Triệt phá tội phạm mạng ở vùng đất lửa

Thứ Tư, 10/05/2017, 08:52
Những năm qua, tội phạm mạng, "con đẻ" của công nghệ cao, được ví như những kẻ "tàng hình", bởi thủ đoạn gây án hết sức tinh vi, với những phương thức thường xuyên thay đổi, khó đoán, khó lần tìm ra dấu vết của chúng.


Loại tội phạm này có mặt trên khắp thế giới, cứ bình quân 12 giây, chúng lại gây ra một vụ án. Tuy nhiên, ở vùng đất Quảng Trị, một tỉnh lẻ ở miền Trung và cả nước, cách đây 5 năm trước, loại "tội phạm tàng hình" vẫn còn khá xa lạ với nhiều người. Điều đáng nói, sau khi đối diện với loại tội phạm này chỉ thời gian ngắn, các chiến sĩ Công an đã tổ chức triệt phá  thành công nhiều vụ án.

Bất ngờ và đau đớn

Cho đến bây giờ, sau 5 năm xảy ra việc con trai phạm tội, vợ chồng ông L.Q.T. và bà Ng.Th.V., ở phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị vẫn chưa hết bất ngờ và đau đớn.

Ông bà buồn bã kể lại: "Năm 2012, cháu Lâm Quang Trung đang học lớp 11 thì bắt đầu có biểu hiện đi sớm về muộn, nhưng vợ chồng tui không mấy nghi ngờ con, bởi nó bảo rằng đi học nhóm với bạn và học thêm ở nhà thầy, cô để chuẩn bị cho việc học lên lớp 12 và thi cử vào đại học sau này. Thời gian sau đó, chúng tôi cũng có phát hiện cháu thỉnh thoảng cũng có chơi games ở quán internet, nhưng nghĩ việc chơi chỉ là giải trí, giảm stress mỗi khi việc học hành quá sức. Cho đến khi cháu mang về nhà ít tiền và mua xe máy mới, bảo với mẹ nó "tiền do con thắng games", tui đã bắt đầu hoài nghi việc nó làm, nhưng chưa kịp tìm hiểu thì bất ngờ phải chứng kiến cảnh cháu bị tra tay vào còng số 8. Sau này nghĩ lại, con hư cũng tại mình; tại vì mình thiếu sự quan tâm, tìm hiểu nó", ông T. thở dài.

Vậy là ước mơ nuôi con ăn học, thi đỗ vào đại học, cao đẳng để sau này có công việc làm ăn ổn định, thoát cảnh nông thôn tay lấm chân bùn, suốt ngày gập lưng xuống ruộng mà cái ăn kiếm được chẳng dễ, đã tan tành theo khói mây, chỉ vì cả tin vào con cái, thiếu sự quan tâm, tìm hiểu chúng, khi xã hội luôn đầy rẫy những cạm bẫy khó lường.

So với ông T., bà V., trường hợp của vợ chồng ông V.Đ.Đ và bà Ng.Th.Th., ở xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) còn đau đớn hơn nhiều. Khi tôi đến, ông Đ. đang ngồi bên bậu cửa, mắt nhìn ra cánh đồng cát trắng bời bời phía trước. Sau những câu hỏi thăm chuyện ruộng đồng, chuyện nuôi trồng được con, cây gì trên cát trắng, tôi bảo với ông Đ. muốn tìm hiểu chuyện của con trai ông, Võ Đình Tuấn (23 tuổi), phạm tội 3 năm về trước.

Ông Đ. bỗng thót mình, như bị luồng điện chạy ngang thân, ánh mắt dại ra như mất hồn. Rồi ông khẽ lắc đầu và nói một câu rất mong được người khác thông cảm: "Dù thế nào, nó vẫn là giọt máu của mình, dứt ruột đẻ ra mà chú. Nhưng nhắc đến nó, tui lại đau lắm! Chỉ mong thời gian trôi qua nhanh và nó sau này sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời".

"Nhưng để nỗi đau tương tự sẽ không xảy đến với những người làm cha làm mẹ như chú, chú có lời khuyên gì cho họ không?!", tôi hỏi ông Đ. Ông trầm ngâm một lúc, đoạn trải lòng mình: "Thằng Tuấn nhiều năm là niềm tự hào của gia đình tui. Lúc còn ở nhà, nó là đứa hiền lành, hiếu thảo và rất chăm học. Thấy con vậy, vợ chồng tui mừng như mở cờ trong bụng, bàn với nhau bán hết đàn bò để con không phải chăn giữ, có thời gian học hành. Rồi lúc nó thi đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, vợ chồng tui vui đến nỗi quên ăn cả mấy ngày vẫn thấy no".

Kể đến đây, giọng ông Đ. bỗng trùng hẳn xuống, rồi đứt quãng, nước mắt rỉ ra đau đớn: "Tui đâu đoán được… chữ "ngờ". Ngày Công an về nhà, tui và mẹ nó chỉ linh cảm có điều chẳng lành, chứ không nghĩ đến việc nó phạm tội, lừa đảo người khác lấy tiền".

Đối tượng Lê Văn Tư và Cao Văn Hiếu bị Cảnh sát dẫn giải tới tòa. ­

Trường hợp vợ chồng ông L.V.B và bà Tr.Th.H., ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cũng không kém phần đau buồn, bởi có con trai phạm tội lừa đảo mạng, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người khác.

Ông B. buồn bã nhớ lại: "Vợ chồng tui sinh thằng Tư rất khó nuôi. Ròng rã 10 năm trời, khi nó học hết lớp 4 mới hết đau những bệnh lặt vặt nhưng rất khó chữa dứt điểm. Rồi nó ăn khỏe, chóng lớn, việc học lại được thầy, cô giáo khen nên vợ chồng tui lúc đó mừng lắm, cứ nghĩ cực khổ mấy cũng ráng vượt qua, xoay xở cho con được ăn no, mặc đẹp, học hành đến nơi đến chốn, để sau này nó kiếm được một công việc bàn giấy đỡ khổ, đỡ khó hơn đời ba mẹ nó tay lấm chân bùn".

"Nhưng rồi điều mình muốn không phải lúc nào cũng được. Chuyện không phải ý trời, mà do chính bản thân mình đã nhiều lần không để ý tới những điều bất thường ở con cái", ông B. đau đớn, "đúc rút" cho bản thân.

Triệt phá "tội phạm tàng hình"

Đại tá Trần Văn Mạnh, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, khoảng 5 năm lại đây, trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu ở các huyện, thị xã phía Nam của tỉnh, các đối tượng phạm tội liên quan tới internet, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác, bất ngờ "nóng" lên, phức tạp.

Điểm đáng chú ý, hầu hết đối tượng gây án có tuổi đời còn rất trẻ, chúng gây án dường như có sự chọn lọc, với địa bàn cả nước, nhưng ngoại trừ Quảng Trị. Thủ đoạn gây án rất tinh vi, với những phương thức thường xuyên thay đổi, khó đoán, khó lần tìm ra được dấu vết của chúng.

Những vụ án ngoài những đối tượng đã nhắc tới như Lâm Quang Trung, Võ Đình Tuấn, còn có Lê Văn Tư, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong; Hoàng Triệu Ánh Dương, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong… Đó là những đối tượng điển hình với những thủ đoạn, phương thức gây án nêu trên.

Đối với Trung, đối tượng đã tiến hành gây án, sau khi đã được đối tượng xấu chia sẻ đường link có chứa virus; từ đường link này, Trung gửi đến nhiều địa chỉ gmail, yahoo, facebook, kèm theo status kích thích sự tò mò của người khác như xem album ảnh đẹp, video hotgirl với 3 vòng đo thiên thần…

Các chủ tài khoản vì sự hiếu kỳ đã kích vào đường link có chứa virus đó, mà không hay biết các thông tin tài khoản của họ lập tức bị gửi tới email của đối tượng gây án. Đối tượng sau khi đã tìm hiểu, nghiền ngẫm lịch sử "chat", thư từ đi, đến của các chủ tài khoản trên, qua đó nhập vai họ một cách hoàn hảo nhất, nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, là người thân, bạn bè của những chủ tài khoản này.

Đại tá Mạnh nhớ lại: "Chỉ sau thời gian ngắn, với các thông tin của các chủ tài khoản mạng mà Trung chiếm đoạt được, đối tượng này đã nhiều lần nhập vai rất "ngọt", từ vai nữ bán mỹ phẩm, hướng dẫn viên du lịch, soái ca xứ Nghệ, cho đến Việt kiều Úc, Mỹ…, ở nhiều độ tuổi, giới tính khác nhau, địa bàn khác nhau như Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội…, cho tới Sidney, Washington. Theo đó, nhiều người đã gửi mã thẻ cào điện thoại với số tiền lớn, đinh ninh đang giúp người thân, bạn bè bán hàng, kiếm lời, mà không một chút mảy may nghi ngờ về thông tin họ nhận được. Khi biết bị lừa, họ cũng chẳng biết là nạn nhân của ai, ở đâu. Chính vì thế, cuộc truy tìm "tội phạm tàng hình" rất khó khăn, được ví như "xuống bể mò kim" vậy".

Đại tá Mạnh trải lòng: "Sau khi Cục C50 vào cuộc điều tra, xác định Trung là thủ phạm, đơn vị này đã bàn giao kết quả điều tra ban đầu cho Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Quảng Trị tiếp tục điều tra làm rõ, anh em chúng tôi đã gặp không ít khó khăn, do lần đầu chưa có kinh nghiệm, kiến thức về công nghệ thông tin lại chưa được chuyên sâu. Tuy nhiên, anh em đã vừa làm án, vừa cố gắng học hỏi, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, vừa rút kinh nghiệm". 

Được biết, trong vụ án này, đối tượng Trung đã bằng thủ đoạn, phương thức gây án như đã nói ở trên, chiếm đoạt của nhiều người khác, với tổng số tiền 190 triệu đồng. Trung đã bị TAND tỉnh Quảng Trị phạt tù 2 năm tù.

Bị cáo Lâm Quang Trung tại tòa.

So với Trung, Võ Đình Tuấn lúc gây án đang là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, có trình độ công nghệ thông tin cao hơn nhiều. Đối tượng đã tự thiết lập một đường link riêng có chứa virus, rồi bằng thủ đoạn, phương thức gây án tương tự Trung, đột nhập tài khoản, thay mật khẩu và mạo danh một người Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc liên hệ với 2 người là em họ tại Hà Nội.

Hai người này đã sập bẫy Tuấn, gửi cho đối tượng hàng trăm mã thẻ cào điện thoại di động, cũng đinh ninh đang giúp người anh họ bán thẻ kiếm lời ở nước ngoài. Một điều tra viên vụ án kể lại, khi kiểm tra tài khoản của bị hại, thấy Tuấn đã nhập vai rất "ngọt", cộng với một đề nghị nghe vừa nghiêm túc, vừa khơi gợi vào lòng tham của người khác.

Chẳng hạn, y bảo: "1 thẻ mệnh giá 100 ngàn đồng bán tại Hàn Quốc giá 15USD, ngồi một chỗ mà kiếm bộn tiền, tại sao ta không làm chứ?". Sau khi những "con mồi" nghe lời, gã lưu manh này chỉ cần với một thao tác nhẹ nhàng trên internet là đã có thể gom hàng trăm mã thẻ cào điện thoại vào "ví điện tử" trang thanh toán trực tuyến, có trong tay hàng chục triệu đồng.

Cũng theo điều tra viên này cho biết, những nơi đối tượng "nhấp chuột" chủ yếu tại các tiệm internet ở Đà Nẵng. Bên cạnh lừa "2 người em họ" ở Hà Nội, y còn đoạt facebook của nhiều bị hại khác, tổng cộng số thẻ cào điện thoại mà tên này lừa chiếm đoạt là hơn 4.000 thẻ với trị giá gần 1 tỷ đồng.

Tháng 10-2014, cơ quan Công an đã xác định được nghi phạm này và khẩn trương vào Đà Nẵng truy xét, bắt đối tượng về qui án. Đại tá Trần Văn Mạnh, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Quảng Trị nhớ lại, việc truy xét, bắt giữ kẻ gây án đã được lực lượng của đơn vị chuẩn bị, tiến hành rất chu đáo, bài bản. Khi vào đến nơi, cùng với sự phối hợp của Công an TP Đà Nẵng, tổ công tác đã tìm đến trường học cũng như nơi trọ của đối tượng, nhưng tất cả đều không tăm dạng.

Nhận định nghi phạm đang tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội ở một tiệm internet nào đó trên địa bàn Đà Nẵng, lực lượng đã chia nhau ra xác minh, truy xét. Tuy nhiên, đối tượng cảm giác thấy động, đã chuồn vào Hội An (Quảng Nam). Sau đó, được sự vận động của người nhà, y đã "chờ" Công an đến đây, đưa về qui án.

Tuấn bị TAND tỉnh Quảng Trị phạt 12 năm tù, sau đó cấp phúc thẩm giảm án còn 9 năm tù. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Quảng Trị, thời gian chỉ 5 năm lại đây, trên địa bàn đã xảy ra trên dưới chục vụ sử dụng mạng internet để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, với tổng trị giá hàng tỉ đồng.

Riêng đầu năm 2017, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Quảng Trị đã thực hiện khởi tố bị can, tạm giam 3 tháng đối với Võ Tùng Dương (18 tuổi, trú huyện Triệu Phong) để điều tra làm rõ về hành vi "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Có những vụ đối tượng gây án có trình độ cao nhất định về công nghệ thông tin, nhưng cũng không ít vụ đối tượng sử dụng phương thức gây án "truyền thống" vẫn đoạt được của người khác hàng trăm triệu đồng.

Đơn cử, đối tượng Lê Văn Tư, trú xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), sau nhiều lần mò mẫm tìm mật khẩu facebook của người khác bằng cách nhập tên, ngày tháng năm sinh… một cách ngẫu nhiên, y đã vào được tài khoản của một du học sinh Việt Nam tên Trang tại Cộng hòa Czech.

Theo đó, y nhập vai, liên lạc với chú ruột của Trang lúc đó đang ở TPHCM, gửi cho đối tượng 1.439 mã thẻ cào điện thoại chỉ trong 11 ngày (từ 20-1 đến 31-1-2015), với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng. Tư vừa bị TAND Quảng Trị phạt 8 năm tù.

Phan Thanh Bình
.
.