Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ qua hồi ức của những đồng đội

Thứ Sáu, 07/07/2006, 11:13

“Có thể nói Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ đã có cái nhìn chiến lược và thực hiện cải cách nhiều vấn đề về công tác nghiệp vụ, giúp Lực lượng Công an hoàn thành sứ mạng lịch sử trong những năm đầu đất nước đổi mới.”, Thiếu tướng Cao Đức Hoàn, nguyên quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục XDLL, kể.

Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an, đã từ  trần lúc 3 giờ 55 phút ngày 1/7/2006. Trong dòng người tiếc thương người cán bộ cách mạng trung kiên, vị lãnh đạo Lực lượng Công an trong những năm đầu thực hiện chủ trương đổi mới, chúng tôi ghi nhận được tình cảm thân tình của những người từng là đồng chí đồng đội của ông mà nhiều người vẫn quen gọi với cái tên thân thương – anh Ba Ngộ.

Tầm chiến lược của một cán bộ lãnh đạo

Thiếu tướng Cao Đức Hoàn, nguyên quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục XDLL trầm ngâm bên ly trà cùng chúng tôi vào sáng ngày 2/7. Ông đang nhớ về người đồng đội, người lãnh đạo ngày nào vừa mới ra đi. Tôi với anh Ba Ngộ có duyên nên ngay từ những ngày đầu gặp nhau đã kết thân - đồng chí Cao Đức Hoàn kể - cái duyên ấy là cùng tập kết ra Bắc, cùng đi học ở Nga. Sau đó về cùng khoa ở Trường Công an Trung ương và trở về miền Nam cũng cùng ở Ban An ninh Trung ương Cục.

Khi ở miền Bắc, tôi còn có dịp dự đám cưới của anh Ba Ngộ và chị Kỳ Nam, một đám cưới cực kỳ đơn sơ nhưng thắm đượm nghĩa tình. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói về anh Ba Ngộ không phải là mối quan hệ mà về cái bên trong của người lãnh đạo, về cái tầm của anh Ba Ngộ đối với công tác công an.

Theo Thiếu tướng Cao Đức Hoàn, đồng chí Bùi Thiện Ngộ 2 lần được tham gia cải cách chiến lược hoạt động của Lực lượng Công an. Một lần là vào năm 1972, lúc ấy cuộc chiến giữa ta và địch ở chiến trường miền Nam diễn ra gay gắt và ác liệt. Địch liên tục mở những trận càn quét vào các vùng căn cứ của ta, đồng thời ra sức thực hiện dồn dân lập ấp, chia tách cán bộ cách mạng với nhân dân. Trong khi đó ta chỉ co cụm chống càn, đồng thời tìm cách liên lạc với nhân dân để nắm tình hình. Nói đúng hơn là thụ động trong đánh địch.

Trước tình hình ấy, đồng chí Phạm Hùng, lúc đó là Bí thư Trung ương Cục miền Nam - chỉ đạo cho Ban An ninh Trung ương Cục xây dựng Nghị quyết chiến lược cho An ninh miền Nam vạch ra phương châm tác chiến phù hợp với tình hình để giành thế chủ động trên chiến trường. Nhiệm vụ ấy được lãnh đạo Ban An ninh Trung ương Cục quán triệt và giao cho đồng chí Nguyễn Hoàng (tức anh Hai An), anh Ba Ngộ và tôi nghiên cứu soạn thảo.

Để có tư liệu và thực tế, chúng tôi đi về các cơ sở để nắm tình hình. Anh Ba Ngộ xung phong đến các vùng địch ruồng bố dữ dằn nhất, bám dân để nghe ngóng. Những thông tin của anh từ vùng địch tạm chiếm ở Vĩnh Long, Trà Vinh... như cách ứng phó của dân chống lại sự o ép của địch; hay cách xử lý tình huống khi địch tìm cách bôi đen gia đình có người thân theo kháng chiến; thủ đoạn của địch gây nghi ngờ lẫn nhau trong nội bộ ta... đã góp phần quan trọng cho việc đề ra sách lược, phương pháp đánh địch của An ninh miền Nam sau này: Chủ động đánh địch là bảo vệ mình; đánh địch từng bước theo phương châm “hai chân ba mũi”, giành thắng lợi từng bước đến thắng lợi hoàn toàn.

Lần thứ hai, anh Ba Ngộ tham gia cải cách chiến lược công tác công an là trong thời điểm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI. Lúc này đồng chí Mai Chí Thọ là Bộ trưởng. Với tư tưởng đổi mới của Bộ Chính trị, Lực lượng Công an cũng có cái nhìn mới về tình hình. Anh Ba Ngộ lúc ấy là Thứ trưởng phụ trách an ninh đã tham mưu những vấn đề có liên quan đến tự do tín ngưỡng trong các tôn giáo, về chính sách dân tộc, về các lĩnh vực xã hội...

Và khi là Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), anh Ba Ngộ càng có điều kiện phát huy tính năng động, đổi mới với  tầm nhìn chiến lược mang ý nghĩa lâu dài của hoạt động công an. Với tư cách là Bộ trưởng, anh Ba Ngộ đã mở rộng quan hệ về công tác công an với các nước. Anh đã đến thăm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Cuba và được tiếp kiến Chủ tịch Fidel Castro, anh cũng đến thăm Liên bang Myanmar (năm 1995) và một số quốc gia khác, đặt mối quan hệ hữu nghị và hợp tác trong lĩnh vực an ninh.

Có thể nói Bộ trưởng Bùi Thiện Ngộ đã có cái nhìn chiến lược và thực hiện cải cách nhiều vấn đề về công tác nghiệp vụ, giúp Lực lượng Công an hoàn thành sứ mạng lịch sử trong những năm đầu đất nước đổi mới.

Những kỷ niệm chuẩn bị vào Nam

Ông Nguyễn Văn Cử - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ TCCB (Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an) có lần kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm những ngày vợ chồng đồng chí Bùi Thiện Ngộ chuẩn bị vào Nam: Đây là trường hợp đặc biệt vì hiếm có đôi vợ chồng nào tình nguyện vào Nam cùng lúc trong giai đoạn này. Bởi lẽ tình hình chiến trường ở miền Nam lúc ấy hết sức ác liệt. Chính Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng phân vân về đề nghị này. Nhưng thấy anh Ba Ngộ rất tha thiết muốn về miền Nam nên Bộ trưởng phải chấp nhận.

Lúc này được biết vợ anh Ba Ngộ là y sĩ cũng tình nguyện vào Nam theo đoàn cán bộ y tế. Sau khi nghe chúng tôi phản ánh, đồng chí Bộ trưởng đồng ý cho chị sang ngành Công an để được đi cùng anh Ba. Trong những ngày chờ lệnh xuất phát, ban ngày anh chăm lo học tập nghiên cứu, còn ban đêm lại cùng anh chị em mang balô luyện tập để nâng cao thể lực, chuẩn bị cho chặng đường hành quân nghìn dặm. Đêm đầu, anh mang 8 viên gạch, chị mang 5 viên, leo lên rồi lại đi xuống cầu thang gác hai của trường. Những đêm đầu chưa quen, người đau ê ẩm, chân tay bải hoải. Nhưng anh chị vẫn kiên trì luyện tập leo cầu thang, cứ như là leo dốc Trường Sơn vậy. Sau đó, anh chị lại mang thêm mỗi lần một viên gạch nặng 2 ký rưỡi, và đi thêm hai vòng. Mỗi đêm luyện tập, anh chị thường đi với nhau, dù rất mệt mỏi nhưng thỉnh thoảng anh chị lại vừa nói vừa cười vui vẻ, hoặc chờ nhau khi người kia đi chậm. Thấy cảnh “vợ chồng như đôi bồ câu; chồng thì đi trước, vợ gật gù theo sau”, nên anh em trêu, cười râm ran, khiến cho buổi tập vui nhộn hẳn lên.

Bốn giờ sáng một ngày mùa thu của năm 1965, anh chị mang balô, vũ khí, đội mũ tai bèo lên đường. Các đồng chí lãnh đạo cùng chúng tôi tiễn anh chị đến cầu Giẽ (Hà Tây). Mọi người chụp ảnh kỷ niệm, siết chặt tay, ôm hôn nhau thắm thiết. Buổi chia tay đơn giản, ngắn gọn mà bịn rịn trong lòng. Xe dần dần lăn bánh khuất ở cuối đường, chúng tôi còn thấy anh chị Ba Ngộ vẫy tay chào tạm biệt

KT – QH
.
.