Trang sử hào hùng của an ninh khu VIII

Thứ Năm, 08/04/2010, 08:06

Chào mừng 35 năm miền Nam giải phóng, hướng đến kỷ niệm 65 năm thành lập CAND và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 9/4, tại tỉnh Tiền Giang, Bộ Công an tổ chức nghiệm thu công trình lịch sử: "An ninh khu 8 - Trang sử hào hùng của lực lượng CAND Việt Nam".

Chiến trường Khu 8 hình thành 3 vùng chiến lược rõ nét, đó là vùng nông thôn, thành thị và vùng căn cứ, có đặc điểm khác với chiến trường miền Trung, Tây Nguyên hay Đông Nam bộ có rừng núi, đây còn là cuộc chiến ở đồng bằng, sông nước, phải  bám dân mới tồn tại được. Do đó, cuộc chiến đấu của quân dân Khu 8 hết sức gian khổ, ác liệt, hy sinh để chiến thắng quân thù.

Sau đồng khởi, Ban Bảo vệ an ninh Xứ ủy được thành lập, giúp cho Xứ ủy, sau này là Trung ương Cục về công tác an ninh. Trên cơ sở Ban Bảo vệ an ninh Xứ ủy, đầu năm 1961 Ban An ninh miền Nam được thành lập và dần dần hình thành hệ thống an ninh các khu và an ninh cấp tỉnh ở Nam bộ. Vai trò lãnh đạo của Ban An ninh khu 8 thể hiện trên tất cả các mặt từ chủ trương đối sách, trấn áp bọn phản cách mạng và các loại tội phạm, đập tan âm mưu dùng chiến tranh do thám gián điệp để đàn áp, bắt bớ tù đày những người cộng sản (1954 - 1960); tách dân ra khỏi cách mạng, xây dựng các khu trù mật, các khu dinh điền (1961 - 1964); bình định nông thôn, bình định phát triển, bình định cộng đồng (1965 - 1975) hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường Khu 8 nhưng đã bị thất bại hoàn toàn.

Triển khai phương án bảo vệ căn cứ Khu uỷ Khu 8.

Nhân dân Bến Tre và Khu 8 đã làm nên Đồng Khởi vang vọng toàn miền, đánh dấu sự chuyển hướng quan trọng của cách mạng miền Nam, đồng thời nhân dân Mỹ Tho - khu 8 đã làm nên chiến thắng Ấp Bắc vang dội trên chiến trường Đồng bằng Trung Nam bộ, đập tan trực thăng vận, thiết xa vận ở vùng đồng bằng nông thôn. Nó khẳng định ý chí thắng xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai dù nó có được trang bị hiện đại đến đâu. Vai trò của quần chúng nhân dân, của các giới, các đoàn thể đối với công tác an ninh là vô cùng to lớn, nhờ đó An ninh khu 8 đã chiến thắng được mạng lưới do thám tình báo gián điệp, trong phong trào Đồng Khởi năm 1960 cũng như trong xuân Mậu Thân 1968, mùa hè đỏ lửa 1972 cũng như trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử xuân 1975.

Sau Hiệp định Paris, trên chiến trường Khu 8, Mỹ - ngụy bố trí một lực lượng lớn do thám gián điệp và các cuộc hành quân lấn chiếm do lực lượng Cảnh sát dã chiến, tình báo Phượng hoàng, phòng vệ dân sự làm nồng cốt đánh phá ác liệt địa bàn khu, hòng giành lại thế chủ động trên chiến trường. Phát huy sức mạnh của các giới, các ngành, Ban An ninh khu 8 chỉ đạo an ninh các tỉnh nâng cao cảnh giác, chủ động tấn công, giành dân, giành đất, chống bình định lấn chiếm làm thất bại kế hoạch "Lý Thường Kiệt" của địch.

Đầu năm 1975, sau thắng lợi chiến dịch giải phóng Phước Long (6/1/1975), Mỹ phản ứng yếu ớt, bộc lộ không có khả năng can thiệp vào miền Nam Việt Nam nếu ta đánh lớn để giải phóng miền Nam, còn ngụy quyền suy sụp, cơ động kém, đã đưa lại quyết tâm giải phóng miền Nam khi có thời cơ. Nhất là sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, Huế - Đà Nẵng "quân ngụy rút lui chiến lược" trở thành cuộc tháo chạy hỗn loạn, cho phép ta có thời cơ ngàn năm có một để giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam và Ban An ninh miền Nam, cũng như sự chỉ đạo của Khu ủy 8, Ban An ninh khu 8 đã tập trung chỉ đạo an ninh các tỉnh nắm tình hình địch ngụy, các mục tiêu quan trọng, các tên ác ôn đầu sỏ cần bắt, cần diệt… chuẩn bị mọi mặt để thời cơ đến tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Khu 8 - Trung Nam bộ.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với tinh thần "một ngày bằng 20 năm", táo bạo, táo bạo hơn nữa, thần tốc hơn nữa, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh", lực lượng An ninh khu 8 từ khu đến an ninh các tỉnh Long An - Kiến Tường, Mỹ Tho - Gò Công - TP Mỹ Tho, Bến Tre, An ninh Long Châu Hà - An ninh Long Châu Tiền đã tổng tấn công và nổi dậy đập tan bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng khu đã tạo điều kiện thuận lợi cho giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kết thúc 30 năm chiến tranh cách mạng Việt Nam (1945 - 1975)

P.T.Long
.
.