Tận tụy với công việc giáo dục, cải tạo phạm nhân

Thứ Hai, 20/09/2010, 10:59
Trung tá Vương Khả Diệu - Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ, Trại giam Đại Bình, thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an đóng chân tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng không thể nhớ hết có bao nhiêu phạm nhân đã cải tạo và rời khỏi Trại giam Đại Bình. Anh kể, 33 năm công tác trong ngành thì có 32 năm anh công tác tại Trại giam Đại Bình và 22 năm gắn bó với công tác giáo dục.

Một ngày cuối tháng 8/2010, tôi đã về Đại Bình, được gặp người cán bộ có số năm đáng nể công tác tại Trại giam Đại Bình và nghe anh kể nhiều chuyện vui buồn xung quanh nghề giáo dục.

Đại Bình là trại giam thuộc Bộ Công an, khi còn là trại giam thuộc Công an tỉnh Lâm Đồng, Đại Bình có quy mô nhỏ, số lượng phạm nhân không nhiều. Nhưng từ khi được nâng cấp, Đại Bình không chỉ tiếp nhận phạm nhân thi hành án hình sự của Lâm Đồng, mà còn của các tỉnh, thành Ninh Thuận, Bình Thuận, TP HCM… Hiện số lượng phạm nhân của trại đã lên đến gần 1.500 phạm nhân và mức án cao nhất là chung thân.

Trung tá Vương Khả Diệu kể về công việc của mình với sự say mê hiếm có. Phạm nhân là người phạm lỗi lầm do cố ý hoặc vô ý và bị pháp luật trừng trị. Trong số đó không ít người khi còn ngoài xã hội là đầu trộm, đuôi cướp, tính cách ngang tàng nhưng anh Diệu nói rằng họ cũng là con người, phải tôn trọng họ trên góc độ con người. Bởi vậy anh rất quan tâm đến tính cách của từng phạm nhân, quan tâm đến hoàn cảnh của họ, nguyên nhân đã đưa họ vào đây.

Trung tá Vương Khả Diệu trong buổi giao lưu thắp sáng ước mơ hoàn lương.

Với phạm nhân Trần Văn Bắc vào Trại giam Đại Bình với cái án 18 năm về tội giết người, để lại bên ngoài người vợ trẻ và 2 đứa con thơ thì anh Diệu đã dành nhiều thời gian để tác động, giáo dục. Anh bảo, đa phần các phạm nhân nhận án cao khi vào đây đều tỏ ra chán nản, có ý chống đối và Trần Văn Bắc cũng nằm trong số đó.

Anh Diệu đã tìm hiểu và biết được Bắc chán nản vì án quá dài, gia đình lại nghèo và ở mãi tận Nam Định, số tiền phải bồi thường cho nạn nhân quá lớn, vượt ngoài khả năng của gia đình. Sau nhiều lần tiếp xúc, giải thích về chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, nói về truyền thống gia đình, về tình cảm của cha mẹ, của vợ, con, anh Diệu đã cảm hóa được Bắc và hiện Bắc là phạm nhân cải tạo tốt, được xếp loại khá của Đội 6.

Trong công tác giáo dục phạm nhân, Trung tá Diệu đã lấy nhiều gương phạm nhân mặc dù có mức án dài nhưng cải tạo tốt, đã về với xã hội, hiện trở thành công dân tốt, là chủ các doanh nghiệp, công ty đang làm ăn phát đạt và được mọi người nể phục để các phạm nhân nhìn vào mà phấn đấu. Anh tâm niệm trong giáo dục cần phải có thưởng khi phạm nhân cải tạo tốt và phạt khi phạm nhân phạm lỗi.

Ở Trại giam Đại Bình, ngoài việc đưa vào diện xét giảm án vào mỗi dịp lễ, tết, những phạm nhân tiến bộ còn được xem xét cho thăm gặp tại nhà thăm nuôi với thời gian dài. Anh Diệu còn nhớ trường hợp phạm nhân A vào trại với mức án 16 năm tù giam. A rất chán nản bởi mới cưới vợ được 2 năm và hai vợ chồng chưa có con, trong khi A lại rất yêu thương vợ mình. A chỉ sợ vợ anh không đủ kiên nhẫn để đợi anh về.

Anh Diệu đã gặp gỡ, tác động và A đã tiến bộ, được cho thăm gặp vợ mình tại nhà thăm nuôi. Kết quả của những lần thăm gặp ấy là vợ chồng A đã có một đứa con trai. Sau đó, gia đình A đã đến và cảm ơn Trại giam Đại Bình, cảm ơn chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước

Đức Huy
.
.