Người được vinh danh tại chương trình “Vinh quang Việt Nam 2015”, Đại úy Lầu A Chứ - Công an tỉnh Điện Biên:

Tận tụy “ba cùng”, được dân bản tin yêu

Chủ Nhật, 16/08/2015, 10:51
Sinh ra ở vùng quê cách mạng của Anh hùng Vừ A Dính (xã Pú Nhung, Tuần Giáo, Điện Biên), từ nhỏ, Đại úy Lầu A Chứ (Phòng PA88, Công an tỉnh Điện Biên) sớm hiểu được giá trị của cuộc sống bình yên đối với người dân quê hương anh và mong muốn được góp sức gìn giữ sự bình yên ấy.

13 tuổi, anh đã xa gia đình về học Trường Văn hóa I - Bộ Công an (Thái Nguyên), sau đó thi vào Học viện ANND, để trở về địa phương công tác. Gần 10 năm gắn bó với công việc, bằng những kiến thức có được, bằng tình yêu nghề và tinh thần vì nhân dân phục vụ, Lầu A Chứ luôn lăn lộn trên khắp địa bàn vùng cao, vùng xa để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Sự nỗ lực của anh đã được ghi nhận với 5 Bằng khen của Bộ Công an, 2 Bằng khen của UBND tỉnh Điện Biên, cùng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND và 3 năm liền Chiến sỹ thi đua cơ sở, 2 lần đạt danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.

Chưa kể, đã nhiều lần anh được Giám đốc Công an tỉnh Điên Biên và UBND các huyện Mường Chà, Mường Nhé tặng Giấy khen vì những thành tích xuất sắc.

Do đặc thù công việc, Đại úy Lầu A Chứ phải thường xuyên vượt rừng, lội suối đến các bản, làng xa lắc nơi biên giới, “ba cùng” với bà con để nắm bắt tình hình và tâm tư nguyện vọng của người dân. Địa bàn công tác chủ yếu là vùng cao, vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế, văn hóa còn rất nhiều khó khăn, giao thông chủ yếu là đi bộ xuyên rừng. Có nơi, đến trung tâm huyện đã xa hơn 200km, đường lại xấu, đi mất cả ngày mới đến rồi lại lội bộ vài chục cây số mới vào được bản.

Bình thường, mỗi tháng anh được ở nhà 2-3 ngày, còn khi có sự vụ gì thì “nằm vùng” ở biên giới vài tháng liền. Bạn bè nhiều người vẫn ngạc nhiên, vì hòa bình rồi mà sao Công an vẫn ít khi có mặt ở nhà, thậm chí, vợ sinh 2 đứa con, Lầu A Chứ đều không có mặt.

Đại úy Lầu A Chứ.

Ở vùng biên, dân trí thấp, còn nhiều phong tục lạc hậu và tình hình an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc Mông có nhiều diễn biến khá phức tạp, do bọn xấu kích động, tuyên truyền, gây mất đoàn kết nội bộ gia đình, địa phương, cản trở việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà là khu vực nhiều phức tạp do đồng bào Mông từ các tỉnh Tây Bắc di cư đến, mà đỉnh điểm là vụ tập trung đông người trái phép tại bản Huổi Khon và vụ một số đối tượng xấu tập kích vào tổ công tác liên ngành, hay hoạt động của các nhóm đối tượng tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông”, hoạt động tôn giáo trái pháp luật… Vì thế, Đại úy Lầu A Chứ phải thường xuyên bám địa bàn, đặc biệt coi trọng công tác nắm tình hình cơ sở, quản lí các đối tượng cầm đầu.

Anh vừa trực tiếp gặp gỡ các đối tượng để tuyên truyền, đả thông tư tưởng, vừa tranh thủ những người có uy tín ở địa phương như già làng, trưởng bản, cán bộ hưu… để thuyết phục họ. Vì địa bàn có nhiều dân tộc nên ngoài tiếng Mông, Đại úy Lầu A Chứ còn chịu khó tìm hiểu phong tục tập quán, học thêm tiếng các dân tộc khác như Thái, Khơ Mú… để trò chuyện, vận động bà con.

Đồng bào thấy anh cán bộ Công an người Mông gương mẫu trong cuộc sống, không ngại khó, ngại khổ, cũng đi bộ, chăm chỉ đi nương với mình, hướng dẫn cho bà con làm điều tốt, tránh vi phạm pháp luật nên quý mến và tin tưởng.

Thanh Hằng
.
.