn"...

Đồng hành cùng những "bước chân một thời lầm lỡ"

Trước đây, nhiều người M'Nông, người Cil bị kẻ xấu lừa phỉnh. Chúng bảo, cứ bán trâu bò, bỏ nương, bỏ rẫy vào rừng theo chúng khi... Yàng (Giàng) về thì chẳng phải cuốc đất mỏi tay, tra hạt mỏi lưng thóc lúa vẫn đầy nhà. Thiếu hiểu biết, nhẹ dạ nên nhiều người đã bị chúng lừa. Luồn rúc như con thú đói mồi trong rừng, trải qua không biết bao nhiêu gian nguy, hoạn nạn vậy mà phú quý giàu sang vẫn ở mãi đâu đâu. Khi biết mình bị mắc mưu kẻ xấu, nhiều người đã bỏ trốn, quay trở lại với vòng tay bao dung của buôn làng.

Ha Bông bảo, ở Đạ M'Rông có cả thảy gần 30 người như thế. Với những người đã một thời lầm lỡ đi lạc hướng mặt trời này, Ha Bông và chính quyền địa phương luôn có những sự quan tâm đặc biệt. Theo Ha Bông thì mọi chuyện cũng chỉ tại họ nhẹ dạ, thiếu hiểu biết nên khi họ trở về thì rất cần sự đùm bọc, sẻ chia, độ lượng của dân làng, nhất là những người làm chính quyền như Ha Bông.

Nhà Bon Krong Ha Song thôn Liêng Krắc I trước đây nghèo lắm. Chính bởi nghèo đói bủa vây nên khi nghe kẻ xấu lôi kéo, xúi giục Ha Song đã bỏ vợ, bỏ con để băng rừng theo giặc phỉ. Khi biết mình bị chúng lừa cộng với nỗi nhớ vợ con, buôn làng, Ha Song đau khổ lắm. Trốn về, thế nhưng, đã làm điều có lỗi, Ha Song xấu hổ không dám ra ngoài, suốt ngày chỉ ru rú trong nhà.

Biết nỗi khổ tâm của Ha Song, ngay từ ngày làm Trưởng Công an xã, Ha Bông đã muốn là một người bạn thân thiết để giúp Ha Song dịu bớt nỗi mặc cảm đang giằng xé trong lòng. Ha Bông kể, lúc đầu gặp Ha Song, Ha Bông không vui cái bụng bởi Ha Song cứ lầm lì cậy răng chẳng nói một lời. Thế nhưng, cứ đến nhà, cứ chân tình hỏi han đặc biệt là những lúc nhà Ha Song có việc hay đau ốm thì mọi chuyện đã thay đổi hẳn. Giờ, giống như nhiều gia đình có người trước đây nhẹ dạ nghe theo kẻ xấu khác, nhà Ha Song đã có bát ăn bát để.

Ha Bông tâm sự, ra Hà Nội tham gia cuộc giao lưu CAND được dân tin, dân yêu trong cuộc vận động "Xây dựng lực lượng CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ", ở nhà, vợ con cùng tất thảy dân làng đang đếm từng ngày đợi Ha Bông về.

Họ muốn Ha Bông về để kể cho họ nghe những gì mà Ha Bông đã nghe, đã thấy, đã gặp ngoài Thủ đô yêu dấu. Ha Bông bảo, lần này về Ha Bông sẽ làm tốt hơn nữa chức phận của mình. Có vậy thì lần sau mới lại có cơ hội ra Hà Nội... dự "điển hình tiên tiến" và để lại được vào lăng viếng Bác Hồ

Đào Thanh Tuy
.
.