Tận tình giúp người được tha tù làm lại cuộc đời

Thứ Tư, 19/10/2011, 16:49
Chính những chiến sĩ Công an từng "hạ gục" những tên tội phạm, rồi đấu trí căng thẳng để buộc chúng "tâm phục, khẩu phục" và phải vào trại giam suy ngẫm về những lỗi lầm, nhưng tới khi những "đại ca" ấy mãn hạn tù, các anh lại xuất hiện giúp đỡ họ bằng cả tình thương và trách nhiệm, để họ sớm đến bến bờ nẻo thiện.

Đại tá Bùi Bé Tư - Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang kể với tôi rằng, sau khi mô hình giúp đỡ người lầm lỡ hoàn lương ở Thoại Sơn thành công, Ban Giám đốc Công an tỉnh quyết định triển khai ra nhiều địa bàn khác và tiếp tục "gặt hái" được thành công nhất định. Công an TP Long Xuyên đã có mô hình CAND đối thoại với người được đặc xá, tha tù.

Công an huyện Châu Phú tham mưu cho Bí thư Huyện ủy chủ trì cùng với ban, ngành, đoàn thể tổ chức họp mặt những người đặc xá, tha tù để động viên, khen ngợi họ. Cùng với nhiều mô hình khác do Công an chủ trì, số người được đặc xá, tha tù tái phạm giảm hẳn. Đến nay, toàn tỉnh An Giang có gần 20 tấm gương hoàn lương tiêu biểu. Thành công từ các mô hình trên là xóa mọi khoảng cách, mặc cảm của người đặc xá, tha tù, giúp họ đã có điều kiện hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống...

Để tìm hiểu thông tin thực tế, chúng tôi đã về Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú (An Giang). Tại đây, chúng tôi được nghe kể về ông Nguyễn Minh Trí, từng bị phạt tù vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thế nhưng từ ngày trở về sum vầy với gia đình đến nay, ông tiến bộ thấy rõ. Hễ xong việc đồng áng là ông bắt tay cùng với bà con sửa đường giao thông, hưởng ứng vận động xây cầu, cất nhà cho đối tượng chính sách.

Cũng ở huyện Châu Phú, chúng tôi nghe chuyện em Phạm Nhật Tân (24 tuổi, ngụ xã Bình Mỹ), sau khi mãn hạn tù (tội cướp giật), không chỉ tham gia tốt các hoạt động xã hội tại địa phương, mà còn động viên nhóm bạn xấu trở thành người lương thiện, không quậy làng, phá xóm nữa.

Còn trường hợp Lê Tấn Kiệt (23 tuổi, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, An Giang), sau khi được ân xá (tội cướp giật) trở về địa phương, được Công an giúp đỡ, đã xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập cộng đồng, tích cực tham gia hoạt động xã hội và hiện được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn ấp.

Công an huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) tặng gạo các đối tượng hoàn lương.

Tương tự, ở xã Vĩnh Lợi, Châu Thành (An Giang), ông  Nguyễn Đình Sơn, 61 tuổi được tín nhiệm làm cán bộ UBMTTQ xã. Tại TP Long Xuyên, nhiều người được đặc xá, tha tù giờ trở thành tổ trưởng tổ dân phố, giúp những đối tượng lầm lỡ trở về sớm hòa nhập với cuộc sống đời thường, giống như bản thân mình được giúp trước đây...

Ở vùng đất biển Bạc Liêu, người dân từng biết đến mô hình mang đậm giá trị nhân văn mà Công an huyện Phước Long đã tập trung thực hiện và từng được Bộ trưởng Bộ Công an khen ngợi, biểu dương.

Anh Nguyễn Văn Không, nhà ở ấp Tường II, xã Hưng Phú, huyện Phước Long kể: "Khi vừa mãn hạn tù về, thấy các anh Công an đến, tui sợ lắm, chui vô mùng trốn. Khi nghe vợ gọi ra gặp mấy anh, mấy chú đến xem đời sống thế nào để giúp đỡ, tôi mới bò ra". Anh Không cho biết, do nhà nghèo, một mình nuôi vợ cùng 2 đứa con, để có thêm thu nhập, năm 2003, anh vay tiền mua xe gắn máy chạy xe ôm. Chiếc xe 15 triệu đồng, anh chỉ trả được 2 triệu, chủ cửa hàng đòi gắt quá, nếu không trả sẽ lấy xe. Giữa lúc "bí đường ra", anh nghe theo một người ở xóm trên đi trộm… máy cày. Anh chưa kịp tiêu thụ thì bị Công an xã "mời" đến làm việc... Anh phải trả giá bằng 24 tháng tù giam. Vợ con nheo nhóc, bán hết đất đai. Khi anh mãn hạn tù, trở về, chỉ còn cái chòi nhỏ, bằng lá.

Sau chuyến ghé thăm nhà anh Không, các cán bộ về báo cáo và được lãnh đạo Công an huyện xuất kinh phí từ nguồn quỹ "mái ấm cho người hoàn lương" dựng lại mái nhà cho anh; đồng thời giới thiệu anh vào công tác trong đội ANTT của ấp. Anh Không hoàn toàn không thể ngờ rằng cuộc đời mình đã có một hướng rẽ khác khá thuận lợi.

Thượng tá Mai Quốc Phòng - Phó trưởng Công an huyện Phước Long cho biết, chương trình "Xây nhà cho người hoàn lương" được Công an huyện Phước Long phát động, thực hiện từ năm 2000. Tôi hỏi Công an huyện đã vận động xây dựng được bao nhiêu căn nhà, anh Phòng lắc đầu: "Mình làm xuất phát từ tình thương, từ tấm lòng của cán bộ chiến sĩ, có phải làm vì thành tích đâu mà nhớ bao nhiêu căn, bao nhiêu tiền…".

Theo lời Thượng tá Mai Quốc Phòng kể, lúc đầu triển khai, chương trình gặp không ít khó khăn do các đối tượng e dè, không dám tiếp xúc (do lo sợ nhà mình có Công an tới hoài làng xóm nghi ngờ chắc có gì đó?). Dần về sau, khi chương trình được phổ biến đến người dân thì xóm làng mới thấy được ý nghĩa tích cực của nó. Hiện nay tất cả các huyện trong tỉnh Bạc Liêu đều thực hiện chương trình này.

Trung tá Nguyễn Chí Dũng - Phó trưởng Công an huyện Hồng Dân phân tích: "Chúng tôi xác định làm tốt chính sách cho người hoàn lương không những thể hiện đạo lý của người Việt Nam mà còn giúp đỡ cho họ có cuộc sống ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương".

Ở huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), chúng tôi còn được Trung tá Phan Thiện Lến - Phó trưởng Công an huyện kể chuyện Công an huyện từng đứng ra tín chấp cho trên 50 đối tượng vay với số tiền trên 200 triệu đồng. Sử dụng đồng vốn hiệu quả, đến hạn, bà con trả đầy đủ. Chính nguồn vốn này đã giúp họ có điều kiện hơn để về với nẻo thiện.

Theo Đại tá Bùi Bé Tư - Phó Giám đốc Công an tỉnh An Giang, để mô hình giúp đỡ người hoàn lương có hiệu quả, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cần có sự quan tâm, tạo điều kiện cho họ nhiều hơn nữa. Ngân hàng cần tăng vốn đầu tư để họ có điều kiện mở rộng sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.

Thái Bình
.
.