Thầm lặng trên mặt trận bảo vệ an ninh kinh tế
- Liệu có thu hồi được những tài sản 'khủng' của Giang Kim Đạt ở nước ngoài?
- Khôn khéo và mưu trí trong “đấu lý” với tội phạm kinh tế và chức vụ
- Muốn bớt tội phạm kinh tế, luật phải cực nghiêm
Trong những chiến công, thành tích của Cục An ninh Kinh tế tổng hợp có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh giao thông. Năm 2015, đơn vị đã vinh dự được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc cấp cơ sở, được nhận Bằng khen của Tổng cục An ninh…
1. Cuộc trò chuyện giữa tôi và Đại tá Đỗ Quang Phương, Trưởng phòng An ninh giao thông, Cục An ninh Kinh tế tổng hợp diễn ra khi thành phố đã lên đèn, ngoài trời mưa bụi giăng khắp phố phường. Anh mở đầu câu chuyện, với hành trình gần 2000 ngày, truy bắt Giang Kim Đạt, đối tượng tham ô gần 20 triệu USD. Đây là vụ án mà số tài sản tham nhũng được thu hồi lớn nhất từ trước đến nay, với số tiền tương đương khoảng hơn 400 tỷ đồng…
Lãnh đạo Cục An ninh Kinh tế tổng hợp và Phòng An ninh giao thông kiểm tra công tác đảm bảo ANTT. |
Việc bắt giữ thành công Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Tập đoàn Vinashin (gọi tắt Vinashinlines) là một chiến công đặc biệt xuất sắc, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng; sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ của lực lượng An ninh... Trong thành tích đó, có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ, chiến sỹ, Phòng An ninh giao thông.
“Vào ngày 13-7-2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng có thông báo kết luận ông Phạm Thanh Bình (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin - nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy) có dấu hiệu vi phạm pháp luật” - Đại tá Đỗ Quang Phương nhớ lại.
Chuyên án sau đó đã được Tổng cục An ninh II (nay là Tổng cục An ninh) chỉ đạo Cục An ninh Kinh tế tổng hợp phối hợp Cục An ninh điều tra, các đơn vị nghiệp vụ và Công an các địa phương tiến hành khởi tố 12 vụ, bắt tạm giam 30 bị can và truy nã 2 đối tượng... Phần 1 của chuyên án khi ấy đã khép lại nhưng các trinh sát Phòng An ninh giao thông vẫn luôn trăn trở vì còn một số đối tượng phạm tội liên quan vẫn đang bỏ trốn, cùng một số lượng tài sản lớn của Nhà nước chưa được thu hồi.
Một trong những đối tượng đó có Giang Kim Đạt (SN 1977, có hộ khẩu tại phường Bình An, quận 2, TP Hồ Chí Minh). Khi vụ án đang được điều tra, Giang Kim Đạt đã cao chạy xa bay. Trong quá trình thu thập tài liệu bắt giữ đối tượng này, Phòng An ninh giao thông đã phối hợp các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Interpol sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ. Đại tá Đỗ Quang Phương cho biết: Mắt xích của vụ án mở ra cùng với việc lực lượng trinh sát có thông tin về khối tài sản lớn mà bố Đạt, ông Giang Văn Hiển (SN 1950, trú tại quận 2, TP Hồ Chí Minh) đứng tên.
Những ngày đó, cùng với sự phối hợp của các đơn vị nghiệp vụ, Phòng An ninh giao thông phát hiện các sai phạm của Đạt. Đối tượng này trực tiếp tham gia quá trình đàm phán giá cả, điều khoản hợp đồng mua 7 tàu cũ; thỏa thuận với các công ty bán tàu hưởng hoa hồng 1%, tiền được chuyển thông qua công ty môi giới mua bán tàu. Vụ án thành công tốt đẹp, Đạt bị bắt giữ khi đang lẩn trốn ở nước ngoài.
Trong quá trình sang nước ngoài phá án, lực lượng phá án phải đối mặt với nhiều khó khăn như sự bất đồng về ngôn ngữ, sự khác biệt về phong tục, tập quán, khí hậu... Nhưng dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, sự quyết tâm và đồng lòng của các cán bộ Phòng An ninh giao thông, việc bắt giữ đối tượng đã thành công tốt đẹp. Đây là vụ án phức tạp được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo, với nhiều đối tượng liên quan, trên phạm vi toàn quốc; được dư luận quốc tế và trong nước hết sức quan tâm.
2. Mảng việc Phòng An ninh giao thông được phân công, phụ trách là những lĩnh vực nhạy cảm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận gồm đầu tư, xây dựng cơ bản trên đường thủy, đường sắt, đường bộ và hàng không… Cũng chính vì thế mà cán bộ đơn vị phải đối mặt với rất nhiều áp lực và mỗi vụ án được xác lập, cũng ngốn một lượng lớn thời gian không nhỏ. Mỗi vụ án lại có tính chất, với những khó khăn riêng, đòi hỏi trí tuệ và bản lĩnh của mỗi cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ.
Một số vụ án địa bàn hoạt động, lẩn trốn của đối tượng đặc biệt phức tạp. Có vụ đối tượng hoạt động ở nước ngoài, có vụ diễn ra trên sông nước, trên biển… với nhiều bất trắc khó lường. Trong khi đó, các đối tượng cũng có nhiều thủ đoạn tinh vi để che giấu hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, do nguồn lợi về kinh tế khiến các đối tượng liều lĩnh trang bị vũ khí, phương tiện chống đối quyết liệt lực lượng bắt giữ. Vượt qua những khó khăn, nhiều vụ án được tập thể, lãnh đạo cán bộ chiến sĩ Phòng An ninh giao thông khám phá thành công.
Trong đó phải kể đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Container Quốc tế. Quá trình xác minh, điều tra đã có đủ tài liệu chứng minh hành vi sai phạm của các đối tượng. Phòng An ninh giao thông đã phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Hồng Anh và đồng bọn với số tiền chiếm đoạt lên tới trên 16 triệu USD, thu hồi cho Nhà nước số tiền trên 5,5 tỷ đồng.
Hay vụ án đấu tranh với các đối tượng có hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần Jestar Pacific. Sau khi hoàn tất hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối tượng liên quan; đơn vị tiếp tục theo dõi việc khắc phục hậu quả của đối tác nước ngoài, kịp thời báo cáo tham mưu cho Đảng, Nhà nước các giải pháp để khắc phục hậu quả việc thu hồi tài sản cho Nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích quốc gia trong quan hệ ngoại giao và kinh tế.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, để đảm bảo an ninh, an toàn trên lĩnh vực hàng không, Phòng An ninh giao thông đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu các giải pháp phòng ngừa kịp thời, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.
Trong năm 2015, đơn vị đã xác lập, đấu tranh, làm rõ hành vi sai phạm của đối tượng vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình về an toàn giao thông; tập trung xác định nguyên nhân can nhiễu tần số điều hành bay và hệ thống kiểm soát không lưu tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; kịp thời phát hiện phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ trực tiếp đe dọa, uy hiếp đến an toàn bay; xác minh đấu tranh với các đường dây buôn lậu và vận chuyển trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ qua đường hàng không… ngăn chặn kịp thời hậu quả xấu có thể xảy ra, không để tác động xấu đến kinh tế, xã hội…
Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận, Cục trưởng Cục An ninh Kinh tế tổng hợp tâm sự: Trong đấu tranh với tội phạm kinh tế, không ít lần các cán bộ Phòng An ninh giao thông phải đối mặt với hiểm nguy, thậm chí cả những “viên đạn bọc đường” khi đối tượng phạm tội tìm cách mua chuộc, dụ dỗ… Nhưng rồi bằng sự mưu trí, cùng với tập thể Cục An ninh Kinh tế tổng hợp; Phòng An ninh giao thông đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; tham mưu cho Đảng, Chính phủ và Bộ Công an nhiều giải pháp quan trọng nhằm ổn định chính trị xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Mảng việc Phòng An ninh giao thông được phân công, phụ trách là những lĩnh vực nhạy cảm, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận gồm đầu tư, xây dựng cơ bản trên đường thủy, đường sắt, đường bộ và hàng không… Cũng chính vì thế mà cán bộ đơn vị phải đối mặt với rất nhiều áp lực và mỗi vụ án được xác lập, cũng ngốn một lượng lớn thời gian không nhỏ. |