Tri ân nữ điệp báo Nguyễn Thị Tý
Trong thư, ông Đỉnh báo tin, ngày 24/7/2015, Công an tỉnh Hải Dương cùng chính quyền địa phương đã long trọng tổ chức Lễ truy điệu Liệt sỹ và trao “Bằng Tổ quốc ghi công” cho gia đình ông, “trả lại cho cô tôi sự công bằng, danh dự mà 65 năm qua gia đình trông chờ”. Là cơ quan báo chí nhiều năm liền đồng hành cùng gia đình ông Đỉnh trong hành trình để sự hy sinh của nữ điệp báo Nguyễn Thị Tý được ghi nhận, chúng tôi rất vui mừng trước thông tin này.
Cách đây mấy năm, tôi được giao xác minh đơn của ông Nguyễn Xuân Thiệu, 67 tuổi, trú tại thôn Vũ Thượng, xã Ái Quốc, thành phố Hải Dương, cháu gọi bà Nguyễn Thị Tý (Xề) là cô ruột. Ngoài đơn, ông Thiệu còn gửi kèm: Văn bản báo cáo kết quả xác minh của Công an tỉnh Hải Dương; bài viết đăng trên Báo CAND về nữ điệp báo Nguyễn Thị Tý của tác giả Nguyễn Thái…Tôi đọc kỹ lá đơn của ông Thiện và đặc biệt chú ý đến chi tiết: “Trong kháng chiến chống Pháp (1945-1950), gia đình tôi có 3 người tham gia hoạt động cách mạng, trong đó có cô tôi là bà Nguyễn Thị Tý (Xề), là cán bộ điệp báo Công an quận Nam Sách. Cô dám hi sinh cả danh dự, lấy Tây làm nội ứng cho ta đánh đồn thắng lợi, bị nghi hàm oan làm tay sai cho giặc…”. Điều gì để chứng minh, bà Nguyễn Thị Tý là cán bộ Công an quận Nam Sách đây? Câu trả lời, tôi tìm thấy ngay trong văn bản xác minh của Công an tỉnh Hải Dương năm 1998.
Theo kết quả xác minh của Công an tỉnh Hải Dương, bà Nguyễn Thị Tý là em của ông Nguyễn Văn Nguyên, con gái út của cụ Nguyễn Văn Duyện. Cụ Duyện sinh năm 1889, cụ có 5 người con. Năm 1947, xã Ái Quốc lập tề, cụ Duyện được chính quyền cử vào Ban cố vấn Hội tề (còn gọi là Ban hương chủ) thôn Vũ Thượng. Nhiệm vụ của Ban hương chủ là thay mặt nhân dân trong làng ngăn cản giặc Pháp mỗi khi chúng vào làng càn quét, bắt phu, bắt lính…
Tháng 8/1945, ông Nguyễn Văn Nguyên là con thứ 2 của cụ Duyện tham gia du kích. Năm 1947, ông Nguyên được bầu là Thôn đội phó. Bà Tý sinh năm 1927. Năm 1947, bà tham gia công tác địch vận tại thôn Vũ Thượng. Tháng 12/1948, bà được ông Vũ Đình Tăng, Công an quận Nam Sách tuyển chọn làm điệp báo viên. Trong tổ điệp báo có 5 người gồm: Ông Vũ Đình Tăng - Tổ trưởng; ông Lê Văn Khoa; ông Đinh Kim Biên; bà Vũ Thị Hoan; bà Nguyễn Thị Tý. Nhiệm vụ của tổ điệp báo là nắm tình hình, thu thập tin tức từ trong vùng địch chuyển ra cho Công an quận, chuyển chỉ thị mệnh lệnh của Công an quận đến các cơ sở của ta trong huyện. Bà Tý được đồng chí Tăng giao nhiệm vụ đi sâu vào khu vực đóng quân của địch như các đồn Lai Khê, Vũ La, Vạn Tải dọc đường số 5 và vùng phụ cận Nam Sách để nắm tình hình trực tiếp, chuyển các tin tức thu được ở các cơ sở về Công an quận.
Qua công tác địch vận, bà Tý biết tên sếp bốt đồn Vạn Tải thích gái, bà đã báo cáo lên chỉ huy. Được sự chỉ đạo của Công an quận Nam Sách, bà vờ lấy tên sếp bốt để làm nội ứng. Trong thời gian này, lực lượng ta đánh chiếm đồn thu được thắng lợi. Sau trận này, bà được Ty Công an Hồng Quảng khen thưởng. Lần khác, bà cùng bà Hoan lọt vào thị trấn Nam Sách, bám sát bọn tay sai phản động ra chợ hoạt động. Bà Tý đã sử dụng lựu đạn trừng trị bọn tay sai giữa ban ngày làm cho một số tên bị thương vong.
Là một thiếu nữ mới 20 tuổi, nhưng để làm tốt nhiệm vụ của một chiến sỹ điệp báo, bà Tý chấp nhận lấy Tây, chấp nhận mang tiếng xấu với dân làng. Cũng bởi hoạt động bí mật, lại thường xuyên ra vào đồn địch nên bà bị hiểu lầm là tay sai cho địch... Chiến công của bà thầm lặng, sự hy sinh của bà cũng thầm lặng.
Tại sao, nhiều năm trôi qua sự hy sinh của bà Nguyễn Thị Tý chưa được ghi nhận? Tôi đã liên hệ với Công an tỉnh Hải Dương và ngày 16/10/2013, Công an tỉnh Hải Dương có văn bản trả lời, “Căn cứ vào các tài liệu thu thập được có thể xác định, bà Nguyễn Thị Tý là người được tuyển chọn vào lực lượng Công an, hoạt động bí mật trong vùng địch bị chiếm đóng, có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp…”. Tôi tiếp tục liên hệ đến Cục Chính sách, Bộ Công an và Cục Chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan nên việc đề nghị truy tặng Liệt sỹ cho bà Nguyễn Thị Tý chưa thực hiện được.
Công việc làm báo, lại ở mảng điều tra theo đơn thư bạn đọc nên tôi có dịp tiếp cận với không ít trường hợp liên quan đến chế độ chính sách. Có rất nhiều yếu tố chủ quan, lẫn khách quan khiến cho một số trường hợp cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc chưa được ghi nhận. Riêng lĩnh vực điệp báo, tôi từng biết trường hợp nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt, nguyên cán bộ Công an quận 4 (nay là quận Hai Bà Trưng), Hà Nội. Nữ điệp báo Nguyệt hy sinh anh dũng trong Trại giam Hoả Lò, trước sự chứng kiến của những người tù Cộng sản. Sự hy sinh của bà được một người tù viết lại trong bài báo “Căm thù” đăng trên nội san “Rèn luyện” (tiền thân của Báo CAND). Thế nhưng, do quy định về chính sách người có công nên sự hy sinh của bà chưa được ghi nhận dù đồng đội đã lên tiếng nhiều lần. Năm 2014, nhờ sự thay đổi về cơ chế chính sách, nữ điệp báo Lê Thị Nguyệt đã được truy tặng Liệt sỹ tại quê nhà là thôn Bảo Tàng, xã Báo Đáp, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.
Khi nhận được bức thư của ông Nguyễn Xuân Đỉnh, một trong những người cháu của bà Nguyễn Thị Tý thông báo, bà Tý đã được truy tặng Liệt sỹ, gia đình đã đón nhận bằng Tổ quốc ghi công, chúng tôi rất vui. Hơn 60 năm qua, những người thân trong gia đình, đồng đội của bà và cả những người làm công tác chính sách đã rất trăn trở. Việc tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách để những người cống hiến cho Tổ quốc được tri ân có ý nghĩa thiết thực.