Thương lắm, Thành Dũng ơi…!

Thứ Tư, 30/08/2006, 08:37

Những nét chữ run rẩy, nhạt nhòa trên từng trang viết. Nguyễn Thành Dũng đã cố gắng ghi lại cho con, cho đời, cho đồng đội của anh những gì còn vấn vương, cao đẹp nhất mà anh mong mọi người giữ lại trước lúc anh “đi xa…”.

Như bao đứa trẻ lam lũ khác, Nguyễn Thành Dũng sinh ra và lớn lên tại xóm đình Tân Liễu (bây giờ là huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh). Nơi đây không có giếng nước sân đình nhưng cái xóm nghèo này bốn bề đều là bưng biền, nước nổi.

Nhớ mãi xóm Đình Tân Liễu

Kể lại thủa hàn vi, cho con Nguyễn Duy Minh nghe, Nguyễn Thành Dũng viết: “… cũng vì ông nội thì biền biệt miền xa nên ba đã lớn dần lên theo tình yêu thương đùm bọc của bà nội, các cô, các bác của con. Người gần gũi giúp đỡ ba nhiều nhất là bác Tư, cô Ba, cô Tám, cô Chín của con. Nhưng sự nghèo khó ấy chính là động lực thúc đẩy ba cố gắng học tập thật giỏi ở những năm học phổ thông…”.

Tâm sự với nhiều người thân Thành Dũng cứ thở than rằng anh không thể để nội và các bác, các cô lo cho anh hoài được. Anh muốn sống tự lập, anh muốn tự khẳng định mình trong môi trường khắc nghiệt hơn... Cuối cùng anh quyết định đăng ký đi “lính” nghĩa vụ (tháng 9/1989) trong ngành Công an.

Những tháng năm rèn luyện nơi quân trường vất vả, Thành Dũng rất vui vì bên anh lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Anh đã cảm nhận được tình thương và tấm lòng xẻ chia của anh em đồng đội. Sợ mai sau Nguyễn Duy Minh không còn nhớ, Nguyễn Thành Dũng nhắc lại: “Vào ngành Công an với chế độ nghĩa vụ quân sự nhưng ba đã học được rất nhiều cái hay, học được phẩm chất tốt đẹp của người chiến sỹ Công an nhân dân và tin rằng mình sẽ phấn đấu, phục vụ suốt đời...”.

Những kỷ niệm đầu đời của người lính bảo vệ

Trong tập hồi ký ghi lại cho con trai duy nhất Nguyễn Duy Minh, Nguyễn Thành Dũng dù kể lại rất ngắn gọn song anh chẳng muốn giấu giếm con điều gì. Vào tháng 4/1990, sau 6 tháng huấn luyện, Dũng được tổ chức điều động công tác tại Phòng CSBV CA TPHCM. Để tạo điều kiện cho Dũng được gần gia đình vừa lo công tác tốt vừa giúp đỡ được bà nội đang bị lâm bệnh nặng. Tháng 7/1991 Dũng được Ban chỉ huy điều về công tác bảo vệ tại Nhà máy xay lúa Satakê (xã Tân Túc - Bình Chánh).

Trong tháng ngày làm lính CSBV Nhà máy xay lúa Satakê, cũng bên cánh đồng bưng biền thôn dã ấy, gần nơi chốt gác là nhà của cô thôn nữ có tên là Bé Sáu, khi ấy Bé Sáu mới 17 tuổi thường sang chỗ anh chơi... và xin nước ngọt về uống (vùng đất này đa số nước nhiễm phèn). Trong lòng Dũng cũng muốn giúp đỡ Bé Sáu nhiều lắm nhưng sợ ảnh hưởng đến Nhà máy, đến công việc nên Dũng luôn tìm cách chối từ.

Ngược lại, bé Sáu lại muốn gần Dũng nhiều hơn, cô thường mang đồ ăn sang cho Dũng và anh em ăn bồi dưỡng... Mỗi lúc như vậy. Thành Dũng cũng không thể giấu được tình cảm của mình, anh đã dõi theo và càng ngày càng nhận thấy: “Thời gian ở Nhà máy xay lúa Satakê (Chợ Đệm) cứ lặng lẽ trôi qua theo từng ca gác và cô Bé Sáu nhà bên cũng đã lớn dần…”.

Tháng 11/1992 giã từ nhà máy xay lúa Satakê anh lên đường đi học ở trường Trung học CSND. Tại đây Dũng học lớp chuyên ngành CSHS. Lật kỹ từng trang hồi ký ghi lại “Thủa hàn vi...” của Nguyễn Thành Dũng, anh nhắc lại nhiều lần những câu chuyện ngày anh về thực tập ở CA quận 11. Đặc biệt là chuyện khi anh trở lại đơn vị, về với “Chợ Đệm” nơi chốt gác năm nào...

Nguyễn Thành Dũng ghi câu chuyện này, cho con: “Trở về chốt gác, đơn vị đã rút quân từ năm 1993, nhìn sang nhà Bé Sáu, nghe tiếng ai đang nằm võng ru con… Tiếng ru nghe ai oán, não nề… Ba cất tiếng gọi, người con gái ấy đứng dậy, bước ra, ba giật mình khi biết đó chính là Bé Sáu. Bé Sáu cũng nhìn ba thật lâu, khóe mắt tuôn ra dòng lệ nhỏ… Rất có thể đó là giọt lệ trách móc sự im lặng, trách móc sự trở lại muộn màng của ba… Tạm biệt người con gái hiền thảo nết na ấy, ba ra đi mà lòng nặng trĩu nỗi buồn, và rồi câu hát dân ca của ai đó cứ xa xăm, vọng về… “Bướm vàng đậu trái mù u, lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn…”.

Hạnh phúc trào dâng

Câu chuyện về khu Chợ Đệm và cô hàng xóm “ru con” luôn ám ảnh, gọi anh về với quê nhà. Thành Dũng còn nhớ như in những đêm trăng thanh tranh thủ về nhà gánh nước ngọt giúp nội, hình ảnh anh công an vui tính dễ thương đã làm cho cô Tám Luận, hàng xóm “phải lòng”. Nhiều lần cô Tám trêu, chọc, có lần cô Tám xô Dũng suýt lọt xuống sông cầu Đình Tân Liễu nhưng không hiểu sao Dũng lại rất muốn được cô Tám “nhiều lần xô ngã nữa...”. Và ở nơi chốn quê này họ đã thề cùng sông nước, cuộc đời này không thể sống thiếu nhau.

Qua Tết Ất Hợi (1995), đám cưới của Dũng và cô Tám Luận được tiến hành. Để nhớ lấy những giờ phút hạnh phúc nhất này, Dũng tâm sự với con: “Rồi 9 tháng chờ mong đã đến, tối ngày 24/1/1996 mẹ đã sinh ra con tại BV Hùng Vương trong niềm vui tràn ngập tình yêu thương của cả gia đình… Con lớn lên trong nỗi vất vả của ba và mẹ.--PageBreak--

Lúc sanh con tài sản của ba và mẹ chẳng có gì đáng giá, ngay cả ba cũng không có nổi cái xe để đi làm. Có được đồng nào đều dành dụm để mua sữa và đồ ăn cho con… Nhưng con ơi! Công việc của ba dần đã ổn định, ngoài sự nguy hiểm của nghề nghiệp thì ba cũng được các cơ sở quần chúng tốt giúp đỡ, chia sẻ, đùm bọc. Có những đêm ba về thăm con đầu ba những vết thương với bông băng trắng xoá…”.

Và những đớn đau trong cuộc đời trinh sát

Với Nguyễn Thành Dũng, đồng đội, gia đình và rất nhiều người đã biết, đã viết về anh. Riêng tôi khi đọc những dòng hồi ký của anh, tôi càng rõ hơn Dũng không hề muốn thanh minh hay tường thuật lại chiến công của anh cũng như đồng đội bao lần đối mặt với cái ác, cái xấu vẫn đang tồn tại trong xã hội. Chuyện anh kể nghe rất giản dị, đời thường, chuyện của người TSHS thì ai chả vài lần gặp phải nhưng trong hoàn cảnh của anh thì thật không thể nào ngờ...

Tháng 4 năm 2001 trong đợt ra quân cùng CA phường 8 (quận 11) chuyển hóa địa bàn Công viên Lãnh Binh Thăng, trong lúc truy quét tệ nạn xã hội, khi đi thu gom kim chích ma túy ở khu vực này vô tình Dũng vấp, té... mũi kim tiêm bị rớt đâm xuống chân Dũng. Mũi kim độc ác này đã làm chảy máu chân Dũng... càng nguy hiểm hơn khi được biết qua khảo sát địa bàn, hầu hết bọn xì ke ma túy hoạt động ở đây đều bị nhiễm HIV.

Rồi đến giữa tháng 12/2000 không hiểu sao cứ mỗi buổi chiều xuống là Dũng lại gai sốt, triền miên. Sức khỏe ngày càng suy kiệt, ăn Tết Nhâm Ngọ (2002), đúng mùng 6 Tết là anh được gia đình đưa vào bệnh viện 30/4 của Bộ Công an. Đúng sáng thứ 2 tức 13/1 (Nhâm Ngọ) có cô y tá đến gọi Dũng lên phòng bác sỹ gấp. Nhận đoán có sự chẳng lành. Thành Dũng viết như tiếng kêu đau đớn với con: “Vừa vào phòng bác sỹ, bác sỹ bảo ba đã bị nhiễm HIV/AIDS… Ôi! Trời đất dường như đang sụp xuống chân ba. Tay chân ba rụng rời, nghe như sét đánh mang tai… Ba đau đớn; Ta bị sida rồi sao! Căn bệnh này không có thuốc chữa… Vợ con ta có sao không?...”.

Bao ngày đêm đau đớn, vật vã, lúc ấy cũng là lúc Thành Dũng nghĩ về vợ con anh nhiều nhất. Anh đã chắp tay van vái đất trời, cầu mong tai họa chỉ mình anh gắng chịu thôi. Nghiệt ngã thay khi biết vợ mình cũng bị HIV, lúc ấy Dũng đã nấc lên: “Thế là hết. Hết tất cả rồi”.

Buổi chiều một ngày đầu năm, khi hay tin cả 2 vợ chồng Thành Dũng đều bị nhiễm bệnh HIV, lúc đó các đồng chí lãnh đạo CA quận cùng đồng đội của Dũng đã đến tận nhà động viên, an ủi gia đình. Trong câu chuyện mọi người kể lại, ai cũng khẳng định Nguyễn Thành Dũng bị nhiễm bệnh HIV là do nhiều lần anh đi làm nhiệm vụ, đối diện với những đối tượng tiêm chích ma túy, nhiều đứa đã nhiễm HIV... Cả đơn vị sẵn sàng làm chứng, minh oan cho anh...

Để cho con mình sau này lớn lên hãy tin vào những việc anh làm là vì dân, vì nước, Thành Dũng tự chuyện với con mình: “Sau này lớn lên con sẽ biết rằng nhiễm HIV là do tiêm chích xì ke lây qua đường máu, ngoài ra còn lây qua đường mại dâm nữa… Nhưng cả đơn vị là những người sẽ làm chứng cho ba con hãy tin ở ba, ba không làm điều gì xấu cả. Đúng như vậy! Ba luôn khẳng định mình là một đảng viên cộng sản, ba hy sinh vì ANTQ chứ không có làm điều gì xấu đâu con… Nhưng con ơi! Một mình ba chết đã đành, đằng này ba đã vô tình làm khổ cả mẹ con…”.

Theo lời kể lại của người thân trong gia đình cũng như đồng đội của Trung úy Nguyễn Thành Dũng thì anh không bao giờ lo sợ chuyện có ai đó “hiểu lầm” anh bị bệnh HIV. Nhất là khi viết xong những trang hồi ký về cuộc đời mình, anh tin mọi người nhất là đứa con trai duy nhất của anh cháu Nguyễn Duy Minh càng quí trọng và yêu thương anh hơn. Sau những mất mát, đau đớn nhìn cảnh chị Tám Luận nói lời trăn trối cuối cùng và sau này là những ngày Thành Dũng lại cận kề với cái chết, anh sống rất thanh thản, bình dị như người lính vừa ra trận trở về. Anh tin lãnh đạo CA các cấp sẽ lấy từ cuộc sống thực tế nơi anh để có các chính sách phù hợp cho những ai thường phải đối mặt với cuộc sống hiểm nguy – nhất là người lính CSHS.

Ngày anh mất, đồng đội, bè bạn gần xa đều đã đến với anh. Nghe chuyện kể về anh, đọc lại từng trang hồi ký... dù rằng anh viết lại cho con nhưng đồng đội của anh đã lấy đó làm gương soi học tập. Tất cả đều cảm phục và tự hào về anh - Người chiến sỹ CAND

Xuân Xe
.
.