Tâm sự của nữ sinh viên Cảnh sát được phong hàm Trung úy
Mới đây, trong lễ bế giảng rộn ràng, đầy kỷ niệm của khóa D36, Học viện CSND được tổ chức vào ngày 2/6, có một “điểm nhấn” thật ấn tượng. Đó là lễ gắn cấp hàm cho 15 học viên tiêu biểu, trong đó có sinh viên Nguyễn Phương Linh, lớp B4. D36, một sinh viên xuất sắc toàn khóa với số điểm tổng kết ngoạn mục: 9,07. Nguyễn Phương Linh được phong cấp hàm Trung úy, thay vì cấp hàm Thiếu úy như các học viên khác. Trong 25 năm qua, Học viện CSND mới lại có một sinh viên xuất sắc được phong hàm Trung úy ngay khi tốt nghiệp.
Tôi đã từng viết bài về Phương Linh, khi em là một trong những sinh viên CAND tiêu biểu được tặng danh hiệu “Thanh niên điển hình tiên tiến của Tổng cục XDLL CAND giai đoạn 2008 – 2013” (nay là Tổng cục Chính trị CAND).
Phương Linh như “một đốm lửa nhỏ” nhưng luôn tỏa sáng. Mỗi ngày em đều cố gắng, chắt chiu, tích lũy một chút kiến thức, một chút đam mê, một chút hoài bão, một chút “biết sống vì người khác” đã làm nên thành công vượt bậc của cô sinh viên Nguyễn Phương Linh có đôi mắt cũng luôn rực sáng. Ngọn lửa nhỏ đó cứ lớn dần trong em, nuôi lớn ý chí phấn đấu trong em.
Sau 5 năm rèn luyện, Phương Linh “cứng cáp”, trưởng thành hơn và rất có “dáng” một sỹ quan cảnh sát. Và bộ “sưu tập” thành tích học tập của Trung úy Nguyễn Phương Linh cũng dày dặn hơn rất nhiều: Tốt nghiệp bằng giỏi, đạt danh hiệu học sinh xuất sắc toàn khóa; giải nhất cuộc thi hát tiếng Anh Beyond Yourself 2012; giải nhì cuộc thi Cán bộ lớp giỏi 2012; giải nhì đề tài NCKH năm 2013; giải nhì cuộc thi hành trình bài ca sinh viên năm 2013; giải nhất chuyên đề NCKH năm 2014; giải nhì đề tài NCKH năm 2014 và giải nhất cuộc thi tìm hiểu lịch sử 70 năm CAND năm 2014…
Trung úy Nguyễn Phương Linh và gia đình, thầy giáo trong lễ bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. |
Có một điều thú vị là gia đình Nguyễn Phương Linh là một “gia đình Công an”, một “nếp nhà truyền thống CAND”. Bố Linh là Thiếu tướng Nguyễn Trung Thành, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, nguyên Giám đốc Học viện CSND; mẹ là cán bộ của Phòng Tổ chức cán bộ, Công an TP Hà Nội. Chị gái và anh rể của Phương Linh hiện cũng đang công tác tại các đơn vị của Tổng cục Chính trị CAND.
Phương Linh hào hứng cho tôi hay, ban đầu em không có ý định thi vào trường Công an, em thích học kinh tế. Nhưng có lẽ đến với “nghề này” cũng cần một cái “duyên”, và trong sâu thẳm em đã được giác ngộ sự vinh dự và tự hào khi mang trên mình bộ trang phục CAND, nhất là lại được theo đúng nghề của cha mẹ, anh chị mình. Và em đã từ bỏ một số trường kinh tế “hot” để thi vào Học viện CSND. Em luôn tự hào là mình đã chọn đúng nghề.
“Khi thực sự vào trường em mới nhận ra mình hợp với môi trường này. Em tự hào khi được khoác trên mình bộ trang phục đó. Em luôn nhớ lời bố khuyên rằng, đã mang trên mình bộ quần áo của người chiến sỹ Công an là cả một vinh dự lớn lao và quan trọng là không bao giờ được thỏa hiệp, hài lòng với bản thân. Ở Học viện, em được học võ, súng, văn hoá, được tham gia nhiều hoạt động ca hát, dân vũ. Em được rèn luyện trong điều kiện khắc nghiệt nhưng lại có nhiều hoạt động văn hóa làm cho tâm hồn mình phong phú, yêu đời, được chia sẻ, cống hiến” - Phương Linh cho hay
Là con một cán bộ Công an cấp cao nhưng Phương Linh đã tự giác học tập, rèn luyện gần như ở mức năng lượng tối đa. Nhiều thầy cô giáo sau nhiều năm daỵ Phương Linh mới biết bố em từng làm Giám đốc Học viện.
Phương Linh tâm sự rằng, đối với em, cái gì mình đạt được phải do chính mình làm ra, bố mẹ chỉ là những người đứng sau giúp đỡ, tận tình chăm lo cho mình mà thôi. Không thể dựa dẫm vào bố mẹ được. Chính tinh thần tự giác học tập, tự lực cánh sinh đã khiến em không ỷ lại, luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào.
Bố em, Thiếu tướng Nguyễn Trung Thành kể rằng, Phương Linh ở nhà là con út, được chiều chuộng, nhưng em đã sớm “từ bỏ những sở thích cá nhân chiều chuộng” để trở thành sinh viên mẫu mực; ngay cả việc về thăm nhà em cũng tuân thủ kỷ luật ở mức cao nhất. Học viện CSND quy định 8h tối là điểm danh, thì bao giờ em cũng chủ động thu xếp để vào trường trước giờ đó, không để ai phải nhắc nhở.
Chính điều kiện rèn luyện nghiêm khắc cũng đã rèn cho cô gái nhỏ này ý chí vươn lên, không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Và những ngày cùng đồng đội đứng dưới nắng rát để chào cờ, tập điều lệnh hay tập võ thuật trong nhà thi đấu nóng hầm hập cũng đã trở thành những kỷ niệm thân thương nhất trong đời sinh viên của Nguyễn Phương Linh.