Thủ lĩnh Đoàn trường 'bật mí' về bài giảng đoạt giải nhất toàn quốc

Chủ Nhật, 07/06/2015, 09:29
Được phân công giảng dạy môn Toán cho học sinh dân tộc ở Trường Văn hóa I – Bộ Công an nên Thượng úy Vũ Hồng Linh khá bận rộn. Ngoài việc lên lớp 15 tiết mỗi tuần, anh còn tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 10 và lớp 12. Anh còn là Bí thư Đoàn trường, là một trong những thanh niên Công an xuất sắc, tiêu biểu được Bộ Công an tuyên dương hai năm liên tiếp, 2014 – 2015…

Gặp anh trong một lần tham gia phong trào tình nguyện, tôi chỉ ấn tượng là trông anh nhiệt tình và vui tính. Chỉ đến khi anh chia sẻ về sản phẩm bài giảng điện tử do anh thiết kế, đoạt giải nhất toàn quốc cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, thì tôi mới hiểu về anh hơn.

“Đây là bài giảng điện tử gồm hai phương pháp học là học online (học trực tuyến qua mạng Internet) hoặc học offline (tải phần mềm về máy tính để học, không cần kết nối mạng), học sinh có thể tự học mà không cần thầy giáo. Trong bài giảng tích hợp đầy đủ video, hình ảnh, âm thanh của thầy giáo cho tất cả các phương án có thể xảy ra và các vướng mắc mà các học sinh có thể gặp phải…” - Thượng uý Vũ Hồng Linh cho biết.

Ưu điểm của bài giảng này ở chỗ, học sinh được tương tác với bài giảng nhiều như được tương tác trực tiếp với thầy giáo nhưng không cần mất công đến lớp, không hạn chế số lần sử dụng, không khống chế thời gian, có thể học lúc nào tuỳ thích, từ đó phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Anh cũng nhấn mạnh yếu tố hiệu quả của bài giảng, bởi khi học xong nội dung kiến thức về một chủ đề nào đó, học sinh sẽ phải làm một bài kiểm tra để đánh giá mức độ nhận thức của mình, và bài kiểm tra đó cũng đã tích hợp phần chấm điểm tự động. Ngoài ra, còn có các phần tương tác của học sinh với bài giảng rất đa dạng, như các câu hỏi trắc nghiệm một phương án đúng hoặc nhiều phương án đúng, câu hỏi điền khuyết, sắp xếp, ghép nối…

Để đoạt giải nhất toàn quốc một cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chắc chắn không hề đơn giản, đặc biệt là công tác chuẩn bị, ý chí, quyết tâm khi tham gia cuộc thi.

Vậy mà nghe anh tâm sự, mọi thứ cứ nhẹ nhàng như không: “Việc mình tạo ra bài giảng xuất phát từ phong trào nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động. Dựa trên phần mềm LectureMaker và tích hợp một số phần mềm khác như QuizCreator, Adobe Presenter…, trong vòng 2 tháng, mình đã thiết kế ra 3 sản phẩm, gồm phương trình đường thẳng tiết 29, 30 và luyện tập phương trình đường thẳng tiết 33”. 

Cũng ít ai biết rằng, từ khi còn là sinh viên Đại học Sư phạm Thái Nguyên (năm 2005), anh đã đoạt giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc về đề tài sử dụng phần mềm dạy học hình học không gian cho học sinh THPT các tỉnh miền núi phía Bắc…

Đặc thù học sinh ở Trường Văn hoá I là người dân tộc vùng đặc biệt khó khăn của các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình trở ra phía Bắc, các em nhận thức chậm hơn so với học sinh ở ngoài do điều kiện học tập ở các lớp dưới gặp nhiều khó khăn. Nắm bắt được điều đó, Thượng uý Vũ Hồng Linh đã tìm ra phương pháp dạy học phù hợp với trình độ của các em. Đối với học sinh giỏi, anh bồi dưỡng thêm kiến thức nâng cao, gợi mở; học sinh yếu anh tìm cách phụ đạo, kèm cặp.

Anh chia sẻ: “Mình cũng thường xuyên tìm đọc thêm các tài liệu, tích cực dự giờ đồng nghiệp, cũng như trao đổi kinh nghiệp dạy và học để nâng cao trình độ chuyên môn”.

Nhờ việc luôn chủ động nghiên cứu phương pháp dạy học tích cực để có cách dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh, thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học nên đội ngũ học sinh giỏi mà Thượng úy Linh bồi dưỡng đã có 5 em đoạt giải cấp tỉnh, 7 em đoạt giải cấp trường. Bản thân thầy Vũ Hồng Linh hai năm liên tiếp 2012 – 2013 và 2013 - 2014 đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Công việc chuyên môn nhiều và chiếm khá lớn quỹ thời gian, thế nhưng Thượng úy Vũ Hồng Linh còn là một thủ lĩnh Đoàn năng động, là đầu tàu sáng tạo và tổ chức nhiều phong trào Đoàn thiết thực, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của nhà trường.

Quỳnh Vinh
.
.